Chơi mà học ở Làng gốm Bát Tràng

04:08, 07/08/2013

Làng gốm Bát Tràng vào những ngày cuối tuần, lễ tết, đặc biệt là những tháng hè này trở nên đông vui, nhộn nhịp khác hẳn nhiều năm trước. Người đến đây, ngoài mua hàng, đi du lịch còn có một lượng khách lớn đến để... chơi.

Làng gốm Bát Tràng vào những ngày cuối tuần, lễ tết, đặc biệt là những tháng hè này trở nên đông vui, nhộn nhịp khác hẳn nhiều năm trước. Người đến đây, ngoài mua hàng, đi du lịch còn có một lượng khách lớn đến để... chơi. Khách đến chơi ở mọi lứa tuổi, từ em bé nhỏ xíu, học sinh mẫu giáo, tiểu học đến thanh niên, phụ huynh và cả các vị cao niên... Họ đến làng gốm để tự mình trải nghiệm các công đoạn làm ra một sản phẩm gốm không đụng hàng.

Sân chơi ở Làng gốm Bát Tràng thu hút mọi lứa tuổi
Sân chơi ở Làng gốm Bát Tràng thu hút mọi lứa tuổi


Để tận mắt chứng kiến xưởng nặn gốm, công đoạn chế tác, lò nung... phải đi thêm chừng vài km tính từ Làng gốm Bát Tràng. Nhưng, chỉ cần bước ra khỏi xe là gặp ngay các biển hiệu “Sân chơi gốm” hay “Vuốt - nặn - vẽ”... gắn với tên các chủ hàng hay cửa hiệu như: Hoàng Thương, Bạch Long, Dụ Tuyết, Long Liên, Cường Thịnh... Anh Phùng - thợ làm gốm ở Bát Tràng cho biết, dịch vụ sân chơi gốm tồn tại hơn 10 năm rồi, nhưng khoảng 2 năm nay mới phát triển rộ lên. Hiện, Làng gốm Bát Tràng có hơn 20 “Sân chơi vuốt - nặn - vẽ” - là những gian nhà rộng từ 200-500m2, thường nằm phía sau cửa hàng bán đồ gốm, nhưng có nơi là một góc ngay trong cửa hàng, hoặc được chủ nhân xếp xen kẽ các mặt hàng gốm trưng bày với bàn xoay tạo cho khách - trông như một xưởng sản xuất gốm thô vậy. Mỗi cửa hàng đều có thợ gốm thường trực chỉ dạy cách nặn, cách xoay, cách vuốt, cách vẽ... thậm chí, còn làm hộ những công đoạn khó mà khách yêu cầu.

Với giá nặn tượng là 10 - 20 ngàn đồng và tượng tô từ 30-50 ngàn đồng/sản phẩm, khách có thể chơi suốt cả ngày. Sau khi nặn xong, muốn nung sấy thì trả thêm 20 ngàn, hoặc muốn giữ màu lâu thì sơn bóng mất 5 ngàn. Những thứ để chơi ở làng gốm khá đa dạng, thỏa mãn được ý thích và khả năng của mỗi người. Như những em bé thì vui vẻ với việc nặn cục đất thành những hình thù mà các em biết - cho dù nó có giống hay không. Những em lớn hơn thì say sưa với cái bàn xoay để cho ra những sản phẩm “cao cấp” hơn, như ly, bát, lọ hoa... Các cô cậu học sinh thì chọn các sản phẩm gốm thô để thể hiện khả năng trang trí của mình. Phụ huynh vừa hướng dẫn cho con cháu cách làm tốt hơn, vừa hí hoáy với màu - nước và bùn đất... Các sân chơi nặn gốm còn có sẵn các kiểu khuôn đúc thú, chữ cái, hoa... để phục vụ những vị khách “lười” sáng tạo. Đặc biệt, các cặp đôi thường chọn những thứ “có đôi” và trao ngược cho nhau như một kỷ vật.

“Nói chung, đã vào sân chơi, ai cũng muốn được tự mình làm ra món đồ gì đó để mang về, dù ai ai cũng đều lem nhem bùn đất, màu vẽ... nhưng đều hể hả, hài lòng... - chị Oanh (cửa hàng Phước Duyên) giới thiệu - Nếu đi chơi tập thể, chỉ cần điện thoại, thông báo có bao nhiêu người để chúng em chuẩn bị đất trước...”. Những sản phẩm do khách tạo hình từ đất, hoặc vẽ từ gốm thô... được chủ nhà giúp nung sấy, hoặc sơn bóng (theo yêu cầu) để tạo độ cứng, độ bền màu... như một sản phẩm gốm thực thụ, nhưng chưa được tráng men. Chính nhờ sức hút của các sân chơi trong làng gốm, mà loại hình dịch vụ về ăn uống cũng phát triển theo. Với mức giá bình dân 25 ngàn đồng/suất ăn và 10 ngàn đồng nước uống, cộng với tiền xe buýt 2 chặng/lượt thì mỗi người chỉ mất khoảng 100 ngàn đồng là có thể thoải mái “thử làm nghệ nhân” ở làng gốm - Việt Thy - nữ sinh Đại học Sư phạm cho biết.

Anh Hoành (Long Biên - Hà Nội) thường đưa các con đến làng gốm chơi, tâm sự: “Để các cháu rèn luyện tính kiên nhẫn và tập trung, đồng thời biết được sự khó nhọc của những người lao động, đơn giản như đối với nghề gốm là làm ra những đồ dùng hàng ngày cho chúng ta sử dụng như bát ăn cơm, ly uống nước... để các bé có ý thức tôn trọng họ và giữ gìn đồ dùng của mình. Hơn nữa, tránh cho các con mình suốt ngày chăm chú vào tivi hay máy tính”. Cô Hà - giáo viên mầm non ở Hà Nội, cho biết: “Đưa các cháu mầm non đến làng gốm là để các cháu mạnh dạn thể hiện ý tưởng của mình qua việc nặn các loại đồ chơi mà các em đã vẽ, hoặc xem trước. Nhiều bé nhìn bùn đất lần đầu tiên thì nghĩ là “bẩn” nên không đụng vào, đến khi thấy bạn nặn ra được con cá, quả táo... thì cũng tò mò làm thử, rồi vui vẻ nghịch đất”.

Công nghệ làm gốm hiện đại khiến những người lao động trong nghề này bớt cực nhọc hơn, nhưng nó lại thanh lọc để chọn ra những người tài hoa và nhiều ý tưởng hơn. Vì thế, một bộ phận không nhỏ người có nghề gốm đang kiếm sống bằng dịch vụ “sân chơi nặn vẽ”. Mỗi ngày với 100-200 khách, doanh thu tối thiểu cũng được 2 - 3 triệu đồng/ngày, là một khoản tiền đáng kể để nuôi nghề. Nhưng, nhờ thế mà nghề gốm được học, được truyền dạy một cách đơn giản, không trường lớp, không chủ ý; đấy cũng là một sân chơi bổ ích, một môi trường rèn luyện những đức tính mà con người trong cuộc sống hiện đại đang thiếu: chăm chỉ, cần mẫn, kiên nhẫn, tự tin...

LÊ HOA