Sáu ngày ở Thái Lan

04:09, 04/09/2013

Nhận lời mời của Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đoàn Hội Nhà báo Tp. Đà Nẵng sang thăm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động báo chí tại Chiang Mai, Bangkok từ ngày 15 đến 20/8/2013. nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (Hội Nhà báo Lâm Đồng) đã tham dự chuyến công tác này và ghi chép vài cảm nhận về đất nước, con người Thái Lan.

Nhận lời mời của Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đoàn Hội Nhà báo Tp. Đà Nẵng sang thăm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động báo chí tại Chiang Mai, Bangkok từ ngày 15 đến 20/8/2013. nhà báo Nguyễn Thanh Đạm (Hội Nhà báo Lâm Đồng) đã tham dự chuyến công tác này và ghi chép vài cảm nhận về đất nước, con người Thái Lan.

Cung Vua thời Lanna trong Vườn Thượng uyển
Cung Vua thời Lanna trong Vườn Thượng uyển


VỀ THỦ ĐÔ VƯƠNG QUỐC HÙNG MẠNH THẾ KỶ XIII

Gặp nhau tại TP HCM trước ngày bay sang Bangkok, nhà báo Mai Đức Lộc - UVTV Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng làm trưởng đoàn tươi cười bắt tay tôi, hóm hỉnh: Thật khéo sắp xếp và thú vị khi đoàn mình có hai chữ Đà: Đà Nẵng và Đà Lạt - sóng ngàn thông xanh và sóng biển xứ Quảng sẽ cùng reo trên cao nguyên Chiang Mai nhé!

Sau hơn 1 giờ bay, đoàn có mặt tại sân bay Suvamabhumi, so với sân bay Don Mueang cách đây 6 năm tôi từng ghé thì đây là sân bay mới, hiện đại và lớn nhất ở Đông Nam Á, là 1 trong 18 sân bay bận rộn nhất thế giới, cách Bangkok khoảng 30 km, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Chiang Mai Amnat Jongyotying đã bay từ Chiang Mai lên đón. Ba giờ sau, bay tiếp về Chiang Mai. Tại đây, đồng nghiệp Thái Lan chộn rộn đón với những vòng kết hoa, tấm biểu ngữ trọng thể “ Welcomr Vietnam Journalists Association to Chiang Mai”. Vòng tay siết chặt bạn bè từng sang thăm Đà Lạt, Đà Nẵng. Suphat Mahawan - nhà báo chuyên về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ của Chiang Mai chỉ vào ngực áo vét-tông tấm lô-gô Báo Lâm Đồng mà tôi tặng năm trước, anh phấn khởi: Nhớ Đà Lạt - Lâm Đồng lắm!

Ở Chiang Mai, từ 5 giờ đến 6 giờ 30 phút chiều ngày 16/8, đồng nghiệp tổ chức cho đoàn tới chào xã giao và làm việc với ông Adisorn Kumnurdsiri - Phó Tỉnh trưởng. Ông rất vui vì mối quan hệ thân thiết giữa Hội Nhà báo tỉnh mình với Hội Nhà báo Lâm Đồng, Đà Nẵng. Phó Tỉnh trưởng cho biết: Chiang Mai hiện là tỉnh quan trọng thứ hai, sau thủ đô Bangkok, giữ vị trí trung tâm kinh tế “động lực” của 8 tỉnh bắc Thái Lan. Chính phủ Thái Lan ý thức cao về vị thế của Chiang Mai nên có chủ trương tập trung đầu tư để phát triển giao thông, y tế, du lịch cho tỉnh cũng như vùng phía bắc. Tỉnh có 25 huyện và thành phố Chiang Mai. Dân số 1,7 triệu người nhưng trên thực tế tới trên 3 triệu vì có rất nhiều người các tỉnh đổ về làm việc, người vùng Nam Trung Quốc, Miến Điện… đến sinh sống. Tại đây có 10 trường đại học uy tín. Chiang Mai được xếp hạng là 1 trong 10 điểm trên bản đồ du lịch thế giới. Kinh tế du lịch chiếm 50% GDP. Từ vị trí thứ ba sau Phu ket, Pattaya, nay ngành du lịch vươn lên đứng thứ hai sau Phu ket. Tỉnh chú trọng đẩy mạnh ngành kinh tế du lịch với nền tảng phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Phát huy “lợi thế so sánh” là địa hình cao nguyên có độ cao từ 310 đến trên 1.000 m so với mặt biển (tương đồng thổ nhưỡng, khí hậu của Di Linh, Bảo Lộc - Lâm Đồng), chính quyền đang khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân đầu tư phát triển nông nghiệp sạch. Hiện bình quân thu nhập đầu người đạt 3.000 USD/năm. Sự kiện cộng đồng kinh tế chung Asean hình thành vào năm 2015 là điều mà tỉnh đang quan tâm khi hội nhập. Vì vậy, tỉnh thành lập 3 tiểu ban kinh tế - xã hội để nghiên cứu và đề xuất 92 vấn đề mà chính quyền phải chú trọng cải cách trong thời gian tới.

