Chúng tôi vừa có dịp đến với vùng "lõi" Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Đó là Vườn Quốc gia Cát Tiên - nơi được gọi là "bình yên" nhất trong số những VQG của Việt Nam.
Chúng tôi vừa có dịp đến với vùng “lõi” Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Đồng Nai. Đó là Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên - nơi được gọi là “bình yên” nhất trong số những VQG của Việt Nam. Những cánh rừng ở đây hiện đang được tập trung sức nhiều hơn để giữ mãi sự yên bình, nhất là từ 29/6/2011, khi Khu DTSQ Đồng Nai được UNESCO công nhận là Khu DTSQ thứ 580 của thế giới và là Khu DTSQ thứ 8 của Việt Nam.
|
Du khách tham quan cây gõ Bác Đồng ở VQG Cát Tiên. |
Qua lời kể của thạc sĩ Nguyễn Văn Diện - Giám đốc VQG Cát Tiên, chúng tôi được biết, đến thời điểm hiện nay, trên thế giới đã có tới 621 Khu DTSQ của 117 quốc gia. Riêng Khu DTSQ Ðồng Nai trải rộng trên 5 tỉnh: Ðồng Nai, Lâm Ðồng, Ðắc Nông, Bình Phước và Bình Dương. Khu DTSQ Ðồng Nai rộng 969.993ha, được chia làm 3 vùng: Vùng lõi (172.502 ha), vùng đệm (349.995 ha) và vùng chuyển tiếp (447.496 ha). Riêng vùng lõi gồm có VQG Cát Tiên (72.208 ha) và Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Ðồng Nai (100.290 ha). VQG Cát Tiên được thành lập từ đầu năm 1992, trực thuộc Tổng cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), bao gồm diện tích của khu rừng cấm Nam Cát Tiên (thuộc tỉnh Ðồng Nai), khu Cát Lộc (thuộc tỉnh Lâm Ðồng) và khu Tây Cát Tiên (thuộc tỉnh Bình Phước). Với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gen động - thực vật rừng; nghiên cứu khoa học về bảo tồn thiên nhiên, môi trường; tuyên truyền, giáo dục bảo vệ môi trường; tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái và cùng với chính quyền địa phương thực hiện công tác phát triển cộng đồng, VQG Cát Tiên có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển Khu DTSQ Ðồng Nai.
Ðể giữ những cánh rừng ở VQG Cát Tiên được bình yên, Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên được thành lập, với một lực lượng kiểm lâm khá hùng hậu gần 120 cán bộ, công nhân viên, tổ chức thành 20 trạm và 2 đội cơ động. Hạt Kiểm lâm VQG Cát Tiên triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng rất nghiêm ngặt và được đánh giá là quản lý tốt so với các VQG và các địa phương khác trong cả nước. Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, gần 27.000 ha rừng được giao khoán và chi trả từ nguồn vốn Dịch vụ môi trường rừng cho 23 cụm cộng đồng dân cư ở khu vực Cát Lộc và gần 26.000 ha được giao khoán và chi trả từ nguồn vốn Dự án bảo vệ và phát triển rừng cho 37 cụm cộng đồng dân cư ở khu vực Nam Cát Tiên và Tây Cát Tiên. Giám đốc Nguyễn Văn Diện cho chúng tôi biết: “Nhờ quản lý nghiêm ngặt, rừng ở vùng lõi VQG Cát Tiên rất bình yên, ít khi xảy ra những vi phạm phá rừng, mà chỉ thỉnh thoảng xuất hiện những vụ săn bắt động vật hoang dã”.
VQG Cát Tiên được đầu tư nhiều dự án để bảo tồn và phát triển. Trước đây, Chính phủ Hà Lan đã đầu tư Dự án bảo tồn VQG với kinh phí 6,9 triệu USD; Ngân hàng Thế giới tài trợ cho vay dài hạn (40 năm) với mức đầu tư 30 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, giúp đỡ hộ nghèo, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống đồng bào ở vùng đệm; VQG đầu tư nuôi 60 con cá sấu nước ngọt ở Bàu Sấu... Ngày 27/9/2012, theo Quyết định số 1419/QÐ-TTg, VQG Cát Tiên được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia.
Hệ thực vật ở VQG Cát Tiên là rừng lá rộng thường xanh, rừng thường xanh nửa rụng lá, rừng hỗn giao gỗ tre, rừng tre nứa thuần loại và thảm thực vật đất ngập nước. Bàu Sấu và các bàu lân cận là sinh cảnh tuyệt vời của các loài động thực vật thủy sinh, cá nước ngọt, cá sấu, các loài chim nước và các loài thú lớn quần cư ở ven bàu vào mùa khô. VQG Cát Tiên hiện có mặt nhiều loài động vật, thực vật quí hiếm, gồm 1.610 loài thực vật, 357 loài chim, 83 loài bò sát, 105 loài thú, 156 loài cá, 751 loài côn trùng, 457 loài bướm, trên 400 loài nấm…và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Chính nhờ sự yên bình của VQG Cát Tiên đã tạo được sự quan tâm chú ý và thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học, khách du lịch trong và ngoài nước.
