Cần giữ gìn và phát triển tài nguyên du lịch đặc trưng của Đà Lạt

03:09, 11/09/2013

Với khái niệm trên thì tài nguyên du lịch ở Đà Lạt là vô cùng phong phú, nhưng ở đây chúng ta chỉ tập trung nói về cách cư xử đối với một số tài nguyên du lịch có tính đặc trưng của Đà Lạt mà thôi.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam thì tài nguyên du lịch là “Cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch”.

Với khái niệm trên thì tài nguyên du lịch ở Đà Lạt là vô cùng phong phú, nhưng ở đây chúng ta chỉ tập trung nói về cách cư xử đối với một số tài nguyên du lịch có tính đặc trưng của Đà Lạt mà thôi.

“Đà Lạt Eđen” - Ảnh: Đặng Văn Thông
“Đà Lạt Eđen” - Ảnh: Đặng Văn Thông


Trước hết là tài nguyên thiên nhiên bao gồm cả khí hậu, cảnh quan Đà Lạt, điều này thì đã có rất nhiều tài liệu, sách vở, báo chí, đề tài khoa học... nói tới rồi và ai cũng biết cả, nên chúng ta không nên nói lại sẽ mất nhiều thời gian. Chỉ cần nói một cách tóm tắt nhất đó là: “khí hậu và cảnh quan của Đà Lạt là tuyệt vời so với cả nước và so với nhiều nước trong khu vực, kể cả so với Chiang Mai của Thái Lan (Chiang Mai không hơn Đà Lạt về tài nguyên du lịch nhưng lại hơn xa Đà Lạt về trình độ phát triển du lịch). Vấn đề của chúng ta là cách gìn giữ và khai thác tài nguyên thiên nhiên như thế nào. Chúng ta có mấy con số có lẽ đã lạc hậu rồi nhưng cũng đáng để tham khảo, theo một tài liệu của ngành lâm nghiệp tỉnh từ trước năm 2000 thì sau giải phóng năm 1975 nội thành Đà Lạt có 38.000 ha rừng thông, đến năm 1995 chỉ còn 14.000 ha! Đến hôm nay đã có những thống kê mới nhưng có lẽ là số lượng rừng thông và cây thông trong nội thành và xung quanh Đà Lạt ngày càng suy giảm quyết liệt. Điều này từ các nguyên nhân: do nhu cầu không phải của dân để đun nấu như trước đây mà là nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp khai thác gỗ ngày càng lớn; do nhu cầu mở rộng sản xuất nông nghiệp và nhu cầu xây dựng nhà cửa, công trình… không theo qui hoạch hoặc không quản lý được, hoặc qui hoạch chưa quan tâm nhiều đến tính bền vững lâu dài… đã dẫn đến môi trường cảnh quan thành phố thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Với cái nhìn không chuyên nghiệp của người dân thì người ta cũng đã tính được rằng từ năm 1975 đến nay đã có trên 20 đồi thông đẹp, thơ mộng trong nội thành Đà Lạt biến mất. Những thắng cảnh nổi tiếng từ lâu như hồ Than Thở, thác Cam Ly, thác Hang Cọp… giờ đã trơ trụi nham nhở, mất hết chiều sâu không nhận ra huyền thoại của chính nó và không còn là thắng cảnh nữa. Các con suối chạy ngoằn ngoèo dưới các chân đồi đổ về các hồ nước trong xanh ngày xưa, nay đã vẩn đục, nhiều rác, thậm chí đã bị lấp mất…

Thứ đến là hoa, hoa Đà Lạt đa dạng về chủng loại, phong phú về màu sắc, trồng hoa đã trở thành nghề và là nguồn sống của cư dân. Bên cạnh các loài hoa quí phái, hoa thương phẩm còn có các loài hoa dại, hoa thiên nhiên với hàng ngàn loài khác nhau. Hoa mọc ven đường, bên hồ, dọc suối, hoa trong rừng, trên vách đá và hoa trèo lên cả trên hàng rào, trên mái nhà… đã góp phần cho Đà Lạt được mệnh danh là “thành phố hoa”.