Hình khối những lá bồ đề xếp thành 9 búp sen trong Cung Vua
Hình khối những lá bồ đề xếp thành 9 búp sen trong Cung Vua


Ở Chiang Mai, chúng tôi có dịp tham quan một số danh thắng rất nổi tiếng. Trong đó có Hoàng gia Park Ratchapreul được gọi là Royal Park rajapruck (Vườn Thượng uyển) rộng gần 80 ha. Tuy là đất nước xuất khẩu hoa tuylip thứ nhì thế giới song ở đây người ta rất chú trọng trồng, trưng bày, bảo tồn nhiều loài hoa, cây cảnh quý của thế giới. Vườn có trồng 77 loài cây quý, đặc trưng cho 77 tỉnh, thành trong toàn quốc; trưng bày kiến trúc nhà cửa truyền thống của các vùng. Hàng ngày, Vườn đón trên nghìn khách tham quan, dịp tổ chức hội chợ đón tới vạn người. Đưa đoàn tham quan, cô bạn đồng nghiệp Thái Lan khiêm nhường nói, song đã để tôi phải suy nghĩ nhiều: Cũng không sánh bằng Đồi Mộng Mơ - Đà Lạt đâu!

Tại Vườn Thượng uyển có phục dựng Cung vua thời Lanna nhân dịp kỷ niệm Quốc vương Thái Lan 60 tuổi. Trong cung đặt trang trọng khối đá cẩm thạch chạm khắc các thiên thần nâng đỡ khối lá bồ đề mạ vàng, đồng lấp lánh xếp 9 búp sen nhằm biểu thị ngôi vua đời thứ IX, số lá bồ đề bằng 2 vạn 1 ngàn 65 ngày từ khi Vua Rama IX ra đời. Cũng trong khuôn viên, chúng tôi có dịp thăm khu bảo tồn kiến trúc, điêu khắc đặc sắc của 27 quốc gia phỏng theo mô hình công viên “Cửa sổ của thế giới” (Window of the World) ở Thẩm Quyến - Trung Quốc. Rất tiếc trong không gian Việt Nam tuy có đặt tượng của nhà điêu khắc tài danh Điểm Phùng Thị nhưng kiến trúc không đặc trưng một chút nào vì rất đơn điệu là một ngôi nhà nông thôn không hay của vùng Bắc bộ hay Trung bộ? Cổng vào chưa thể hiện được cổng làng truyền thống của Việt Nam? Chúng tôi thầm trách: Đáng lẽ Bộ VH - TT &DL, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan phải tham vấn để bạn xây dựng biểu tượng Chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám… hay là cung thành Huế! Tâm tư này, chúng tôi có trao đổi với đồng nghiệp Thái Lan và Sở Ngoại vụ Chiang Mai để có dịp bạn nghiên cứu, sửa lại.

Chuyến công tác này, bác Trần Hữu Minh Minh - nguyên phóng viên từng tiên phong thiết lập Phân xã TTX Việt Nam thường trú tại Bangkok làm phiên dịch cho đoàn. 6 năm thường trú Thái Lan, hàng chục lần phiên dịch cho các đoàn cấp cao của Nhà nước, của Hội Nhà báo Việt Nam trong mỗi chuyến công du sang đất nước “Chùa Vàng” nên nhà báo lão thành nhiệt thành giới thiệu với chúng tôi: Thành phố Chiang Mai (Chiêng Mài), hay Xương-Mại (theo sử Việt thời nhà Nguyễn) hiện là thành phố lớn thứ năm (xét theo quy mô dân số) của Thái Lan là thủ phủ (tỉnh lỵ) của tỉnh Chiang Mai.

