(LĐ online) - Vào những ngày cuối năm 2013 và trong năm 2014, Đà Lạt-Lâm Đồng là nơi sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa hết sức quan trọng có quy mô quốc gia và tầm quốc tế.
(LĐ online) - Vào những ngày cuối năm 2013 và trong năm 2014, Đà Lạt-Lâm Đồng là nơi sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa hết sức quan trọng có quy mô quốc gia và tầm quốc tế. Đây là các chuỗi sự kiện mang tính chất đối ngoại lớn giữa Việt Nam, các nước ASEAN và các nước đối tác, nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung và Lâm Đồng nói riêng tới bạn bè quốc tế.
Lễ hội Công chiêng Cát Tiên năm 2013. Ảnh: Văn Báu |
Đà Lạt-Lâm Đồng điểm đến hấp dẫn về du lịch nghỉ dưỡng với nhiều điểm du lịch, tham quan nổi tiếng mang đậm nét Tây Nguyên với cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp có khí hậu mát lành và nhiều hoa đẹp đã tạo nét riêng trở thành “thương hiệu” cuốn hút lòng người. Ngoài cảnh đẹp về thiên nhiên, khí hậu, nơi đây còn ẩn chứa một nét đẹp kỳ diệu chứa trong tâm hồn của con người Đà Lạt với nét hiền hòa, thanh lịch, mến khách, đây cũng là lý do để Đà Lạt-Lâm Đồng là điểm đến, là nơi hội tụ của nhiều hoạt động văn hóa và lễ hội được diễn ra, với những sự kiện đó là Tuần văn hóa lễ hội 2013 gồm “Festival Di sản UNESCO Việt Nam-ASEAN lần thứ nhất, Đà Lạt-Lâm Đồng 2013”; “Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển”; “Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5” và sự kiện “Năm Du lịch quốc gia 2014-Tây Nguyên-Đà Lạt” được tổ chức xuyên suốt trong cả năm 2014.
Từng sự kiện là từng hoạt động mang ý nghĩa khác nhau, “Festival Di sản UNESCO Việt Nam- ASEAN lần thứ nhất, Đà Lạt-Lâm Đồng 2013” là sự kiện nhằm để tôn vinh và quảng bá các di sản Việt Nam đã được và đang trình UNESCO công nhận, tạo một diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Việt Nam và các nước ASEAN, các nước đối tác về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của dân tộc, giúp tăng cường mối quan hệ gắn bó, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước ASEAN, các nước đối tác; cụ thể hóa chiến lược ngoại giao văn hóa, nêu cao vai trò của Việt Nam với các nước ASEAN và tổ chức UNESCO, góp phần tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, đóng góp vào việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Riêng đối với hoạt động “Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển”, đây chính là hoạt động lớn kỷ niệm Đà Lạt đã tròn 120 tuổi, là hoạt động ôn lại chặng đường vẻ vang 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, khơi dậy niềm tự hào, phát huy truyền thống của một thành phố trẻ anh hùng, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh thân thiện.
“Festival hoa Đà Lạt lần thứ 5” hoạt động mang tính định kỳ được tổ chức 02 năm một lần nhằm tôn vinh hoa Đà Lạt, khẳng định giá trị thương hiệu Đà Lạt-Thành phố Festival hoa của Việt Nam, điểm đến đặc sắc của muôn loài hoa, độc đáo về nền văn hóa bản địa đối với du khách trong nước và quốc tế, đưa Festival hoa Đà Lạt lên tầm khu vực và quốc tế.
Năm du lịch quốc gia Tây Nguyên-Đà Lạt là sự kiện văn hóa-kinh tế-xã hội tiêu biểu nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh thiên nhiên và con người Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng - Đà Lạt nói riêng với bạn bè các nước, kết nối và khai thác các thế mạnh về thắng cảnh thiên nhiên, di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của 5 tỉnh Tây Nguyên thành chuỗi các hoạt động nhằm quảng bá điểm đến cho du lịch Việt Nam, tăng lượng khách du lịch cho khu vực.
“Đại ngàn Tây Nguyên” là chủ đề của Năm Du lịch quốc gia 2014-Tây Nguyên-Đà Lạt sẽ diễn ra ở Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk và Đắk Nông với nhiều chương trình được tổ chức đó là: Liên hoan nghệ thuật thổ cẩm và trình diễn trang phục Tây Nguyên; Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc; Người đẹp các dân tộc trình diễn trang phục; Giải vô địch Cờ vua hạng nhất quốc gia 2014; Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2014; Tuần phim Việt Nam tại Đà Lạt; Liên hoan ẩm thực khu vực miền Trung Tây Nguyên; Ngày hội VHTTDL các dân tộc khu vực Tây Nguyên lần thứ I, Festival Cồng chiêng quốc tế lần thứ 2… là những chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Bên cạnh đó, một số chương trình do 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức như: Tỉnh Đắk Lắk với 04 hoạt động chính, trong đó điểm nhấn là “Lễ hội đua voi Buôn Đôn - Đắk Lắk” với nhiều nội dung phong phú và các hoạt động khác gồm: Giải đua thuyền Krông Ana, Tour du lịch homestay “Đến với voi Bản Đôn”, Tour du lịch dã ngoại “Hồ Lắk-Hoang sơ và kỳ vĩ”.
Tỉnh Đắk Nông tổ chức Tuần văn hóa du lịch khám phá thác nước Đắk Nông và tổ chức các Tour du lịch dã ngoại, khám phá 7 thác nước nổi tiếng của Đắk Nông với chủ đề “Những thác nước hùng vĩ trên cao nguyên M’Nông”. Tỉnh Gia Lai tổ chức 6 sự kiện văn hóa và du lịch phong phú trong đó có lễ hội mang nét bản sắc “Lễ mừng nhà rông người Bahnar” và các tour du lịch thế mạnh của địa phương.
Tỉnh KonTum với 3 hoạt động chính gồm: Lễ hội nhà Rông Ba Na Kon Tum, Tour du lịch dã ngoại về với đại ngàn thông xanh Kon Plông và Tour du lịch văn hóa Cột mốc quốc gia chung 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia và Lâm Đồng ngoài các hoạt động do Bộ VHTTDL và các bộ, ngành tổ chức, trên địa bàn tỉnh còn diễn ra các hoạt động khác như: Hội chợ triển lãm Văn hóa Du lịch Tây Nguyên, Lễ hội mùa hè Đà Lạt “Mưa phố núi” và các tour du lịch văn hóa, thể thao, tham quan, dã ngoại mang đặc trưng của tỉnh.
Các sự kiện văn hóa lớn diễn ra trong năm 2013 và năm 2014 là cơ hội để tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung củng cố hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, tận dụng phát huy thế mạnh của một vùng đất đầy tiềm năng về kinh tế, giàu bản sắc văn hóa, nhất là nét bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, thúc đẩy du lịch nói riêng và kinh tế xã hội nói chung phát triển qua đó ngày càng nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với phát triển du lịch.
Với tất cả ý nghĩa đó hi vọng rằng vùng đất Tây Nguyên mà “điểm nhấn” là Đà Lạt-Lâm Đồng sẽ là nơi đến hấp dẫn của bạn bè, du khách bốn phương và cũng là nơi mời gọi, níu chân mọi người khi có dịp đến với nơi này.
Thúy Vân