Bài 1: Khi lợi thế không còn là thế mạnh

11:07, 21/07/2013

Là nơi diễn ra các hoạt động chính của Năm Du lịch quốc gia 2014, Đà Lạt - Lâm Đồng đứng ở đâu và có những cơ hội, thách thức như thế nào trong liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng?

Năm Du lịch Quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt đặt ra mục tiêu: Đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch để thu hút khách du lịch và nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư vùng Tây Nguyên, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Là nơi diễn ra các hoạt động chính của Năm Du lịch quốc gia 2014, Đà Lạt - Lâm Đồng đứng ở đâu và có những cơ hội, thách thức như thế nào trong liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng?

Một góc Trúc Lâm - Đà Lạt
Một góc Trúc Lâm - Đà Lạt


Môi trường du lịch

Trong Hội nghị trực tuyến về “Cải thiện môi trường du lịch Việt Nam” vào tháng 6/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng khách quốc tế giảm 1,54% so với năm 2012. Ngoài nguyên nhân khủng hoảng kinh tế nói chung, thì do môi trường du lịch không được cải thiện phù hợp, điển hình là công tác vệ sinh trên các tour tuyến du lịch và nạn chèo kéo, chèn ép du khách... khiến môi trường du lịch thiếu an ninh và an toàn... Môi trường du lịch là cơ sở tự nhiên và xã hội để hoạt động du lịch tồn tại và phát triển. Đó là không gian của các hoạt động du lịch, là nơi cung cấp tài nguyên vật chất và thông tin cần thiết cho hoạt động du lịch và người làm du lịch, người đi du lịch; đó cũng là nơi chứa đựng các chất phế thải do con người tạo ra trong hoạt động du lịch.

Môi trường du lịch Đà Lạt - Lâm  Đồng, xét về yếu tố tự nhiên được thiên nhiên ban tặng nhiều ưu đãi từ khí hậu trong lành, mát mẻ, địa thế rừng núi và cùng với kết cấu công - nông - lâm nghiệp hiện có độ che phủ của cây xanh rất cao so với cả nước (trên 60%). Rừng thông và các loại hoa cỏ đã tạo nên một Đà Lạt rất khác biệt và độc đáo. Đà Lạt thực sự rất đáng yêu, quyến rũ và làm hài lòng tất cả những người khách lần đầu tiên đặt chân đến và vẫn là điểm đến mơ ước của nhiều người. Những năm gần đây, giao thông phát triển, nhiều tuyến đường được mở hoặc nâng cấp đến Đà Lạt - Lâm Đồng; dịch vụ hàng không tạo ra nhiều lựa chọn: thêm hãng bay và tăng tần suất bay... đến Đà Lạt trở nên gần và dễ dàng hơn nên khách tới du lịch trở nên đông đúc hơn. Nhưng, cùng với đó, là những vấn nạn về môi trường du lịch do con người tạo ra. Đà Lạt - Lâm Đồng đã mất “điểm” với những du khách trở lại lần thứ hai, thứ ba... Vì thế, những phàn nàn, trách cứ, hờn dỗi... với Đà Lạt càng xuất hiện, thì Đà Lạt lại càng được nhìn nhận khắt khe hơn. Và, cứ mỗi lần như vậy, cảm nhận của họ về Đà Lạt đã ít nhiều tác động đến du khách khác, với “bài ca” phổ biến không chỉ cho du lịch Lâm Đồng về nạn chặt chém, chèn ép... của những người bán hàng; về sản phẩm đơn điệu của các cơ sở du lịch; về vệ sinh và an ninh; về ý thức và tư duy...

Nỗi oan thắng cảnh

Lâm Đồng hiện có 34 khu, điểm du lịch đang được khai thác kinh doanh phục vụ nhu cầu tham quan, giải trí. Trong đó có 18 khu, điểm được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Nhìn chung, các danh thắng đều có thương hiệu và giá trị về cảnh quan, lịch sử, văn hóa; được đầu tư cơ sở hạ tầng và một số dịch vụ cơ bản, tạo được ấn tượng tốt với du khách, điển hình như: Khu du lịch (KDL) rừng Madagui, Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà, KDL làng Cù Lần, KDL Damb’ri… Tuy nhiên, rất ít danh thắng có quy hoạch tổng thể chung và phương án kinh doanh đều sơ sài, tiến độ đầu tư chậm, sản phẩm du lịch đơn điệu và giống nhau... thậm chí đã xuống cấp, nhưng không được đầu tư, tôn tạo, nâng cấp kịp thời mà chỉ duy trì hoạt động cầm chừng, làm mất lòng du khách, gây lãng phí tài nguyên và thất thu ngân sách... Nhiều khu, điểm du lịch được giao diện tích theo quy hoạch rất lớn, nhưng diện tích thực tế khai thác và quản lý lại rất nhỏ, do bị lấn chiếm làm nhà ở hoặc sản xuất nông nghiệp, như KDL thác Cam Ly được giao 37,57ha, nhưng chỉ khai thác 2,6ha; KDL Thác Voi được giao 58,3ha, thực tế chỉ quản lý có 1 ha; KDL hồ Than Thở được quy hoạch 118 ha, bị lấn chiếm chỉ còn 39ha... Diện tích thực tế bị thu hẹp so với diện tích được giao đã ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện các dự án du lịch, trước hết là không thể hoàn thiện quy hoạch tổng thể.

Nhưng, ngoài lợi thế sẵn có  của thiên nhiên, điểm mấu chốt là ứng xử của con người trong các hoạt động du lịch. Những quyết tâm trở nên sáo rỗng vì không thấy được hiệu quả, như: phải thay đổi thói quen phục vụ để khách trả tiền mà vẫn vui vẻ; phải làm mới và tạo thêm sản phẩm du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa nguồn nhân lực du lịch; phải chấm dứt tình trạng buôn bán thật giả lẫn lộn, chèo kéo, chặt chém, rác thải, ô nhiễm... Rồi nữa, đâu đâu cũng có công trình xây dựng khiến đường sá bụi bặm, thì người ta đổ lỗi cho xi măng và hóa chất đã làm Đà Lạt ngột ngạt trông thấy... Mùi hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật lan tràn ở các vùng trồng rau hoa; chai lọ, bao bì, hộp xốp chảy dồn về hạ lưu các con suối và kết tụ tại chính “linh hồn” của dòng chảy là hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, thác Cam Ly... liền bị phê phán về vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị...

Bài 2: Tiếng nói người làm du lịch

Lê Hoa