Art in Pradise - Bảo tàng ảnh 3D lớn nhất thế giới do doanh nhân Hàn Quốc đầu tư 20 triệu USD ở Chiang Mai trong 18 năm. Doanh nhân có dự tính đầu tư mô hình bảo tàng này sang Việt Nam. Mới khai trương hơn 1 tháng nhưng với 145 bích họa, tranh cổ điển, cảnh đẹp trên thế giới do 14/20 họa sĩ bậc thầy vẽ tranh, ảnh nổi của Hàn Quốc thực hiện đã thu hút nhiều người tham quan. Trong ảnh: Tác giả và đồng nghiệp Suphat Mahawan hình dung đang đứng trước không gian Ăng - co - Vat (Cămpuchia)
Art in Pradise - Bảo tàng ảnh 3D lớn nhất thế giới do doanh nhân Hàn Quốc đầu tư 20 triệu USD ở Chiang Mai trong 18 năm. Doanh nhân có dự tính đầu tư mô hình bảo tàng này sang Việt Nam. Mới khai trương hơn 1 tháng nhưng với 145 bích họa, tranh cổ điển, cảnh đẹp trên thế giới do 14/20 họa sĩ bậc thầy vẽ tranh, ảnh nổi của Hàn Quốc thực hiện đã thu hút nhiều người tham quan.
Trong ảnh: Tác giả và đồng nghiệp Suphat Mahawan hình dung đang đứng trước không gian Ăng - co - Vat (Cămpuchia)


Thành phố Chiang Mai nằm ở vĩ độ Bắc (gần ngang với vị trí của thành phố Vinh, Việt Nam), cách Bangkok chừng 800 km về phía Bắc. Chiang Mai nằm trên vùng địa hình đồi núi thuộc loại cao nhất của Thái Lan. Thành phố chạy dọc theo hữu ngạn sông Ping, một trong những phụ lưu lớn nhất và quan trọng nhất của sông Chao Phraya. Liền kề với thành phố Chiang Mai, nhưng ở tả ngạn sông Ping là thị xã Lamphun (tỉnh lỵ của tỉnh Lamphun). Hai đô thị liền kề này hợp thành Vùng đô thị Chiang Mai.

Chiang Mai từng là thủ đô của quốc gia Lanna, là chứng nhân lịch sử đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Lanna từ ngày được thành lập (khoảng năm 1254) cho tới giai đoạn phát triển huy hoàng cũng như lụi tàn do sức tiến thủ mạnh mẽ của các quốc gia láng giềng (Sukhothai) nhưng chủ yếu là Ayutthaya và đặc biệt là Miến Điện. Từ những năm cuối thế kỷ XVIII trở đi, Chiang Mai cũng như toàn bộ quốc gia Lannathai được sáp nhập vào bản đồ Thái Lan. Về mặt hành chính, sự sáp nhập này chỉ diễn ra vào những năm cuối thế kỷ XIX, khi nhà vua cuối cùng của Lannathai qua đời và chính quyền Xiêm không chịu người thừa kế của ông lên ngai vàng. Trải qua nhiều thời đoạn lịch sử, vị trí chiến lược mà Chiang Mai có được không chỉ bởi nó là thủ đô của một vương quốc, mà còn bởi nó án ngữ tuyến đường trao đổi hàng hóa từ phía Nam Trung Hoa sang các nước Miến Điện, Ấn Độ và các nước Tây Á.

Là thủ đô của một vương quốc hùng mạnh trong nhiều thế kỷ, ngày nay, Chiang Mai là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất và được biết đến nhiều nhất của Thái Lan. Nhiều sự kiện văn hóa chính trị đã diễn ra tại đây, một trong số đó là SEA GAMES 17 vào năm 1995.

(Còn nữa)

Bút ký: NGUYỄN THANH ĐẠM