Đến với "phố" rừng Madagui

04:02, 16/02/2014

Tây Nguyên đang còn xuân, chợt nhớ đến vùng đất xưa kia là "nơi người Mạ dừng chân" - Khu Du lịch Rừng Madagui (cây số 152, Quốc lộ 20, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai), tôi cưỡi xe gắn máy, phóng một mạch từ TP Bảo Lộc tới đây. 

Tây Nguyên đang còn xuân, chợt nhớ đến vùng đất xưa kia là “nơi người Mạ dừng chân” - Khu Du lịch Rừng Madagui (cây số 152, Quốc lộ 20, thị trấn Mađaguôi, huyện Đạ Huoai), tôi cưỡi xe gắn máy, phóng một mạch từ TP Bảo Lộc tới đây. 
 
Đứng tại quầy lễ tân và đang phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh Khu Du lịch Rừng Madagui một lượt, thì ông Võ Ngọc Chuyển, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Sài Gòn - Madagui, xuất hiện. Đã từng làm báo 20 năm, nên phong cách cũng rất báo chí, ông đi thẳng vào vấn đề: “Anh đã tới đây lần nào chưa?”. Tôi thú thật: “Chưa từng một lần đến đây!”. Thế là, đích thân ông Tổng Giám đốc làm hướng dẫn viên “bất đắc dĩ” cho tôi. 
 
Chúng tôi vừa chạy xe máy qua cổng soát vé, đã gặp ngay Công viên Thần Núi, một khu vực rộng hơn 10ha. Ở chính giữa công viên là bức tượng Thần Núi uy nghi, cao 15m, rất ấn tượng. Rời khu Công viên Thần Núi, chúng tôi phải vượt cây cầu bê tông dài 120m, bắc ngang con sông Đạ Huoai. “Chiếc cầu bê tông này được xây dựng vào năm 2012, để thay thế cho chiếc cầu treo trước đó (xây dựng năm 2003), vì tải trọng nhỏ, các loại xe du lịch đặc dụng không thể qua được” - ông Võ Ngọc Chuyển giải thích. 
 
 Du khách tham quan hang động - Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Du khách tham quan hang động - Ảnh: BÙI TRƯỞNG
Dọc theo những con đường lát bằng đá chẻ, là những căn biệt thự sang trọng (từ 3 sao đến 5 sao), nằm ẩn mình dưới tán cây rừng. Khu biệt thự này có 27 phòng tập thể, mỗi phòng đặt 6 giường, sức chứa tầm 300 khách. Ngoài ra, nơi đây còn có thêm 82 phòng villa, 6 căn phòng cao cấp và 2 dãy nhà gồm 16 phòng, có hệ thống hồ bơi riêng. Cũng tại khu vực này, có thêm 2 nơi cắm trại, dã ngoại, với sức chứa hơn 2.000 người và hệ thống hồ bơi 3 tầng. Tiếp tục men theo những con đường đá chẻ dưới tán rừng, chiếc xe gắn máy đưa chúng tôi đến với Mê cung trận, rộng chừng 1ha. Thoát khỏi Mê cung trận là đến khu sưu tập vườn cây ăn trái 13ha, đủ các chủng loại trái cây nhiệt đới và kế bên là vườn sưu tập các loại tre, trúc có diện tích 1,6ha, với 37 giống tre khác nhau. Theo ông Võ Ngọc Chuyển, mục đích của vườn sưu tập cây ăn trái nhiệt đới và vườn rừng tre trúc là để du khách (nhất là học sinh, sinh viên) đến tham quan tìm hiểu, học tập, nghiên cứu.
 
“Thay vì đi biển, tại đây, du khách cũng có quyền lựa chọn chơi các trò chơi trên mặt nước, như: Câu cá, bơi thuyền hoặc đi mô tô nước, lướt ván... Còn không, du khách có thể bước sang hồ bên cạnh để thử cảm giác mạnh với việc câu cá sấu” - ông Chuyển vừa dừng xe ở hệ thống hồ nước hơn 2,4ha trong Khu Du lịch Rừng Madagui vừa cho hay. Cá sấu ở đây là loại cá sấu nước ngọt. Số lượng khoảng 100 con. Con to nhất nặng khoảng 400kg.  
 
