(LĐ online) - Đó là nhấn mạnh của ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại phiên họp sáng 10/8/2013, tại thành phố Đà Lạt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
(LĐ online) - Đó là nhấn mạnh của ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại phiên họp sáng 10/8/2013, tại thành phố Đà Lạt do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh (đứng) và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa chủ trì buổi họp |
Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên”, Năm Du lịch Quốc gia 2014 – Tây Nguyên – Đà Lạt do tỉnh Lâm Đồng đăng cai tổ chức sẽ chính thức khai mạc vào cuối tháng 12 năm nay và diễn ra trong suốt cả năm 2014, trong đó tập trung cao điểm vào 3 khoảng thời gian là đầu năm, dịp hè và cuối năm. Đến thời điểm này, đã có khoảng 45 sự kiện chính thức đã được thống nhất và sẽ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 5 tỉnh Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum tổ chức. Phần lớn các hoạt động diễn ra tại thành phố Đà Lạt và do tỉnh Lâm Đồng đảm nhận.
Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục Trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Tất cả các sự kiện phải làm nổi bật cho được chủ đề là Đại ngàn Tây nguyên .“Quan trọng nhất là chương trình khai mạc, chúng ta phải làm sao đậm đặc chủ đề Đại ngàn Tây Nguyên để khắc họa, quảng bá không chỉ với người dân trong nước mà cả quốc tế tất cả những gì thuộc về tiềm năng, tất cả những gì thuộc về giá trị, lịch sử văn hóa của mảnh đất con người Tây Nguyên nói chung, Đà Lạt nói riêng. Khi tổ chức chương trình khai mạc phải đưa cộng đồng, đưa nghệ nhân của các tỉnh cùng tham gia vào, được như vậy thì đêm khai mạc sẽ thật sự là ngày hội của nhân dân”.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Bên cạnh các sự kiện chính, Năm Du lịch Quốc gia 2014 – Tây Nguyên – Đà Lạt cũng đồng thời diễn ra nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao như: Liên hoan nghệ thuật thổ cẩm và trình diễn trang phục Tây Nguyên, diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc, liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, tuần phim Việt Nam và triển lãm ảnh toàn quốc tại Đà Lạt, Festival Cồng chiêng quốc tế lần II, Liên hoan tượng gỗ Tây Nguyên, giải vô địch cờ vua hạng nhất quốc gia, giải eSport toàn quốc… Đặc biệt, các tỉnh Tây Nguyên đã thiết kế nhiều tour du lịch đặc sắc trong khu vực để phục vụ du khách như: tour du lịch Đại ngàn xanh, Thiên đường tình yêu, Đà Lạt không ở phố, các tour homestay đến với voi Bản Đôn, dã ngoại Hồ Lắc hoang sơ và kỹ vĩ, tour du lịch về nguồn thăm di tích Tây Sơn Thượng Đạo và quê hương Anh hùng Núp v.v…
Phát biểu kết luận tại phiên họp, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, tất cả mọi hoạt động phải hết sức tiết kiệm và đặc biệt chú trọng đến chất lượng và chiều sâu, tránh hình thức và sâu khấu hóa: “Phải quán triệt tinh thần tiết kiệm, không lãng phí. Những hoạt động phải lồng ghép kết hợp lại với nhau, không làm tràn lan. Phải chú ý đến chất lượng, hiệu quả hoạt động, phải tính toán kỹ, không thể phung phí các nguồn lực mà phải được kiểm soát chặt chẽ, chú ý các hoạt động đi vào chiều sâu, thực chất, tránh hình thức và sân khấu hóa. Nên chú ý yếu tố văn hóa trong phát triển du lịch.”
Diễm Thương