Lẩn khuất đâu đó trong dãy Lang Biang huyền thoại là những đàn ngựa nhà được thả hoang như ngựa rừng.
Lẩn khuất đâu đó trong dãy Lang Biang huyền thoại là những đàn ngựa nhà được thả hoang như ngựa rừng.
Của để dành
Với Ju Bên, 45 tuổi, thôn Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương), ngựa là một phần đời của ông. Ngay từ nhỏ, ông đã biết đến ngựa. Tuổi thơ của ông cũng như bao cậu bé trong buôn người Lạch dưới chân núi Langbiang đều gắn chặt với ngựa. Hầu như nhà nào ở đây cũng nuôi ngựa, nhà nhiều lên đến vài chục con. Ngựa nuôi cứ việc thả vào rừng, như trả chúng về với thiên nhiên, tự tìm thức ăn tại các bãi cỏ trên sườn núi, tự sinh sản, khi cần mới vào lùa đàn về. Ngựa ở ngoài trời là chủ yếu nên chuồng ngựa tại các nhà dân nơi đây cho đến bây giờ vẫn khá đơn sơ, chỉ vài hàng cọc gỗ đóng xuống, buộc các thanh gỗ chắn ngang đủ để quây đàn ngựa lại. Ju Bên tập cưỡi ngựa từ nhỏ. Ngày còn nhỏ, Ju Bên thường cùng cha và anh mình vào rừng kiểm tra đàn ngựa nhà đang lang thang ở đâu đó, rồi cùng lùa ngựa về nhà khi có việc. Ông lân la với đàn ngựa, biết rõ tính nết từng con, biết con nào chạy nhanh, con nào có sức bền, con nào thường hục hặc với đàn, con nào dễ dạy...
|
Cưỡi ngựa lùa trâu về |
Ngày đó, khắp cả vùng cao nguyên Langbiang này làm gì có đường lớn, có ô tô, xe máy như bây giờ. Đi lại trên những con đường heo hút mùa mưa đất đỏ lầy lội trơn như mỡ này rất cần đến ngựa. Là “ngựa cỏ” như cách gọi ngày nay, ngựa của người Lạch vốn nhỏ con, thấp, nhưng cực kỳ dẻo dai, rất ít khi đau bệnh. Ngày nhỏ, Ju Bên từng nhiều lần cùng gia đình đưa ngựa ra Đà Lạt lang thang ngắm phố. Mùa lúa chín, cả nhà vào rẫy tuốt rồi chất lúa lên lưng ngựa thồ về. Không biết bao lần ông cùng mọi người trên lưng ngựa tìm trâu trong rừng - những con trâu nhà cũng được thả rông vào rừng sống đời hoang dã nên dữ như trâu rừng, có lúc chúng đi tận Đa Sar, Đa Chair cách đó cả vài chục cây số đường rừng. Cũng không ít lần ông cùng cha mình cưỡi ngựa vượt Cổng Trời vào thăm người thân trên đất Đam Rông.
Ngựa rất thân thiết với người, Ju Bên cho biết, bởi lẽ đó người Lạch ở đây không bao giờ ăn thịt ngựa. Là bạn với con người, ngựa cùng người chăm chỉ làm việc. Ngựa rất trung thành với người, những con ngựa thuần dù thả trong rừng hoang bao lâu cũng nhớ đường về nhà. Mỗi cá thể là một tính cách, muốn thuần phục được phải có thời gian. Cho đến nay, Ju Bên vẫn quen với cách cưỡi ngựa không yên của dân tộc mình, không cả dây cương, cứ phóc lên lưng ngựa, nắm bờm, chân thúc là đi. Ngựa cũng chẳng bao giờ được đóng móng. Khi ngựa chết được mang đi chôn.
Cho dù nay khi đường sá đã mở mang, đi đâu đã có xe máy nhưng người Cil, người Lạch dưới chân núi Langbiang vẫn nuôi ngựa, ngựa vẫn được thả rông như ngày trước. Tuy nhiên, số lượng ngựa trong đàn ngày càng giảm dần, từ cả nghìn con ngựa lúc trước, nay toàn vùng chỉ còn chừng vài trăm con. Những nhà nuôi nhiều như nhà Ka Điêc, người xã Lát, kề thị trấn Lạc Dương với đàn ngựa đến vài mươi con giờ toàn vùng chỉ còn tính trên đầu ngón tay, mỗi nhà nơi đây nuôi không đến chục con. Như Ju Bên chẳng hạn, từ đàn 20 con cách đây vài năm ông đã bán bớt, nay còn 6 con. “Đất đai giờ thu hẹp dần, chỗ nào cũng trồng trọt, đất dự án, rừng còn ít quá. Ngựa thả hoang đi lang thang bị người ta đuổi đánh hoài” - Ju Bên nhìn mông lung ra rừng. Ông cũng thả ngựa ra bãi đất ven rừng nhưng chiều chiều lại cho con trai lùa về nhốt cạnh nhà, dùng phân ngựa thu được trong chuồng để bón cho 6 sào cà phê.
