Một tuyến du lịch quốc tế xuyên Tây Nguyên và những “cánh bay” vươn sang các quốc gia lân cận bắt đầu từ Đà Lạt, và ngược lại, hiện là ước mơ ấp ủ của không chỉ các nhà lãnh đạo địa phương mà còn là kỳ vọng của nhiều người...
Một tuyến du lịch quốc tế xuyên Tây Nguyên và những “cánh bay” vươn sang các quốc gia lân cận bắt đầu từ Đà Lạt, và ngược lại, hiện là ước mơ ấp ủ của không chỉ các nhà lãnh đạo địa phương mà còn là kỳ vọng của nhiều người. Sau những biến cố không mấy sáng sủa về kinh tế toàn cầu (khủng hoảng), đến nay, tình hình đã được cải thiện. Và nhờ vậy, ước mơ về tuyến du lịch quốc tế xuyên Tây Nguyên cùng những “cánh bay” vươn sang những chân trời mới của Đà Lạt đã được đề cập lại trong chương trình phát triển KT-XH địa phương Lâm Đồng mới đây.
Du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ “cất cánh” từ Cảng hàng không quốc tế Liên Khương |
“Tiếp tục làm việc với các cơ quan hữu quan để sớm mở đường bay quốc tế từ Đà Lạt đi Singapore, Xiêm Riệp, Ma Cao” là một trong những nội dung của chương trình công tác của UBND tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Còn nhớ, hồi cuối năm 2009, trong kế hoạch phát triển, Lâm Đồng đã đưa ra kế hoạch mở tuyến bay quốc tế từ sân bay Liên Khương đi Xiêm Riệp trong năm 2010. Tiếp đến, trong hai năm 2011 và 2012, hai chân trời mới cũng được mở ra dưới những cánh bay bắt đầu từ Liên Khương là Singapore và Lào. Về đường bộ, đầu năm 2009, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã ký kết văn bản với Lào và Thái Lan trong việc hình thành tuyến du lịch quốc tế xuyên Tây Nguyên, lấy quốc lộ 27 Lâm Đồng - Đắk Lắk - Gia Lai - Kon Tum làm “xương sống” để vươn ra hai quốc gia lân cận này. Cũng cần nói thêm, tuyến du lịch quốc tế đường bộ xuyên Tây Nguyên này được hình thành trên cơ sở của tuyến du lịch “Con đường xanh” và “Con đường di sản” khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo đó, tuyến du lịch hoàn toàn mới “xuyên Tây Nguyên” bắt đầu từ Đà Lạt (Lâm Đồng) theo quốc lộ 27 sang Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hoà vào quốc lộ 14 đi qua Pleiku (Gia Lai) để sang cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) qua các tỉnh phía nam Lào và đông bắc Thái Lan. Cùng với tuyến đường bộ, giấc mơ về đường không cũng đã được mở ra với những “cánh bay” bắt đầu từ “mặt đất” Liên Khương sang Xiêm Riệp, Ma Cao và Singapore khi ngay từ hơn 3 năm trước, ngành hàng không Việt Nam đã bỏ ra hơn 280 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp Liên Khương từ một sân bay thành một cảng hàng không quốc tế có đủ khả năng phục vụ cho 2 triệu lượt khách cùng với khả năng vận chuyển 10.000 tấn hàng hoá mỗi năm trong tương lai.
Nếu bảo rằng con đường du lịch quốc tế xuyên Tây Nguyên phát xuất từ Đà Lạt chính là “cánh tay nối dài” của “Con đường di sản” và “Con đường xanh Tây Nguyên” (cả hai “con đường” này bắt đầu từ miền Trung lên Đà Lạt) thì những “cánh bay” vươn về chân trời mới Xiêm Riệp, Ma Cao và Singapore lại là một “cánh tay hoàn toàn mới” bắt đầu “mọc” ra từ Đà Lạt, Lâm Đồng. Như vậy, có thể nói, cả dưới mặt đất và cả trên không trung, một “chân trời du lịch” của Đà Lạt đang rộng mở!
KHẮC DŨNG