Ðể phục vụ du khách, VQG Cát Tiên đã hình thành các tuyến tham quan du lịch: Tuyến rừng bằng lăng thuần loại, tuyến cây gõ Bác Ðồng, tuyến cây si (với bộ rễ khổng lồ mọc bên bờ suối), tuyến thác Trời - thác Dựng, tuyến thác Bến Cự, tuyến Bàu Sấu, tuyến Bàu Chim, tuyến thác Mỏ Vẹt, tuyến xem thú ban đêm, tuyến di chỉ Óc Eo, tuyến sinh thái với nhiều loài thực vật cổ và tuyến tham quan làng đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, Stiêng. Ở VQG Cát Tiên, du khách có thể đi bộ, đi xe đạp, ô tô, xuồng máy hoặc ca nô. Mỗi tuyến có nét độc đáo, hấp dẫn riêng và ẩn chứa bao điều kỳ diệu. Anh Trung Giáo Ðức, phụ trách Tổ hướng dẫn viên Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường của VQG Cát Tiên, người đã gắn bó với Vườn từ những ngày đầu mới thành lập, cho chúng tôi biết: “Hàng năm, VQG Cát Tiên đã thu hút khoảng 15.000 lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học… Riêng trong thời gian từ khi Khu DTSQ Ðồng Nai được UNESCO công nhận là Khu DTSQ của thế giới, thì hàng năm, du khách đến VQG Cát Tiên tăng trên 10%. Trong đó, du khách là người nước ngoài tăng khoảng 20%. Tôi tin chắc, khi Khu DTSQ Ðồng Nai được UNESCO công nhận là Khu di sản thiên nhiên thế giới (hiện đang đề nghị và đã được thẩm định lần thứ nhất) thì chắc chắn du khách đến đây sẽ tiếp tục tăng lên”.
Cho dù trước đây, khi Khu DTSQ Ðồng Nai chưa được công nhận là Khu DTSQ của thế giới và sau này khi được UNESCO công nhận là Khu di sản thiên nhiên thế giới, thì lúc nào việc bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ Ðồng Nai nói chung và VQG Cát Tiên nói riêng là nhiệm vụ hết sức nặng nề, thường xuyên và cấp thiết. Trong giai đoạn hiện nay, trước sự biến đổi thời tiết, khí hậu do “hiệu ứng nhà kính”, thì quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái càng được quan tâm nhiều hơn.
|
Du khách tham quan cây tung tung (400 tuổi) ở VQG Cát Tiên |
Theo thạc sĩ Trần Văn Mùi - Phó Ban quản lý Khu DTSQ Ðồng Nai: “Trước thách thức của sự suy thoái tầng ozon, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái... đã khiến trái đất ngày càng nóng lên, thì chúng ta nhất thiết phải thay đổi văn hóa ứng xử đối với rừng. Nếu không, chúng ta sẽ phải “trả giá” cho những hành động thiếu ý thức của mình”. Ðiều đó có nghĩa là: “Chúng ta cần đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền về giá trị của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên và xác lập quan điểm bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên là nhiệm vụ và là sự nghiệp của toàn dân, mọi tổ chức đều có trách nhiệm hưởng ứng và tham gia” - thạc sĩ Trần Văn Mùi nói.
“Ðể bảo vệ và phát triển rừng bền vững cần phải gắn với phát triển văn hóa. Vì, mỗi khi nhận thức cộng đồng đúng đắn sẽ làm nảy sinh tình cảm đẹp và sẽ có hành động tốt đối với rừng. Và, văn hóa chỉ phát triển mỗi khi đời sống kinh tế được nâng lên” - Ðó là kinh nghiệm thực tiễn mà ông Phan Sương, Phó Bí thư Huyện ủy Tân Phú (Ðồng Nai) chia sẻ với chúng tôi khi trao đổi về công tác quản lý, bảo vệ rừng ở VQG Cát Tiên. Theo ông Phan Sương, Tân Phú là một trong những địa phương giáp ranh với VQG Cát Tiên. Trước đây, tình trạng xâm hại rừng khá phổ biến, nhưng từ khi đời sống người dân được nâng lên, số hộ nghèo giảm, thì tình trạng xâm hại đến rừng của VQG Cát Tiên cũng giảm theo.
XUÂN LONG - TRỊNH CHU