Khí trời mát mẻ, rừng thông xanh tươi, thác nước hùng vĩ, suối, hồ trong xanh, các loài hoa kể cả hoa quý phái, hoa thương phẩm và các loài hoa dại… là những tài nguyên du lịch đặc trưng và căn bản của Đà Lạt để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, và hình thành nên một vùng du lịch, một đô thị du lịch. Đó không phải là lý thuyết mà thực tiễn của 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển đã chứng minh rất rõ rằng Đà Lạt ra đời là cho mục đích nghỉ dưỡng và những tài nguyên kể trên đã làm cho Đà Lạt sớm trở thành một thành phố du lịch nổi tiếng hơn một thế kỷ qua. Nếu những yếu tố trên mất đi thì cái tên thành phố Đà Lạt - du lịch chỉ còn lại trong ký ức của con người mà thôi! Bởi vậy việc đặt ra vấn đề gìn giữ, bảo tồn, trùng tu, nâng cấp và đưa những tài nguyên trên tham gia vào sản phẩm du lịch trong lúc này tuy muộn màng rồi, nhưng có còn hơn không!

Ở đây tôi chỉ nêu vài ý kiến về định hướng và giải pháp như sau:

- Trước đây, UBND tỉnh đã có văn bản qui định: chặt, hạ một cây thông (không qui định chặt chẽ về lý do) phải trồng lại 5 cây (không qui định địa điểm bắt buộc phải trồng)… Trên thực tế các quy định này không được chấp hành tốt. Nay đề nghị bổ sung: chặt một cây với lý do cây già, bệnh, sắp ngã đổ nguy hiểm chứ không phải vì bất cứ lý do nào khác (như làm nhà, làm vườn, làm dự án, xây dựng công trình…) và phải trồng lại 3 cây trong khu vực cây bị chặt (chứ không phải trồng lại nơi khác).

- Khôi phục những đồi thông có thể, nhất là khôi phục lại những khu rừng xung quanh các thắng cảnh đã bị lấn chiếm do làm nhà, sản xuất như thác Cam Ly, hồ Than Thở, thác Hang Cọp, thác Prenn… và nhiều thắng cảnh khác. Đưa các hoạt động sinh hoạt và sản xuất ra xa các hồ, suối, trồng cây nhiều lớp dọc theo các con suối giữ cho hồ suối luôn trong trẻo và sạch sẽ. Nên có chính sách đền bù giải tỏa trả lại rừng cây trong một phạm vi từ 500 m đến một cây số hai bên các con suối và bao bọc quanh các thắng cảnh (có khảo sát nghiên cứu và có qui định cho từng thắng cảnh, từng con suối cụ thể). Chúng ta giải tỏa nhà cửa, ruộng vườn lâu đời của người dân để giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án kinh doanh là vô cùng khó mà vẫn làm được thì việc giải tỏa đất bị lấn chiếm để tạo lại cảnh quan cho nhân dân thành phố có lẽ sẽ được dư luận ủng hộ nhiều hơn. Một số đồi trọc thung lũng trống cho trồng tập trung những loài cây đặc trưng của Đà Lạt để tạo thành những đồi ngân hoa (uy li mộc), đồi hoa sim, anh đào, thung lũng mimoza, phượng tím, osaka, loa kèn, trạng nguyên, giấy Đà Lạt… Thành phố chỉ làm động tác qui hoạch chọn đất và giao cho trường học hoặc cơ quan, hoặc cho doanh nghiệp đăng ký thực hiện với chính sách cho họ được kinh doanh dưới tán rừng, hoặc khu đồi được mang tên doanh nghiệp, cây được gắn tên người trồng…

- Việc trồng cây trên đường phố cũng cần được suy tính nhằm tạo ra nét riêng có của một Đà Lạt du lịch khác với các thành phố khác. Ví dụ như một số con đường có thể được nghiên cứu trồng các loài cây gắn với tên đường hoặc phù hợp với nét riêng của khu vực, ví dụ như phượng tím dẫn đến các trường học, những cây to uy nghiêm trên đường đến các cơ quan công quyền, hay cây phong trên đường Nguyễn Du, thông trên đường Nguyễn Công Trứ, tre trúc trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm…

