Bài 2: Tiếng nói của người làm du lịch

04:07, 23/07/2013

Thời gian qua, khởi động du lịch năm 2013, chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2014 và để phát triển du lịch của địa phương, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm trong tỉnh và vùng miền...

[links()]Thời gian qua, khởi động du lịch năm 2013, chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2014 và để phát triển du lịch của địa phương, ngành Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, tọa đàm trong tỉnh và vùng miền. Nhiều đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận về môi trường du lịch Tây Nguyên còn nhiều hạn chế, yếu kém, sản phẩm du lịch cứ na ná như nhau.Và Đà Lạt - Lâm Đồng cũng trong tình trạng đó.

Anna Mandara Dalat - Khu nghỉ mát đặc trưng kiến trúc “Rừng trong thành phố - thành phố trong rừng”
Anna Mandara Dalat - Khu nghỉ mát đặc trưng kiến trúc “Rừng trong thành phố - thành phố trong rừng”


Định hướng sản phẩm du lịch

Bà Đàm Thị Thọ (Cty Du lịch Phượng Hoàng - Hà Nội) cho biết, các tour du lịch ở vùng núi phía Bắc thường là 1 tuần, mỗi nơi nghỉ 1-2 đêm, dù đường sá ở miền núi rất cheo leo, hiểm trở, nhưng sản phẩm du lịch còn rất hoang sơ, chỉ đơn giản là du lịch đời thường, tìm hiểu văn hóa qua việc giao lưu với dân bản địa..., nhưng khách du lịch lại rất thích. Bà cho rằng, đối với Tây Nguyên, hãy làm các sản phẩm thuần túy về Tây Nguyên, các kiểu du lịch cà phê, du lịch chè, du lịch rau hoa... sẽ rất thu hút du khách. Theo ông Nguyễn Thế Vinh - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist: Liên kết vùng du lịch cần tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng có điểm nhấn. Chẳng hạn, Chiangmai (Thái Lan) là khu vực miền cao, họ tổ chức du lịch dã ngoại bằng voi rất tốt. Ở Tây Nguyên - Việt Nam, trong chuỗi sản phẩm cưỡi voi, cồng chiêng, thuyền độc mộc... thì voi là 1 trong những yếu tố cấu thành sản phẩm. Nhưng voi chỉ giao cho tư nhân là chưa phù hợp. Vào mùa cao điểm, voi có những hành vi bất thường vì nó phải làm việc quá sức, hoặc mùa phát dục có những hành động khó lường gây tai nạn cho khách... Vì vậy, hướng dẫn viên du lịch ở vùng Tây Nguyên cũng nên có kiến thức về cứu thương.

Ông Phùng Xuân Mai - Tổng Giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn – Phú Quốc cho  hay: Ở các nước xứ lạnh, rau - củ - quả là thế mạnh tuyệt đối. Đà Lạt cũng vậy, nhưng phải biết sử dụng thế mạnh của mình. Đà Lạt cũng nên đưa thế mạnh của mình là rau - hoa vào mọi nơi: ăn uống, vui chơi... nhưng phải biết sáng tạo, chế biến và trình bày sao cho những loại rau hoa bình dị trở nên đẹp lung linh và hấp dẫn... Đà Lạt còn có lợi thế thiên nhiên về khí hậu, núi, hồ... nên tổ chức những môn thể thao cảm giác mạnh như dù lượn, leo núi, du thuyền, lướt ván, vượt thác... thay vì chỉ có đạp vịt như hiện nay... Đà Lạt đang rất có tiềm năng về âm nhạc dân tộc, nhưng lại thiếu một sân chơi như thế. Đà Lạt không có những trung tâm mua sắm hàng đắt tiền, mà chỉ bày bán khắp nơi những mặt hàng bình dân. Cần phải nghiên cứu thị hiếu của từng đối tượng du khách mà có sản phẩm phù hợp. Khách đến Đà Lạt thường đông hơn vào dịp cuối tuần, nhưng luôn quá tải vào các dịp lễ, tết, các sự kiện, lễ hội. Nếu có các chủ đề thường xuyên theo mùa để thu hút khách quanh năm, như: các chủ đề về du lịch hoa cho phượng tím, anh đào, mimosa... thì Đà Lạt sẽ luôn đông vui, nhộn nhịp - đại diện hãng lữ hành Viettravel đề xuất.

Những vấn đề không chỉ riêng ngành du lịch

Khách quốc tế thích thưởng ngoạn văn hóa hội nhập, sinh thái, thì chuyện đường sá không phải là vấn đề lớn khi đến các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng với khách nội địa thích vui chơi, shopping... thì giao thông là một vấn đề quan trọng mà Tây Nguyên cần phải khắc phục. Các tuyến du lịch hầu như đi đường bộ, trong khi các con đường xuyên Tây Nguyên quá vất vả. Đặc biệt, các cửa ngõ vào Lâm Đồng - Đà Lạt đều rất xấu: Đường đèo Sông Pha từ Ninh Thuận lên sửa nhiều năm chưa xong; đường từ Bình Thuận qua đèo Lò Xo dốc, hẹp, nhiều chỗ lún sụt, tạo thành nhiều hố nguy hiểm; đường từ Đăk Lăk qua địa phận Đam Rông quanh co, khúc khuỷu, nhiều đoạn hư hỏng; đường TL723 từ Khánh Hòa qua cũng có nhiều đoạn rất xấu; ngay cả Quốc lộ 20 đi từ Tp.HCM lên đang xuống cấp, hư hỏng...

Theo ông Cao Trí Dũng - Giám đốc Công ty Lữ hành Vitours (Đà Nẵng): Các chương trình du lịch cần có sự đồng thuận tham gia của chính quyền và cộng đồng địa phương. Chẳng hạn, để thuận lợi cho khai thác khách nước ngoài, cần đầu tư các đường bay quốc tế. Các hãng lữ hành thường làm tour cố định cho cả năm, nhưng đường hàng không đắt đỏ lại thường thay đổi lịch bay theo mùa. Có đường bay quốc tế sẽ khai thác được 5 nguồn khách: khách trong nước, khách bộ qua cửa khẩu biên giới, khách Âu - Mỹ truyền thống, khách nằm trong tuyến bay trong vòng 3 tuyến bay: Thái Lan, Malai, Singapore..., khách từ châu Âu (nguồn khách dài hạn). Vitours sẵn sàng giúp xúc tiến đường bay bằng cách thuê chuyến trực tiếp. Đây là giải pháp đã được làm ở Đà Nẵng và Nha Trang, với tần suất trên 10 chuyến/tuần.

Giải quyết tình trạng cướp giật, ép giá, theo bám, chèo kéo khách du lịch... là vấn đề của nhiều ngành, nhiều cấp mà đề án Cải thiện môi trường du lịch Việt Nam đã đưa ra. Với mục tiêu cải thiện hình ảnh về du lịch Việt Nam - Điểm đến an toàn, thân thiện... thì các vấn đề như buông lỏng quản lý; việc chồng chéo, nhiều cơ quan quản lý mà thiếu đầu mối chịu trách nhiệm chính; việc thiếu thông tin cảnh báo đến du khách; tính mùa vụ trong dịch vụ du lịch, ý thức pháp luật không nghiêm; đạo đức nghề nghiệp không được coi trọng hay quá tải, cung vượt quá cầu; thiếu sự điều tiết tổng thể; chế tài xử phạt còn nhẹ; thiếu sức thu hút khách du lịch... cần có những cơ chế hợp lý trong điều hành, phát triển du lịch.

Bài 3: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch vùng

Lê Hoa