Cần thành lập "cung đường du lịch"

10:06, 06/06/2013

(LĐ online) - "Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né" được xem là đặc trưng và thế mạnh du lịch của từng địa phương nhưng hiện tại sự liên kết tam giác du lịch và các sản phẩm du lịch vẫn chưa chặt chẽ, thiếu tính liên tục và chuyên nghiệp trong việc phối hợp giữa các địa phương.

(LĐ online) - Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, Bình Thuận và TP Hồ Chí Minh đã ký kết chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch từ năm 2007. Kết quả của chương trình hợp tác này đã đem lại kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Đại diện Sở VHTT&DL 3 địa phương ký kết chương trình liên kết du lịch giai đoạn 2013 – 2018
Ký kết chương trình liên kết du lịch giai đoạn 2013 – 2018


CƠ HỘI CÙNG PHÁT TRIỂN

Sau 5 năm triển khai, chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch đã tạo được sự liên kết đặc thù theo hướng du lịch sinh thái rừng - sinh thái biển - tham quan mua sắm, hội nghị, hội thảo tại ba địa phương trên. Nhờ sự liên kết hợp tác đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư TP Hồ Chí Minh đăng ký đầu tư tại Lâm Đồng, Bình Thuận. Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 100 dự án du lịch với tổng số vốn đăng ký khoảng 30 ngàn tỷ đồng do các nhà đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận có trên 200 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 30 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, việc hợp tác trong các lĩnh vực như tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch; hợp tác kết nối tour - tuyến du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực… giữa các địa phương cũng tạo được thương hiệu riêng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lâm Đồng, nhận định: Từ khi ký kết chương trình hợp tác tam giác phát triển du lịch, cơ hội quảng bá, phát triển du lịch của từng địa phương đã tốt hơn. Hình ảnh du lịch Lâm Đồng và Bình Thuận đã được quảng bá tốt hơn, nhất là đối với khách du lịch và các công ty lữ hành của TP Hồ Chí Minh. Chương trình hợp tác đã giúp tạo nên các tour - tuyến du lịch hấp dẫn du khách. Lượng khách đến với Lâm Đồng và Bình Thuận từ các công ty lữ hành TP Hồ Chí Minh luôn được duy trì và ngày càng tăng, đạt khoảng 45% tổng lượt khách đến với 2 tỉnh.

Trong nhiều năm qua, Phan Thiết, Mũi Né (Bình Thuận) và Đà Lạt (Lâm Đồng) luôn là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Thông qua chương trình liên kết, các công ty lữ hành đã xây dựng và thực hiện nhiều tour du lịch kết nối 3 địa phương với các sản phẩm du lịch đa dạng, mang nét đặt trưng núi - biển - đồng bằng. Ông Cao Tùng, Công ty du lịch Bến Thành Tourist, chia sẻ: Trước đây, các công ty lữ hành phải tự tìm đến các địa phương để khảo sát, khám phá và làm các sản phẩm du lịch. Từ khi có chương trình liên kết du lịch, các công ty có điều kiện gặp gỡ và dễ dàng tiếp cận các sản phẩm du lịch đặc trưng của từng địa phương.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL TP Hồ Chí Minh, cho biết: Trong năm 2013, dự kiến lượng khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh là 4,1 triệu khách quốc tế, doanh thu là 82 ngàn tỷ đồng. Trong số du khách này, lượng khách nối tour đến với Lâm Đồng và Bình Thuận ngày càng duy trì và phát triển với số lượng lớn. Theo ông Khánh, tam giác du lịch Lâm Đồng – Bình Thuận – TP Hồ Chí Minh đã tạo được nhiều điểm đến hấp dẫn, nhiều sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, nhiều tour tuyến mới được đưa vào khai thác và mang lại hiệu quả cao. Đây thực sự là một sáng kiến hay, tạo được bước ngoặc trong việc liên kết du lịch và được nhiều các địa phương khác học hỏi.

XÂY DỰNG CUNG ĐƯỜNG DU LỊCH

Ngày 5/6, tại Khu du lịch rừng Madagui, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kết tam giác phát triển du lịch Lâm Đồng – Bình Thuận – TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2007 – 2012. Tham dự hội nghị có đại diện Sở VHTT&DL, Hiệp hội du lịch 2 tỉnh và TP Hồ Chí Minh cùng với 60 doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành đến từ 3 địa phương. Trong hội nghị này, lãnh đạo Sở VHTT&DL của TP Hồ Chí Minh – Lâm Đồng – Bình Thuận đã tiếp tục ký kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch trong giai đoạn 2013 – 2018. Ngoài những nội dung hợp tác về đào tạo nhân lực, quảng bá du lịch, đầu tư thì phát triển các sản phẩm du lịch là nội dung quan trọng nhất của chương trình liên kết này.

“Chợ Sài Gòn – Hoa Đà Lạt – Biển Mũi Né” được xem là đặc trưng và thế mạnh du lịch của từng địa phương nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lã Quốc Khánh, hiện tại sự liên kết tam giác du lịch và các sản phẩm du lịch vẫn chưa chặt chẽ, thiếu tính liên tục và chuyên nghiệp trong việc phối hợp giữa các địa phương. Ngoài ra, tình trạng chặt chém, chèo kéo du khách cũng gây nhiều hạn chế cho việc liên kết phát triển du lịch. Do đó, các địa phương cần có chiến lược phát triển du lịch bền vững, tạo thương hiệu riêng của từng địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch chung của vùng tam giác trong tương lai.

Bà Võ Hoàng Tuyết Linh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Thuận, cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được thì một số nội dung trong chương trình liên kết vẫn chưa thực hiện được. Nhiều dự án du lịch chậm triển khai. Cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch còn hạn chế. Trong thời gian tới, các địa phương cần chọn những nội dung đặc trưng để liên kết. Du khách trong cả nước rất thích các sản phẩm du lịch của tam giác du lịch này với khí hậu trong lành và muôn ngàn sắc hoa của Đà Lạt, bãi biển tuyệt đẹp ở Mũi Né và thiên đường mua sắm tại TP Hồ Chí Minh. Đây là những sản phẩm đặc sắc cần được phát huy.

Ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Công ty Du lịch Văn hoá Lửa Việt (TP Hồ Chí Minh), cho biết: Hiện tại, du khách lựa chọn tour Nha Trang – Đà Lạt nhiều hơn là tour Mũi Né  - Đà Lạt. Nguyên nhân chủ yếu là do quốc lộ 28 nối Bình Thuận với Lâm Đồng chưa thông thoáng lắm. Do đó, để phát triển tour du lịch tốt thì con đường du lịch phải hấp dẫn, cần thành lập “cung đường du lịch” trong nội bộ từng địa phương và nối tỉnh này với tỉnh khác. Trên cung đường này có thể bày bán các sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương nhằm tạo điều kiện cho du khách mua đúng sản phẩm có chất lượng và giảm bớt sự nhàm chán trong suốt hành trình dài. Riêng tỉnh Lâm Đồng cần liên kết các điểm du lịch thành cụm du lịch như Đà Lạt XQ – Thung lũng Tình yêu – Đồi Mộng Mơ hay Langbiang – Suối Vàng. Sự liên kết này giúp cho các sản phẩm du lịch đỡ trùng lắp, tạo sự hấp dẫn cho du khách.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Quý Nam, Giám đốc Công ty Du lịch Dấu Ấn Việt, các địa phương cần tăng cường liên kết để phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến như tuyến “lên rừng – xuống biển” nối Đà Lạt với Mũi Né đang tạo nhiều thú vị cho du khách.

HỮU SANG