- Bảo vệ các loài hoa dại, hoa thiên nhiên và đảm bảo sự đa dạng sinh học, UBND tỉnh cần có văn bản cấm đốt rừng thực bì để bảo đảm mỹ quan đô thị và bảo vệ các loài hoa cũng như các loài động thực vật khác, đồng thời chủ trương  gieo hạt cho phát tán các loài hoa như forget me not, bồ công anh và một số loài hoa dại khác quanh các bờ hồ, ven suối, trên các đồi thông, bờ cỏ ven đường… (ở một số nước châu Âu họ dùng hoa dại trang trí các bờ cỏ ven đường khá đẹp).

- Trồng hoa trên đường phố cũng cần có ý tưởng tạo sự đa dạng bất ngờ từ những con đường này sang con đường khác chẳng những sẽ rất thú vị cho du khách trong các chương trình city tour mà còn là niềm tự hào về những đường hoa của cư dân Đà Lạt.

Hơi lãng mạn một chút nhưng làm du lịch mà thiếu tính lãng mạn thì nên khai thác tài nguyên để trồng khoai, trồng sắn sẽ có hiệu quả hơn!

Để làm được như trên thì tốt nhất là thực hiện chủ trương xã hội hóa chúng ta sẽ có rất nhiều giải pháp xã hội hóa như giao cho doanh nghiệp, giao trường học, cơ quan, đoàn thể, giao về tận phường, khu phố… kể cả du khách cũng có thể tham gia trồng cây, trồng hoa làm đẹp cho Đà Lạt. Vấn đề là chúng ta có phương án, kế hoạch và chính sách tốt thì cũng không khó lắm để thành công.

Bên cạnh những tài nguyên thiên nhiên nêu trên thì tài nguyên nhân văn của Đà Lạt cũng hết sức đa dạng và phong phú, bao gồm cả đình, chùa, nhà thờ, công trình lịch sử, các công trình văn hóa khác và đặc biệt hấp dẫn là những tài nguyên thuộc về văn hóa phi vật thể. Rất nhiều, rất phong phú nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin nêu 2 yếu tố thuộc về tài nguyên nhân văn có tính đặc trưng của Đà Lạt đó là: Kiến trúc Đà Lạt và phong cách người Đà Lạt rất cần được gìn giữ và phát triển không chỉ vì du lịch mà còn là niềm tự hào lâu dài cho nhiều thế hệ người Đà Lạt trước đây, bây giờ và mãi cho mai sau.

