Thiền viện Trúc Lâm, Datanla, Vườn hoa thành phố, Ga xe lửa, đồi Mộng mơ, Crazy House, XQ sử quán... với khoảng 120-200 khách người Nga. Đây là con số trung bình trong những ngày thấp điểm của mùa du lịch...
Hàng ngày, những chiếc xe Pegas hơn 50 chỗ ngồi đến từ Nha Trang và Mecedes Ben 16 chỗ từ Bình Thuận thường đến các điểm du lịch trong thành phố Đà Lạt, như: Thiền viện Trúc Lâm, Datanla, Vườn hoa thành phố, Ga xe lửa, đồi Mộng mơ, Crazy House, XQ sử quán... với khoảng 120-200 khách người Nga. Đây là con số trung bình trong những ngày thấp điểm của mùa du lịch. Nhưng điều đáng chú ý là số du khách này chỉ có lịch trình trọn một ngày ở Đà Lạt chứ không nghỉ đêm.
Tiêu dùng của khách Nga chiếm tỷ trọng cao trong chi phí du lịch của họ |
* Chỉ cần 1/10 lượng du khách Nga sang Việt Nam đến Đà Lạt
Vài năm nay, người Nga hình thành làn sóng đi du lịch đến Việt Nam với thời gian lưu trú từ 10-15 ngày và mức tiêu dùng trung bình là 100USD/ngày. Điểm đến yêu thích của du khách Nga ở nước ta là dải đất miền Trung với những bãi biển dài, nắng ấm quanh năm, ít mưa bão, nhiều hải sản,… như: Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hội An. Hai hãng lữ hành chuyên cung cấp các tour du lịch cho du khách Nga là Pegas Touristik (chủ yếu ở Nha Trang) và GSO Travel (Bình Thuận). Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Cty Ánh Dương - đối tác của Cty Pegas Touristik tại Việt Nam, cho biết: Từ tháng 4/2011 đến 30/10/2012 (1,5 năm), Pegas đã đưa hơn 60.000 du khách Nga tới Việt Nam; nhưng chỉ 6 tháng mùa du lịch cao điểm năm 2012 (11/2012 - 4/2013) con số khách Nga tới Việt Nam đã tăng gần gấp đôi (khoảng 100.000 lượt). Còn theo Sở VH-TT-DL Bình Thuận, trong năm 2012 đã có 126.000 lượt du khách Nga đến Bình Thuận, tăng so với năm 2011 (101.000 lượt) và năm 2010 (81.000 lượt).
Tháng 8/2013, có hơn 18.700 lượt khách Nga đến Việt Nam, tăng gần 13% so với tháng trước và tăng hơn 143% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tám tháng đầu năm 2013, có hơn 189.000 lượt khách Nga, tăng 63% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2012, cả nước đón 174.000 lượt khách Nga, tăng hơn 71% so với năm 2011. Dự kiến, năm nay sẽ đón khoảng 250.000 - 280.000 lượt khách Nga, từ tháng 11-2013 đến tháng 4-2014 (mùa du lịch năm 2013), trung bình có 72 chuyến bay/tháng đưa khách Nga đến nước ta, với khoảng 4.500 khách/tuần. (Tổng cục Du lịch Việt Nam) |
Khoảng một năm nay, Pegas và GSO thường có những tour tách đoàn cho khách Nga tham quan Đà Lạt, nhưng chỉ thực hiện trong ngày. Lý giải điều này, anh Đình Lam (hướng dẫn viên) cho biết: Du khách Nga đến Việt Nam chủ yếu là nghỉ dưỡng, nghỉ đông, nghỉ hè cùng gia đình với những hoạt động đơn giản như phơi nắng, tắm biển, đọc sách, đi dạo, mua sắm... Nhưng, vì chưa có sự liên kết giữa các hãng du lịch Nga với Đà Lạt - Lâm Đồng, nên trong lịch trình tour cố định không có điểm dừng ở Đà Lạt. Khách Nga muốn đi Đà Lạt phải trả chi phí phát sinh và không được hoàn phí bỏ tour và những vấn đề an ninh khác, nên họ chỉ chọn lịch trình tham quan Đà Lạt trong ngày.
