Cầu Thê Húc “Hội tụ ánh sáng đẹp của mặt trời”

04:05, 01/05/2013

Cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn dịu dàng và đằm thắm giữa mênh mông sóng nước xanh như mực của hồ Gươm. Đài Nghiên, tháp Bút đứng sừng sững, uy nghiêm, tựa ngàn ngọn bút lông tua tủa viết lên trời xanh.

"Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ

Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn

Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này"

(Ca dao cổ)


Cầu Thê Húc, chùa Ngọc Sơn dịu dàng và đằm thắm giữa mênh mông sóng nước xanh như mực của hồ Gươm. Đài Nghiên, tháp Bút đứng sừng sững, uy nghiêm, tựa ngàn ngọn bút lông tua tủa viết lên trời xanh.

Cầu Thê Húc
Cầu Thê Húc


Gần một ngàn năm trước, những quần thể di tích này còn nằm trên một cồn cát hoang sơ của khúc sông Nhị Hà (sông Hồng). Sang đời Trần, trên cồn cát ấy có ngôi đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông. Nhưng trải qua biến cố binh lửa, đền bị đổ nát. Mãi đến thời chúa Trịnh Giang, đã dựng cung Khánh Thuỵ trên đảo Ngọc làm nơi vui chơi, tiêu khiển. Năm 1786, cung Khánh Thuỵ bị Lê Chiêu Thống đốt. Những kẻ sĩ đất Bắc lại tìm về nền đất bị tàn phá, gây dựng lên những lâu đài văn hoá.

Sử sách chép lại: một tư nhân là Tín Trai đã dựng ngôi đền nhỏ trên nền cung Khánh Thuỵ, đền thờ Quan đế thánh nhân (tức Quan Công đời Hán), sau thêm ban thờ Trần Hưng Đạo (vị tổng chỉ huy trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông). Năm 1842, đền có thêm ban thờ Văn Xương đế quân, vị thần chủ trì văn học, sau còn thêm ban thờ tượng Lã Tể (Lã Đồng Tâm), vị tiên có tài tìm thuốc chữa bệnh. Năm 1843, đền mới chính thức có tên gọi là Ngọc Sơn.

Về kiến trúc, đền Ngọc Sơn là một dãy nhà hình chữ Tam gồm toà tiền bái, toà chính điện và hậu cung. Toà tiền bái thờ Quan Công, toà chính điện thờ Văn Xương đế quân và toà hậu cung thờ Trần Hưng Đạo. Ngoài ra trong đền còn thờ Phật A Di Đà. Điều này đã thể hiện rõ quan niệm tam giáo đồng nguyên của người Việt xưa.

Đúng 22 năm sau, phương đình Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra vận động xây dựng và tu bổ đền Ngọc Sơn thành một biểu tượng văn hoá của kẻ sĩ Bắc Hà với một công trình liên hoàn gồm “đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - tháp Bút - đài Nghiên”.

Nguyễn Văn Siêu, nhà tri thức lỗi lạc của đất Thăng Long xưa, đã “múa bút” viết nên những hoành phi câu đối tuyệt mỹ cho những lâu đài văn hoá đương thời. Này đây là tháp Bút với ba chữ “Tả Thiên Thanh” (Viết lên trời xanh) tỏ rõ khí phách của kẻ sĩ Bắc Hà. Rằng kiếp sĩ phu đâu phải chỉ gác bút nghiên đi ở ẩn, mà họ đang xông pha ngòi bút để chăm lo dân, trị nước, hoà nhập với vũ trụ, với những đổi thay tiến bộ của hoàn cầu.

Ngày nay, tâm niệm của Nguyễn Văn Siêu về cây cầu Thê Húc “hội tụ ánh sáng đẹp của mặt trời” vẫn còn nguyên giá trị. Sử tích ghi lại cầu được xây dựng năm 1865, gồm 15 nhịp, 32 chân cột tròn xếp thành 16 đôi. Trên cầu lát ván gỗ và sơn màu đỏ sẫm, chữ màu vàng. Cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, còn gọi là Đắc Nguyệt lâu (lầu được trăng) nằm ẩn núp dưới bóng cây đa cổ thụ.
Đắc Nguyệt lâu là một gác chuông hai tầng, kiến trúc tựa như Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lầu có đắp hình long mã và rùa thần đội đồ thư và gươm báu hai bên, kèm đôi câu đối tượng trưng cho tấm lòng thanh bạch của sĩ phu Bắc Hà: “Cầu gỗ như chiếc cầu vồng đưa lên hồ đảo. Lầu cao soi trăng sáng nằm giữa lòng hồ”.

BÌNH NGUYÊN