Về kiến trúc Đà Lạt, với cái nhìn không chuyên nghiệp thì chúng ta cũng có thể nhận ra rằng những công trình xây dựng theo kiến trúc châu Âu trên đất Đà Lạt trong môi trường cảnh quan với đồi dốc, cây xanh, hoa, hồ nước và không gian mát lạnh một cách hài hòa đầy cảm xúc như trời sinh ra một vùng đất dành để cho những nhà kiến trúc thi thố tài năng, sáng tạo nên những công trình đẹp cho đời. Còn theo các nhà chuyên môn thì kiến trúc đặc thù đã hòa hợp với cảnh quan Đà Lạt là một nét đặc sắc cần bảo tồn và phát triển để ngày càng làm giàu thêm giá trị của Đà Lạt. Thế nhưng thực trạng hiện nay có lẽ ai cũng thấy những bất cập của nó. Đứng từ bờ hồ nhìn lên và đứng từ trên cao nhìn xuống chúng ta đều thấy thành phố ngổn ngang bê tông khối lớn khối bé, lô nhô mái ngói, mái bằng, mái tôn, mái nhựa… Lạc điệu với nhau, khó mà tìm thấy cái đẹp của kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt như mong đợi! Kiến trúc đặc trưng Đà Lạt cũng là một tài nguyên quý giá đã từng được khai thác đưa vào thành sản phẩm của các tour du lịch, nhưng nay đã mai một bởi số lượng lớn những công trình mới mà theo các nhà chuyên môn cho là xa lạ với Đà Lạt đã chen lấn, che lấp, làm mất hút trong những ngổn ngang của quá trình đô thị hóa thiếu định hướng về mặt kiến trúc. Nên chăng có chủ trương hợp tác với các chuyên gia về qui hoạch, kiến trúc Pháp để qui hoạch, chỉnh trang hoặc xác định những tiêu chí về xây dựng nhà cửa và các công trình với mục đích không chỉ bảo tồn mà còn phát triển biến cái đặc thù đã có trong tiềm thức của mọi người thành cái phổ biến trên thành phố cao nguyên xinh đẹp này. Trước 1975 hình như đã có tài liệu qui định những tiêu chí bắt buộc khi xây dựng một ngôi nhà hay một công trình nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên đã tạo nên nét đặc thù và gìn giữ cho đến sau này. Các nhà chuyên môn nên nghiên cứu lại và bổ sung cho phù hợp với yêu cầu mới đồng thời đưa ra các chính sách, biện pháp để bảo đảm thực hiện được.

Trang sách vào đời - Ảnh: Ngọc Minh
Trang sách vào đời - Ảnh: Ngọc Minh


Phong cách hiền hòa, thanh lịch, mến khách của người Đà Lạt đã tạo nên một xã hội yên bình, đáng yêu, hình như được sinh ra bởi một thành phố có cảnh quan thiên nhiên đẹp và khí hậu trong lành mát mẻ, là một tài nguyên du lịch khá hấp dẫn du khách bốn phương, nhưng nét văn hóa này cũng đã và đang mai một dần bởi rất nhiều nguyên nhân! Gìn giữ và phát triển phong cách người Đà Lạt không phải chỉ vì du lịch mà đó phải được xem là một nét văn hóa truyền thống quí giá cần gìn giữ cho nhiều thế hệ người Đà Lạt sau này. Để có thể biến nét văn hóa đẹp đó thành một loại “gen di truyền xã hội” cho mai sau, lãnh đạo thành phố Đà Lạt cần đặt hàng để xây dựng một đề tài khoa học về phong cách người Đà Lạt với một qui mô thỏa đáng. Từ đó soạn thành những bài học đưa vào chương trình giảng dạy trong các trường học, soạn tài liệu để trang bị phong cách cho những người làm du lịch, những người bán hàng và cho rộng rãi nhân dân Đà Lạt…

Cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt - Hoa Đà Lạt - Kiến trúc Đà Lạt - và Phong cách người Đà Lạt… là những đặc trưng của một vùng đất trời cho mà hiếm có vùng đất nào có được nhiều cái đặc trung như vậy. Đó chính là những tài nguyên quí giá tạo nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước và chính những nét đặc trưng ấy mà Đà Lạt được mọi người biết đến là một thành phố du lịch. Và, du lịch là một ngành kinh tế đặc trưng căn bản của Đà Lạt! Chúng ta kiến nghị nhà nước có quyết định công nhận Đà Lạt là một đô thị du lịch để có cơ chế chính sách phù hợp giúp thành phố phát triển. Đồng thời chúng ta, những người có trách nhiệm cần có ý thức và  biết cách tổ chức cho xã hội khai thác tài nguyên hợp lý theo hướng du lịch bền vững nhằm phục vụ cho trước mắt và cho cả con cháu sau này.

Những vấn đề nêu trên thực ra là không mới, thậm chí là rất cũ, nhưng nếu nay chúng ta thực sự quan tâm đầu tư nghiên cứu và bắt tay thực hiện nghiêm túc, bài bản, thỏa đáng thì đây lại là một việc làm mới, thậm chí rất mới, chúng ta hy vọng sẽ được dư luận đồng tình ủng hộ rộng rãi.

NGUYỄN TRỌNG HOÀNG