Sau khoảng 45 phút len lỏi giữa rừng già, chúng tôi tạm nghỉ chân trước cổng hang Tử Thần. Ông Võ Ngọc chuyển cho biết: Tại Khu Du lịch Rừng Madagui có nhiều hệ thống hang động kỳ thú. Khi đến đây, du khách cần chuẩn bị thêm đèn pin, vì độ sâu của mỗi hang thường từ 10m - 15m, thiếu ánh sáng. Trong hang, các tảng đá xếp chồng chéo, đường đi vừa nhỏ hẹp vừa chênh vênh và có nhiều mỏm đá nhọn lởm chởm. Mỗi hang động ở đây đều mang theo một câu chuyện ly kỳ, huyền bí, như: Hang Thần Núi là nơi ngự trị của Yàng Ndu, hang Thầy - nơi ẩn cư của một đạo sĩ, hang Tiên lưu dấu vết tích những nàng tiên lạc bước xuống trần gian, hang Tung mang huyền thoại tình yêu của nàng chim thần với chàng trai người Mạ.
 
Chưa hết bàng hoàng với những câu chuyện liên quan đến các vị thần, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến Thiên Phúc Sơn Động. Phía trên hang Dơi, có nhiều hình tượng con dơi được khắc trên phiến đá lớn. Bên ngoài hang, có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni cao chừng 2m đang ngồi trầm tư, mặc tưởng. Chung quanh tượng Phật Thích Ca Mâu Ni là những hình tượng muông thú được chạm trổ tinh vi trên các phiến đá tự nhiên, như: Bò rừng, voi, sư tử, gấu, khỉ, hổ, lân, ly, quy, phụng, cá chép hóa rồng…
 
Khu Du lịch Rừng Madagui cũng là nơi hội tụ những trò chơi cảm giác mạnh, gồm: Chèo thuyền phao vượt ghềnh thác, đứng trong bong bóng nước, đu dây lơ lửng trên không băng qua dòng sông Đạ Huoai, leo núi cao, trượt cỏ, tập trận giả qua các trò chơi bắn súng sơn, đua xe đạp địa hình, câu cá sấu và còn có thể khám phá những loài thú đi hoang trong khu rừng có diện tích 13ha. 
 
Song song đó, tại Khu Du lịch Rừng Madagui, còn trưng bày các loại súng quân dụng, như: Đại liên, AK, M40, M30… và khu bắn súng thể thao quốc phòng. “Ngoài việc chú trọng đầu tư, xây dựng thêm các hạng mục cần thiết, đầy đủ tiện nghi, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu nghỉ ngơi của du khách, chúng tôi còn cố gắng không để phá vỡ không gian tự nhiên và hệ sinh thái rừng. Đến nay, tổng số tiền mà chúng tôi bỏ ra là gần 400 tỷ đồng. Vì vậy, trong năm 2013, có gần 250 ngàn du khách gần xa đã đến Khu Du lịch Rừng Madagui. Chỉ tính riêng trong 8 ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 vừa qua, đã có hơn 20 ngàn khách đến tham quan, vui chơi, giải trí tại đây”- ông Tổng Giám đốc nói.
 
Lúc tạm biệt “phố” rừng Madagui, tôi gặp và trò chuyện với chị Hoàng Thị Hương, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh. Chị tâm sự: “Trải nghiệm ở đây thật tuyệt, vừa có cảm giác phố lại vừa có cảm giác rừng!”. Còn anh Nguyễn Viết Bảo (đến từ Đồng Nai) kỳ vọng: “Nếu Quốc lộ 20 được nâng cấp, cải tạo xong và đường cao tốc Sài Gòn - Dầu Giây hoàn thành, thì từ Sài Gòn lên đây chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Lúc đó, tôi sẽ chọn Khu Du lịch Rừng Madagui làm điểm nghỉ ngơi cuối tuần thường xuyên cho gia đình”.
 
TRỊNH CHU