Nuôi ngựa, theo Ju Bên, thật ra cũng có lời, ngựa ăn gì cũng được. Trung bình mỗi năm cứ mỗi con ngựa cái trong đàn lại đẻ một lứa, ngựa con 2 năm tuổi có giá chừng 6 - 7 triệu đồng, 3 năm tuổi trên 10 triệu đồng. Người mua ngựa đến từ nhiều nơi trong tỉnh như Đơn Dương, Di Linh…; có cả người từ tỉnh ngoài như dưới Khánh Hòa lên… Họ bảo mua về để thồ hàng. “Nuôi ngựa như của để dành trong nhà vậy, khi cần có thể bán lấy tiền. Con trai tôi cũng biết cưỡi ngựa” - Ju Bên khoe.
Ngựa làm du lịch
Nhưng dù không còn là phương tiện dành cho đi lại, vẫn có một cách khác để đàn ngựa nơi đây mang lợi về cho chủ nhân của nó hằng ngày: Đưa ngựa đi làm du lịch.
Ngựa làm du lịch không phải điều gì mới tại Đà Lạt. Thành phố trong rừng này khi người Pháp đến đã mang theo rất nhiều ngựa, có những trại ngựa lớn với những con ngựa to, cao, đưa từ châu Âu hoặc Trung Đông sang. Không chỉ dùng để chuyên chở, đi lại, ngựa còn là một môn thể thao, một phương tiện giải trí được nhiều người yêu thích. Các trại ngựa sau này được người Việt tiếp quản. Cho thuê ngựa để du khách cưỡi trong rừng, để du khách chụp hình chung với ngựa làm kỷ niệm cho chuyến đi lên miền ngược là một cái nghề được nhiều người Đà Lạt chọn mưu sinh. Cũng với cách làm này, khi điểm tham quan núi Langbiang được mở ra, nhiều chàng trai nơi đây đã đưa ngựa nhà của mình vào làm du lịch.
Nhưng trong khi các con ngựa ở Đà Lạt vốn cao, to, bộ lông dài, mượt với nguồn gốc nhập từ nước ngoài vào với dáng vẻ hùng dũng thì ngựa của người Lạch ở Lạc Dương lại nhỏ con, lông xám ngắn, trông chẳng bắt mắt chút nào. Nhưng bù lại, chúng leo núi cực giỏi, trong khi các chú ngựa cao, to mang vào đây rất khó xoay trở trên những con dốc. Nhằm cải tạo lại vóc dáng cho ngựa, nhiều nhà dân nơi đây đã cho phối giống ngựa cao lớn của Đà Lạt với đàn ngựa cỏ nhà mình. Trong các đàn ngựa nhà thả rông vào núi hiện nay đã xuất hiện những con ngựa lai khá cao. Tại khu du lịch dưới chân núi Langbiang hiện có một đội ngựa làm du lịch với trên 30 thành viên, đa số là người dân tộc thiểu số tại đây với những con ngựa lai như thế.
“Cũng sống được” - K’Truik, 27 tuổi, người Lạch ở thị trấn Lạc Dương, đội trưởng đội ngựa Khu du lịch Langbiang tươi cười. Cứ mỗi lần du khách lên lưng ngựa 10 nghìn đồng/ tấm hình, còn muốn thuê ngựa tự cưỡi hoặc dắt đi dạo lên đỉnh thì tính theo giờ. Mỗi ngày nếu du khách đông, người và ngựa nơi đây cũng kiếm được kha khá, nhất là trong dịp hè và tết. Ban đêm, các kỵ sỹ này còn kiêm thêm việc làm “nghệ nhân” tham gia múa hát cùng các đội cồng chiêng để trình diễn cho du khách xem. Thỉnh thoảng, K’Truik cùng các thành viên của đội còn được mời đến một số điểm du lịch tại Đà Lạt để biểu diễn cưỡi ngựa, mời tham gia các cuộc đua ngựa không yên theo truyền thống người Lạch, mời tham gia đóng phim có những cảnh cần đoàn cưỡi ngựa. Anh từng được mời xuống huấn luyện ngựa đua tại trường đua Phú Thọ khi trường đua này còn hoạt động; và hiện nay, K’Truik đang huấn luyện 1 con ngựa đua 10 tháng tuổi ngay tại nhà anh.
|
Du khách thuê ngựa vượt dốc lên đỉnh Lang Biang |
Là một người con của xứ Lạc Dương, từng ra tận Hà Nội đi học về văn hóa nghệ thuật rồi quay về sống tại buôn làng, K’Truik mừng vì thị trấn nơi anh chôn nhau cắt rốn đang được hiện đại hóa rất nhanh, đời sống cộng đồng người Lạch, người Cil nơi đây đang thay đổi từng ngày. Nhưng cũng như Ju Bên, trong sâu thẳm lòng mình, K’Truik có chút âu lo liệu mai này rồi quanh chân núi Langbiang và xứ sở Lạc Dương có còn những khu rừng hoang cho đàn ngựa nhà rong ruổi.
GIA KHÁNH