Lên Đà Lạt thăm làng Cù Lần

08:06, 20/06/2013

(LĐ online) - Quãng đường từ trung tâm Đà Lạt vào làng Cù Lần ngót nghét ba mươi cây số chứ không phải ít. Đứng ngay trên con đường nhựa mới mở nhìn xuống: Trong tầm mắt tôi là một thung lũng khá rộng, một thung lũng nằm kẹp giữa những cánh rừng thông ngút ngát.

(LĐ online) - Vẫn như hè mọi năm, năm nay, mới chớm rời cổng trường là thằng con trai bạn tôi ở xứ nóng lại phôn: “Con sắp được nghỉ rồi, bác ơi! Hè này cả nhà lên Đà Lạt du lịch, con lại nhờ bác…”.

Quãng đường từ trung tâm Đà Lạt vào làng Cù Lần ngót nghét ba mươi cây số chứ không phải ít. Đứng ngay trên con đường nhựa mới mở nhìn xuống: Trong tầm mắt tôi là một thung lũng khá rộng, một thung lũng nằm kẹp giữa những cánh rừng thông ngút ngát.

Tôi hỏi Hải Đăng: “Đi xe jeep tìm cảm giác mạnh nhé?”. Đứa con trai mười sáu tuổi gật đầu không một chút đắn đo. Hóa ra, chuyến xe jeep hơn 4km xuyên qua những cánh rừng, xuyên qua những bãi lầy, xuyên qua những khúc suối cạn, ngược lên mấy cái dốc đứng, cắm đầu xuống đôi ba cái vực… đã làm cho cu cậu vô cùng thích thú.

Văn Tuấn Anh: “Phải biết tựa vào thiên nhiên để làm du lịch”
Văn Tuấn Anh: “Phải biết tựa vào thiên nhiên để làm du lịch”


Buổi chiều, Văn Tuấn Anh – ông chủ của làng du lịch Cù Lần – xuất hiện. Tuấn Anh chưa già lắm (dưới năm mươi). Câu chuyện giữa chúng tôi và Tuấn Anh cởi mở, mặc dầu chỉ mới gặp nhau lần đầu. Tuấn Anh tâm sự vì sao lại chọn vùng rừng núi sâu xa làm du lịch và còn lý giải “cái yêu rừng” của anh. Tuấn Anh bảo: “Tôi dân gốc miền Trung; lớn lên, mười mấy tuổi đã vào Sài Gòn lập nghiệp. Đã từng bỏ tiền tỷ để kinh doanh ở nơi đô hội ấy. Trong thương trường, thất bại đã trải, thành công cũng đã từng. Nhưng rốt cục, chuyện kinh doanh nó cứ nhàn nhạt thế nào ấy! May mà trong tôi còn một chút máu nghệ sỹ. Và, nhờ đó, tôi đã tìm lên đây, đến nơi hoang vắng này để ngâm ngợi, sáng tác và ca hát: “Xin đừng hỏi yêu em nhiều ít/Em ơi nhìn suối chảy ngày đêm/Em hãy đếm cù lần khoe bóng/Em cứ đong cạn nước vơi đầy…”. Thú thật,  khi nghe “Trái tim thật thà” của Văn Tuấn Anh, tôi không tránh khỏi bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi vài hôm sau, ngồi nói chuyện với MPK (một nhiếp ảnh gia “khùng” nổi tiếng của Đà Lạt), MPK tiết lộ: “Tuấn Anh có mấy ca khúc hay lắm đấy! Mà toàn là ‘thứ dữ” hát không hà! Như, “Trái tim thật thà” thì ca sỹ Lê Hiếu hát, “Bóng mẹ xa xôi” thì Trần Thu Hà thể hiện, “Mùa đông vắng anh” thì Hồ Quỳnh Hương trình bày…”.

Tôi lại hỏi Văn Tuấn Anh: “Sao lại gọi làng du lịch này là “Cù Lần”?”. Nét cười của “ông chủ” này hiền khô: “Khu vực thung lũng này nhiều cây cù lần lắm anh à! Nó như cây dương xỉ vậy! Nhưng cái gốc của nó thì xù xì nhìn ngộ lắm. Bà con dân tộc thiểu số quanh đây thường lấy gốc cây này gọt thành hình con cù lần rồi mang ra Đà Lạt bán cho du khách…”. Tôi quay sang chuyện khác: “Sống giữa những buôn làng của bà con, lấy “chất” văn hóa các dân tộc Tây Nguyên làm… chủ đạo trong kinh doanh, Tuấn Anh chắc phải vất vả lắm?”. Văn Tuấn Anh vẫn với nụ cười hiền khô: “Tôi biết ơn bà con nhiều lắm, anh ạ! Họ không chỉ giúp tôi những việc thường ngày mà còn dạy cho tôi biết yêu rừng, yêu thiên nhiên nơi này! Tôi học ở học rất nhiều điều, trong đó có chuyện biết nương vào tự nhiên mà sống! Thế mới có “Dâng em lối nhỏ xinh uốn quanh hồ xanh suối vắng/Dâng em mái nhà tranh khuất trong màn sương chiều về” chứ!”.

Chuẩn bị cho đêm sinh hoạt cồng chiêng
Chuẩn bị cho đêm sinh hoạt cồng chiêng


Nắng chiều không còn vương trên ngọn cây rừng. Tôi trở ra Đà Lạt, phải thở dốc khi leo lên rất nhiều bạc tam cấp nhưng vẫn nhẩn nha mấy câu trong “Trái tim thật thà” của Văn Tuấn Anh: “Anh không biết làm thơ không hát lời hay có cánh/Cho anh nói lời yêu như đứa nhà quê thật thà/Xin em hãy nhận đi xác thân mẹ nuôi khôn lớn/Xin em hãy nhận đi trái tim mộng mơ… trái tim Cù Lần…”.

Khắc Dũng