Bên cạnh tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới với những kỷ lục, "táo bạo" là từ mà nhiều người nhận xét về công trình quần đảo cọ ở Dubai.
Ra đảo theo từng nhánh cọ
Bên cạnh tòa tháp Burj Khalifa cao nhất thế giới với những kỷ lục, “táo bạo” là từ mà nhiều người nhận xét về công trình quần đảo cọ ở Dubai. Thoạt nghe đảo cọ, du khách cứ tưởng đảo có những rừng cọ. Thì ra Palm Jumeirah là đảo nhân tạo lấn biển có hình dáng một cây cọ khổng lồ, mỗi bên tám nhánh, được bao bọc chung quanh bằng một vành cung hình trăng lưỡi liềm, toàn bộ diện tích là 25km2. Phương tiện phổ biến đi từ đất liền ra đảo là tàu điện trên không. Muốn nhìn rõ hình dáng đảo cọ, nhiều du khách thuê máy bay lượn. Còn đi tàu điện trên không, cũng có thể nhận ra từng nhánh cọ, mỗi nhánh là một dải đất trải dài trên mặt biển. Trên mỗi nhánh cọ, khách sạn sang trọng, công viên giải trí, nhà hàng, khu shopping, khu thể thao… lần lượt mọc lên phục vụ khách du lịch và rất nhiều biệt thự, căn hộ cao cấp được xây bán.
Palm Jumeirah hướng đến phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, thu hút du khách giàu có trên thế giới, thích đến đây để hưởng thụ những thứ xa xỉ nhất. Cô Elena Corlateanu, quản lý kinh doanh của Atlantics - khách sạn lớn nhất trên đảo cọ, cho biết, khách sạn có 1.539 phòng đều nhìn ra biển, mỗi phòng như một căn hộ, giá khoảng 1.000 USD đến 20.000 USD/đêm. Một bể sinh vật cảnh khổng lồ xuyên khách sạn với 65.000 con cá lớn nhỏ đủ loại. Để thể hiện đẳng cấp của họ trên đảo, năm nào khách sạn cũng tổ chức những lễ hội đặc biệt, như năm ngoái lễ hội tình nhân có chiếc bánh sôcôla đính 2.000 viên hột xoàn trị giá 5 triệu USD, đêm Giáng sinh có những chiếc bánh 1,7 triệu USD, uống ly cà phê capuchino dát vàng 8.000 USD cho khách sở hữu.
Những du khách chỉ đến xem cho biết đảo cọ Palm Jumeirah và cảm nhận được đẳng cấp mà người ta muốn tạo ra ngay khi ngồi vào những chiếc ghế bọc nệm êm ái, trên tàu điện đi ra đảo.
Một góc đảo cọ Palm Jumeirah - một công trình lấn biển |
Khu nghỉ dưỡng Atlantis ở trên công trình lấn biển của đảo cọ |
Sheikh Zayed - kiệt tác kiến trúc Hồi giáo
Ở UAE, thứ sáu và thứ bảy là ngày nghỉ. Du khách đi từ Dubai sang tiểu vương thủ đô UAE là Abu Dhabi vào ngày thứ sáu, nên dù trên đường đã nhìn thấy thánh đường Sheikh Zayed với những tháp vươn thẳng lên bầu trời, nhưng phải chờ đến 4 giờ chiều mới được cho vào tham quan.
Sheikh Zayed là một trong mười thánh đường Hồi giáo lớn nhất thế giới, thời điểm đông tín đồ đến làm lễ lên tới trên 40.000 người. Hàng ngày có khoảng 4.000 - 6.000 khách thập phương đến viếng thăm. Để giữ sự tôn nghiêm, mọi người khi vào trong thánh đường đều phải đi chân đất, riêng nữ bắt buộc mặc áo dài đen, choàng khăn kín tóc; mặc như nữ tín đồ Hồi giáo ở UAE.
Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed là một trong mười thánh đường |
Thánh đường Sheikh Zayed rộng khoảng 22.000m2, một công trình kiến trúc nguy nga. Thánh đường có 82 mái vòm, trong mỗi vòm đều lắp đặt loa để gọi tín đồ khi đến giờ làm lễ. Từ ngoài vào có 1.096 cột mang hình cây chà là - loại cây đặc trưng của Trung Đông. Lá chà là đều được dát vàng.
Chính điện của thánh đường có sức chứa khoảng 8.000 người, đây là khu vực tập trung những kiệt tác. Tường, sàn và trần là những mảng họa tiết cây cỏ hoa lá nạm bằng đá cẩm thạch và các loại đá quý. Đáng ngưỡng mộ là chiếc thảm lớn nhất thế giới được 1.200 phụ nữ Iran làm bằng tay trong suốt 18 tháng với 38 tấn len. Tấm thảm có diện tích gần 6.000m2 với 2,2 tỉ mũi kim. Chiếc đèn chùm treo dưới mái vòm cao 70m ở chính giữa phòng có độ dài đến 15m, nặng 9,5 tấn được làm bằng pha lê màu xanh, đỏ, vàng và trắng.
Để xây dựng thánh đường, Abu Dhabi đã huy động trên 50 kiến trúc sư giỏi nhất đến từ nhiều nơi trên thế giới. Tuy mang nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, nhưng tổng thể Sheikh Zayed rất hài hòa, vừa toát lên vẻ nghiêm trang của tôn giáo, vừa đầy vẻ yên bình, thân thiện mời gọi mọi người gặp nhau nơi đây.
TS (Theo Vy Vy)