Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với Bình Thuận và TP HCM trong những năm qua đã thực sự tạo nên liên kết đặc thù theo hướng du lịch sinh thái rừng với du lịch sinh thái biển và du lịch tham quan, mua sắm và hội nghị, hội thảo...
Cũng như nhận xét của ông Nguyễn Văn Hương, GĐ Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, lãnh đạo hai sở du lịch Bình Thuận và TP HCM đều cho rằng: “Chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với Bình Thuận và TP HCM trong những năm qua đã thực sự tạo nên liên kết đặc thù theo hướng du lịch sinh thái rừng với du lịch sinh thái biển và du lịch tham quan, mua sắm và hội nghị, hội thảo. Cùng với đó, ngành du lịch của ba địa phương đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trong phát triển KT-XH của từng địa phương”.
Đồi cát bay ở Mũi Né là một trong những điểm du lịch của Bình Thuận thu hút được nhiều du khách |
Theo Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, hiện trên địa bàn Lâm Đồng đã có hơn 100 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 30.000 tỷ đồng do các nhà đầu tư TP HCM thực hiện – chiếm khoảng 44% tổng số dự án được chấp chuận đầu tư; và 3 dự án du lịch với tổng vốn đăng ký khoảng 100 tỷ đồng do các nhà đầu tư đến từ Bình Thuận thực hiện. Một số dự án du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP HCM được đánh giá cao trong thời gian gần đây như làng du lịch rừng Madagui (của Công ty cổ phần Madagui), khách sạn Sài Gòn Đà Lạt (Công ty cổ phần Sài Gòn Đà Lạt), khu khách sạn và trung tâm thương mại La Sapinette (Công ty cổ phần Thông Đức), khách sạn Kỳ Hòa (Công ty TNHH Du lịch thương mại Kỳ Hòa), khu du lịch Làng Cù Lần (Công ty TNHH GBQ)… Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, 227 dự án du lịch của các nhà đầu tư đến từ TP HCM với tổng vốn hơn 29.600 tỷ đồng và hơn 3.900ha đất đã được chấp thuận đầu tư.
Cũng trong những năm từ 2007 đến nay, trong chương trình hợp tác phát triển du lịch của ba địa phương, công tác tuyên truyền và quảng bá du lịch của Lâm Đồng, Bình Thuận và TP HCM đã được chú trọng tăng cường bằng nhiều hình thức để làm nổi bật những sự kiện du lịch – văn hóa của từng địa phương như festival hoa Đà Lạt, lễ hội văn hóa trà (Lâm Đồng); lễ hội nghinh ông, lễ hội khinh khí cầu (Bình Thuận); ngày hội du lịch, hội chợ du lịch quốc tế ITE (TP HCM)… Đặc biệt, một hoạt động rất đáng ghi nhận về sự phối hợp của ngành du lịch ba địa phương trong thời gian gần đây là tại “Ngày hội Du lịch TP HCM lần VII”, sở VH-TT-DL của ba địa phương đã phối hợp tổ chức gian hàng triển lãm ảnh chung với chủ đề “Chợ Sài Gòn – hoa Đà Lạt – biển Mũi Né” đã gây được những ấn tượng đặc biệt trong lòng du khách. Trong những năm qua, cùng với nhiều điểm du lịch tại TP HCM thì các điểm đến nổi tiếng về du lịch của hai tỉnh là Phan Thiết, Mũi Né của Bình Thuận và Đà Lạt của Lâm Đồng luôn là sự lựa chọn của du khách trong và ngoài nước. Trong hoạt động liên kết tour giữa ba địa phương, các doanh nghiệp lữ hành hằng năm đều có chương trình khuyến mãi giảm giá đặc biệt nên tạo được sức hấp dẫn đối với du khách và hiện đây là tour du lịch nội địa phổ biến và được khai thác một cách rất có hiệu quả. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hỗ trợ của dự án EU và ngân sách địa phương, hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận cùng TP HCM đã tạo được đội ngũ lao động trong ngành du lịch của địa phương mình đạt tỷ lệ từ 65% - 70% đã qua đào tạo chuyên môn. Cũng trong các năm từ 2007 đến nay, theo thống kê của hai sở VH-TT-DL của Lâm Đồng và Bình Thuận, đã có 1.263 học viên tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn ngày về du lịch do ngành du lịch TP HCM mở như các lớp quản lý khách sạn nhỏ và vừa, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ buồng, bàn, bar, bếp…
Tuy nhiên, cũng theo nhìn nhận của lãnh đạo sở VH-TT-DL của ba địa phương, chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng, Bình Thuận và TP HCM trong những năm qua vẫn còn những hạn chế cần nghiêm túc nhìn nhận để tìm cách khắc phục nhằm thúc đẩy chương trình hợp tác phát triển này lên bước cao hơn, thực sự tạo nên sự liên kết vững chắc trong chương trình phát triển du lịch sinh thái rừng – du lịch sinh thái biển – du lịch tham quan mua sắm và hội nghị của ba địa phương. Những hạn chế đã được lãnh đạo ngành VH-TT-DL ba địa phương chỉ ra là hạn chế về việc tổ chức chương trình giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư cho các nhà đầu tư trong vùng và quốc tế; hạn chế về việc phát hành các ấn phẩm chung về quảng bá du lịch của ba địa phương bằng nhiều thứ tiếng; hạn chế trong phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để quảng bá du lịch của địa phương mình và địa phương bạn; hạn chế về tổ chức chương trình chung tại thị trường du lịch trọng điểm ở nước ngoài…
Khắc Dũng