Phát triển du lịch gắn với hoạt động văn hóa

04:10, 01/10/2013

Thực tế cho thấy, du lịch không chỉ là một ngành dịch vụ đơn thuần mà còn là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan mật thiết tới nhiều ngành kinh tế khác và có tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội.

Đà Lạt - Lâm Đồng là một trong những trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng quan trọng của cả nước và khu vực Đông Nam Á; là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, có tiềm năng thế mạnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thủy điện, khai thác - chế biến nông - lâm sản, khoáng sản, đặc biệt có lợi thế để phát triển du lịch - dịch vụ; cũng là nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo.

Du khách giao lưu với đội biểu diễn công chiêng ở Khu du lịch Đồi Mộng Mơ. Ảnh: Văn Báu
Du khách giao lưu với đội biểu diễn cồng chiêng ở Khu du lịch Đồi Mộng Mơ. Ảnh: Văn Báu


Đà Lạt - Lâm Đồng còn được biết đến là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước với hệ thống các dinh thự và công trình kiến trúc văn hóa độc đáo. Con người Đà Lạt hiền hòa, thân thiện, thanh lịch và mến khách đã góp phần tô thêm vẻ đẹp của một thành phố du lịch, thành phố ngàn hoa.

Toàn tỉnh hiện có 32 khu, điểm du lịch và hơn 60 điểm tham quan miễn phí đó là các danh thắng tự nhiên, các công trình kiến trúc cổ, cơ sở tôn giáo, làng nghề, làng dân tộc bản địa, khảo cổ… Đây là những cơ sở quan trọng phục vụ du lịch.

Thực tế cho thấy, du lịch không chỉ là một ngành dịch vụ đơn thuần mà còn là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan mật thiết tới nhiều ngành kinh tế khác và có tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhận thức được điều này, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm đưa hoạt động văn hóa vào kinh doanh du lịch. Các điểm tham quan, di tích lịch sử đã từng bước được tôn tạo, nâng cao.

Ngoài những điểm tham quan vốn có như hệ thống các hồ, suối, thác, Bảo tàng tỉnh, vườn hoa thành phố, nhà Ga xe lửa Đà Lạt… một số khu, điểm du lịch cũng đã tiến hành đầu tư đưa các sản phẩm du lịch mới vào phục vụ du khách như làng du lịch rừng Madagui, thác Đạmbri, Thung lũng Tình yêu, khu du lịch Làng Cù Lần, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, sân Golf Đạ Ròn, sân Golf Sacom - Tuyền Lâm…

Để đưa “tài nguyên” nhân văn và bản sắc văn hóa vào hoạt động du lịch có hiệu quả hơn, tỉnh Lâm Đồng đã đề ra phương hướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết 04-NQ/TU, ngày 10/5/2011 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011-2015, tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong nước và quảng bá xúc tiến du lịch ra nước ngoài để thu hút khách quốc tế, xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch của riêng địa phương Lâm Đồng. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo các di tích, trong đó có cả di tích lịch sử và thắng cảnh, kiến trúc; hàng năm tổ chức tốt Lễ hội văn hóa Cồng chiêng để giới thiệu với du khách những thành tựu về kinh tế, văn hóa và tiềm năng du lịch của đồng bào các dân tộc bản địa.

Đặc biệt, để chuẩn bị Tuần văn hóa Du lịch 2013 gồm 4 sự kiện lớn: Festival Di sản UNESCO Việt Nam - ASEAN lần thứ nhất, công bố Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014, Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, Festival Hoa - Đà Lạt lần thứ V sẽ diễn ra tại Đà Lạt vào cuối năm 2013, tỉnh đã có kế hoạch xuất bản ấn phẩm “Bản đồ hướng dẫn du lịch Đà Lạt” nhằm cung cấp thông tin cụ thể, chính xác các điều kiện về cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, các tuyến - điểm tham quan, các loại hình sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Lạt - Lâm Đồng làm tài liệu cho các hướng dẫn viên du lịch và du khách; quảng cáo các hình ảnh du lịch văn hóa tại các thị trường trọng điểm; tổ chức hội nghị, hội thảo về du lịch văn hóa.

Những năm qua, du lịch Lâm Đồng đã có những đóng góp tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước khai thác và tôn tạo tài nguyên du lịch, đa dạng hóa các loại hình du lịch nhằm thu hút khách, góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động và trưởng thành, lĩnh vực du lịch Lâm Đồng cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn.

Trước hết, phải kể đến một thực trạng của du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đó là khai thác nhiều nhưng đầu tư ít, sản phẩm du lịch chưa được phong phú, thiếu các khu vui chơi giải trí về đêm, khu du lịch mang bản sắc văn hóa dân tộc chưa thực sự hấp dẫn, chưa kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách.

Kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được quan tâm đầu tư nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế địa phương, trong đó có du lịch. Nguyên nhân cơ bản của những khó khăn trên là do việc nhận thức về du lịch và phát triển du lịch trong các ngành, địa phương và cộng đồng chưa được đồng bộ và thống nhất.

Có rất nhiều yếu tố tác động góp phần thu hút khách, nhưng du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng sẽ hấp dẫn hơn nếu khắc phục triệt để tình trạng “cò mứt, “cò khách sạn”, tình trạng tranh giành, đeo bám níu kéo khách của những người bán hàng rong. Để làm được điều này có lẽ không cần vốn đầu tư lớn mà đó chính là ý thức văn minh du lịch của cộng đồng dân cư, như ai đó đã nói: "Nụ cười cũng là một sản phẩm du lịch".

KIỀU NINH