Bài 3: Định hướng phát triển sản phẩm du lịch vùng

03:07, 25/07/2013

Nằm ở cuối dải Tây Nguyên, nên Lâm Đồng có thể coi là giao điểm của 3 vùng: Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Vậy nên, Lâm Đồng - Đà Lạt thường là điểm đến trong các tour du lịch từ các vùng miền này...

[links()]Nằm ở cuối dải Tây Nguyên, nên Lâm Đồng có thể coi là giao điểm của 3 vùng: Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ. Vậy nên, Lâm Đồng - Đà Lạt thường là điểm đến trong các tour du lịch từ các vùng miền này. Cũng từ đó, trong con mắt du khách, Đà Lạt - Lâm Đồng được đòi hỏi phải khác biệt hơn, độc đáo hơn, ấn tượng hơn... Nhưng, làm thế nào để sản phẩm du lịch không nhàm chán với du khách, không trùng lặp với các vùng miền khác...

Biểu diễn cồng chiêng của người M’Nông (Đăk Nông) ở Đà Lạt
Biểu diễn cồng chiêng của người M’Nông (Đăk Nông) ở Đà Lạt


VĂN HÓA TẠO NÊN SỰ KHÁC BIỆT

Cụ thể hóa chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020 - tầm nhìn 2030 của Bộ VH-TT và DL, Tây Nguyên có 3 loại sản phẩm chính: Du lịch Văn hóa Tây Nguyên gắn với tham quan tìm hiểu bản sắc các dân tộc Tây Nguyên; nghỉ dưỡng núi, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên, gắn với hoa, cà phê và các loại động thực vật đặc sắc của Tây Nguyên như voi; du lịch biên giới cửa khẩu trong khu vực tam giác phát triển. Rõ ràng, định hướng phát triển sản phẩm du lịch của Tây Nguyên không khác gì với những sản phẩm đặc trưng sẵn có ở Tây Nguyên. Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên có 46 dân tộc thiểu số bao gồm cả 18 dân tộc thiểu số bản địa. Dù mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa khác nhau, trang phục khác nhau, âm nhạc khác nhau, lễ hội khác nhau, vũ điệu khác nhau... nhưng, khách du lịch không dễ dàng nhận ra sự khác biệt. Chẳng hạn, trang phục truyền thống của người Tây Nguyên bây giờ hình như có tất cả các loại hoa văn của nhiều dân tộc khác...

Đà Lạt trước là vùng đất sinh sống của bộ tộc Lạch bản địa với những nét hoang dã của người vùng cao. Từ khi ông A. Yersin đến, Đà Lạt trở thành nơi nghỉ dưỡng của người Pháp. Hàng ngàn biệt thự đã được xây dựng theo tiêu chí “Rừng trong thành phố, thành phố trong rừng”. Khi các đồn điền, trang trại hình thành, người Kinh được đưa đến để phục vụ. Rồi các vùng trồng rau hoa xuất hiện tạo nên các làng, ấp dân cư. Vào các năm 50 của thế kỷ 20, Đà Lạt đã có các tên làng, tên ấp mà dân cư là từ các vùng của miền Bắc và miền Trưng, như: Đa Lạc, Đa Lợi, Đa Phú, Xuân Trường, Hà Đông, Nghệ Tĩnh, Đa Thiện, Ánh Sáng, Thái Phiên, Nam Hồ, Trại Mát... Dù vậy, dân tộc bản địa vẫn có không gian để sinh sống và tồn tại. Người Đà Lạt lúc ấy chủ yếu là công chức nhỏ, người làm thuê, nông dân nên bản tính hiền lành, chất phát...

Ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhận định: Lâm Đồng có thế mạnh về dân tộc thiểu số với nền văn hóa đặc trưng, tuy không đậm nét nhưng rất riêng, là nơi hội tụ của nhiều vùng văn hóa khác nhau, đặc biệt là văn hóa đông - tây rất phong phú. Nhưng, khai thác yếu tố đa sắc màu phải gắn với các mặt hoạt động một cách toàn diện như chính trị, thể thao, sinh hoạt cộng đồng, đời sống thường nhật... Cái khó là chúng ta làm thế nào để thiết kế và khai thác sản phẩm làm nổi bật nét đặc trưng của văn hóa riêng có thì sẽ thu hút du khách rất tốt. Cơ sở vật chất của Đà Lạt hiện nay chỉ được khách bình dân chấp nhận, khách cao cấp rất ít. Vì thế, lợi ích mà khách mang lại chưa tính được, nhưng những điều bất lợi thì chúng ta đã thấy rõ, như về vệ sinh môi trường, an ninh...

HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TS. Phạm Từ - Phó Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Tây Nguyên là vùng trũng nhất về phát triển du lịch của Việt Nam, nhưng lại có tiềm năng rất lớn về du lịch. So với lần đến trước cách đây 8 năm của ông thì Tây Nguyên tốt lên nhiều về cơ sở hạ tầng, là vùng trong số rất ít vùng có 3 sân bay/5 tỉnh là Liên Khương (Đà Lạt) trở thành sân bay quốc tế rất đẹp, sân bay Buôn Ma Thuột sử dụng được máy bay phản lực, sân bay Pleiku đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, Tây Nguyên xấu đi nhanh mà không làm lại được cũng rất đáng kể. “Đại ngàn Tây Nguyên” là chủ đề thể hiện được bản sắc bởi độ phủ xanh của toàn vùng so với cả nước, nhưng lượng khách đến Tây Nguyên mỗi năm không bằng 1 tỉnh ở Bắc bộ. Môi trường bị tàn phá nhanh quá, một dòng sông nhỏ có tới 4 đập thủy điện, khiến các con thác bị cạn kiệt nước, cảnh quan bị ảnh hưởng... Vì vậy, với năm du lịch – “Visit Vietnam Central Highland – Dalat 2014”, nên tập trung khai thác những vấn đề trong tầm tay là cùng các hãng lữ hành thực hiện các tour tập trung vào đặc trưng của vùng đất miền nhiệt đới, không khí trong lành, hoa cỏ tươi tốt...

Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo hiệu ứng để thu hút du khách trực tiếp đến với mình, tạo ra những chuyển biến tích cực, nhưng không có nghĩa là đem tất cả về nhà mình, cần có sự chọn lọc. Nếu là liên kết thì sản phẩm càng phải chọn lọc để tránh sự trùng lặp và đơn điệu. Thế nhưng, xúc tiến du lịch ở Tây Nguyên lại rất thiếu và kém - bà Đàm Thị Thọ thẳng thắn. Theo bà, nếu không có chuyến khảo sát Tây Nguyên cùng Tổng cục Du lịch cuối tháng 5 vừa rồi, thì bà không biết được Tây Nguyên lại đẹp và hấp dẫn đến thế. Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần tổ chức nhiều đoàn Famtrip cho các hãng lữ hành, các đơn vị truyền thông để chào bán tour và tuyên truyền nhằm thu hút khách du lịch. Bà cũng kiến nghị: Các Công ty du lịch của 5 tỉnh Tây Nguyên nên tự thiết kế hành trình và bán cho các hãng du lịch. Tức là có hướng dẫn, phục vụ tại địa phương, các hãng chỉ đưa khách đến. Làm như thế này, khách thỏa mãn vì được đi với “thổ địa”, địa phương tăng thu nhập cho chính mình.

Sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 là động lực thực sự để thúc đẩy các địa phương liên kết phát triển sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch và nâng cao đời sống của người dân bản địa. Trong chuỗi liên kết đó, Đà Lạt - Lâm Đồng cần giữ gìn, khôi phục và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có chính là những sản phẩm khác biệt, không lẫn lộn trong sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền và phát triển những giá trị đó thành điểm nhấn trong chuỗi sản phẩm liên kết du lịch vùng... và chắc chắn, niềm tin với du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ trở lại.

Lê Hoa