Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Tình trạng bất cập trong môi trường du lịch diễn ra từ nhiều năm, là vấn đề của xã hội, không riêng của ngành du lịch, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.
Hội nghị trực tuyến cải thiện môi trường du lịch Việt Nam diễn ra sáng 6/6, do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về Du lịch chủ trì. Tham dự còn có lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh thành trong cả nước.
Nụ cười du khách là thước đo hiệu quả hoạt động du lịch |
Mặc dù đã có các văn bản luật và dưới luật, như Luật Du lịch, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP, các Thông tư của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành đã cụ thể hóa các quy định liên quan tới việc đảm bảo môi trường du lịch, nhưng 4 năm qua, cả nước chưa có tổng kết về số lượng và chất lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Điều này cũng phản ánh một phần sự bất cập về chất lượng dịch vụ du lịch ở Việt Nam. Tại các địa bàn trọng điểm, hiện tượng chèn ép, lừa đảo khách du lịch, tình hình gian lận cước, lừa đảo tiền của tài xế taxi, nạn bán hàng rong, ăn xin, bán vé số, đánh giày chèo kéo, đeo bám du khách... vẫn diễn ra thường xuyên. Đặc biệt tại những nơi tập trung đông khách, mùa cao điểm (lễ hội, mùa du lịch biển) để lại ấn tượng không tốt về môi trường du lịch, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam.
Đồng chí Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch chỉ ra một số địa phương thường hay xảy ra vi phạm là thủ đô Hà Nội, Tp.HCM, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Vũng Tàu, Cửa Lò (Nghệ An)... Một số địa phương quản lý tốt, ít để xảy ra vi phạm như Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam). Thứ trưởng cũng chỉ ra một số giải pháp được thực thi có hiệu quả góp phần hạn chế vi phạm được các địa phương thực hiện đó là: Trung tâm hỗ trợ du khách (Đà Nẵng); lực lượng bảo vệ du khách, thanh niên xung phong (áo xanh) (Tp.HCM); tổ công tác phản ứng nhanh (Sầm Sơn, Thanh Hóa)...; hay các địa phương có niêm yết công khai giá dịch vụ, quy định cấm hàng rong, đeo bám du khách và lập đường dây nóng...
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Tình trạng bất cập trong môi trường du lịch diễn ra từ nhiều năm, là vấn đề của xã hội, không riêng của ngành du lịch, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương. Tại sao Đà Nẵng, Hội An là điểm đến an toàn, trong khi đó một số địa phương thường xảy ra tình trạng ăn xin, đeo bám, chèn ép khách du lịch… Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng khách giảm 1,54% so với năm 2012, ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế nói chung, thì do môi trường du lịch không được cải thiện phù hợp, điển hình là công tác vệ sinh trên các tour tuyến du lịch và nạn chèo kéo, chèn ép du khách... khiến môi trường du lịch thiếu an ninh và an toàn, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm. Phó Thủ tướng đề nghị các ngành và các địa phương làm rõ 3 câu hỏi trong vấn đề về môi trường du lịch Việt Nam hiện nay là: Để xảy ra tình trạng trên thuộc trách nhiệm của ai? Cơ chế giải quyết các sự việc, hiện tượng đó? Có cách nào để liên kết các lực lượng cùng vào cuộc để cải thiện môi trường du lịch của Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng, lãnh đạo địa phương là người đương đầu với thách thức từ ngành du lịch chứ không phải Chính phủ, do đó, phải lấy phản ứng của khách du lịch làm nội dung chính trong hoạt động du lịch. Chẳng hạn, nếu lấy hình ảnh nụ cười du lịch làm trọng tâm, thì hiệu quả không phải là nụ cười của người Việt Nam mà là nụ cười của du khách.
Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch đưa ra đề án Cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, với mục tiêu cải thiện hình ảnh về du lịch Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện, hạn chế tới mức tối đa tình trạng cướp giật, ép giá, theo bám, chèo kéo khách du lịch; tạo cơ hội, tiện nghi, tăng cường dịch vụ du lịch chất lượng mang ấn tượng Việt Nam. Chỉ ra các nguyên nhân yếu kém: Buông lỏng quản lý; chồng chéo, nhiều cơ quan quản lý mà thiếu đầu mối chịu trách nhiệm chính; thiếu thông tin cảnh báo đến du khách; tính mùa vụ trong dịch vụ du lịch; nếp sống văn minh, ý thức pháp luật không nghiêm; đạo đức nghề nghiệp không được coi trọng; do quá tải, cung vượt quá cầu; thiếu sự điều tiết tổng thể,.. Kết thúc hội nghị đưa ra đề án với 4 nhiệm vụ chính cùng với các giải pháp cụ thể, trong đó có những giải pháp cần thực hiện ngay.
LÊ HOA