Dù không lưu trú ở Đà Lạt, nhưng mức tiêu dùng của du khách Nga được đánh giá là chiếm 5-10% doanh thu của các điểm họ dừng chân ăn uống. Đặc biệt, mức tăng trưởng ổn định của Dalattourist những năm qua, một phần nhờ duy trì được lượng du khách Nga đến KDL Cáp treo và Máng trượt. Vì vậy, nếu làm tốt phần dịch vụ như ăn uống, môi trường, quà lưu niệm..., thì chỉ cần đón tiếp được 1/10 số lượng du khách Nga đến Việt Nam thôi, Đà Lạt cũng có một khoản doanh thu đáng nể và lớn hơn rất nhiều lần mức tiêu dùng của tổng lượng khách quốc tế hàng năm.
* Chủ trương là điều kiện đầu tiên, nhưng quyết tâm là cơ hội duy nhất
Chị Tatana Tereshkova đến từ thành phố Vladivostok cho biết: “Đà Lạt rất thú vị, phong cảnh đẹp, mát mẻ. Mình rất thích cà phê nóng, xem biểu diễn nghệ thuật và mua đồ thổ cẩm, tranh thêu tay... nhưng vì không mua lịch trình ở Đà Lạt, nên không thể ở lâu hơn”. Theo chị Tamara: ở Nga không có tên Đà Lạt trong các tour chào bán. Chỉ khi đến Việt Nam chị mới được hướng dẫn viên giới thiệu về Đà Lạt. Khách Nga từ Bình Thuận và Nha Trang lên Đà Lạt theo kiểu “đi xe buýt”: Sáng sáng, có xe chờ sẵn trước cửa khách sạn, ai muốn đi thì xách ba lô lên xe - anh Đình Lam cho biết thêm.
Khách Nga được nhận xét là dễ phục vụ, hòa đồng, không e dè, không cầu kỳ như khách Âu; họ thích các dịch vụ có sẵn tại nơi lưu trú. Ở Nha Trang hay Phan Thiết, người Nga thường chọn những khu resort hay khách sạn có nhà hàng, quầy bar, hồ bơi... Họ ăn uống có phần thoải mái, đồ ăn sung túc, đầy đặn, khác hẳn với tính cách của người châu Âu. Cũng vì doanh thu từ khách quốc tế nói chung so với khách Nga thấp hơn rất nhiều, nên Nha Trang và Bình Thuận hầu như bỏ ngỏ thị trường khách quốc tế ngoài Nga. Đó là lý do ở Bình Thuận và Nha Trang, tiếng Nga được ghi ở khắp nơi, trong thông tin các tour du lịch, trên các cửa hàng, spa, cho đến các thực đơn ở nhà hàng...
Dù nắm được rất rõ đặc điểm của du khách Nga, nhưng, để du khách Nga đến được Đà Lạt còn cần rất nhiều. Nếu được chấp thuận chủ trương, thì chính quyền và ngành du lịch phải có quyết tâm rất lớn trong việc xúc tiến du lịch và chào bán sản phẩm cho du khách Nga. Thậm chí, phải làm thay đổi lịch trình của các tour du lịch được chào bán tại Nga, bao gồm cả việc thay đổi biểu giá... Ngoài ra, còn có những thách thức khác có thể phải đánh đổi, như giảm lượng khách châu Âu, châu Úc, châu Mỹ... Đó là phần việc quan trọng, nhưng còn phần việc quan trọng hơn là phát triển và làm mới các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách nói chung và du khách Nga nói riêng, nhất là phát triển các sản phẩm lưu niệm, các chương trình nghệ thuật truyền thống, dịch vụ ăn uống, môi trường...
LÊ HOA