Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà. Trong những nỗ lực ấy, có sự hợp tác, liên kết với các địa phương, các trung tâm du lịch trọng điểm trong vùng và cả nước, như: Tp. HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên…
Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng có rất nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch tỉnh nhà. Trong những nỗ lực ấy, có sự hợp tác, liên kết với các địa phương, các trung tâm du lịch trọng điểm trong vùng và cả nước, như: Tp. HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên…
|
KS Sài Gòn - Đà Lạt là thành quả hợp tác giữa Lâm Đồng và Tp.HCM về du lịch |
Trong nỗ lực liên kết ấy, diện mạo Đà Lạt có những thay đổi đáng kể là các khách sạn, các khu du lịch “có tầm” xuất hiện và đi vào hoạt động, như: KS Sài Gòn - Đà Lạt, Sammy, Blue Moon…; KDL Đam Bri, KDL Làng Cù Lần, KDL hồ Tuyền Lâm… Trong nỗ lực liên kết ấy, có sự cố gắng rất lớn của lãnh đạo, công chức và các doanh nghiệp du lịch của tỉnh nhà. Ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá: “Ngành du lịch Lâm Đồng làm việc với tinh thần trách nhiệm rất lớn. Thường, các liên kết về du lịch sau khi được ký thì mạnh ai nấy làm. Nhưng Lâm Đồng, định kỳ có sơ kết, tổng kết, tìm ra những ưu điểm, khuyết điểm, những mặt làm được, những điểm chưa làm được, rút kinh nghiệm, tìm giải pháp, định hướng…”.
Tuy nhiên, tất cả những điều ấy dường như là chưa đủ để ngành du lịch Lâm Đồng có những cải thiện đáng kể, phát triển sâu - rộng - mạnh mẽ hơn. Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành cả nước về “Cải thiện môi trường du lịch” do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chủ trì (tháng 6/2013) có sự tham dự của đại diện hầu hết các bộ ngành, đã khẳng định rằng hoạt động du lịch liên quan đến tất cả các hoạt động văn hóa - chính trị - kinh tế - xã hội… nhưng, ở Lâm Đồng, trong các cuộc họp do ngành du lịch tổ chức, hoặc do tỉnh chủ trì về du lịch, có rất ít sự xuất hiện của các ban ngành khác. Những vấn đề không thuộc phạm vi xử lý của ngành du lịch, lại luôn được phản ánh như một hiện tượng của du lịch, như: vệ sinh môi trường, giá cả, hàng giả, chậm tiến độ… KDL hồ Tuyền Lâm được kỳ vọng là KDL nghỉ dưỡng, sinh thái, nhưng sau 10 năm hoạt động, có 38 dự án đăng ký đầu tư, chỉ có 1/10 dự án đi vào hoạt động. Ngoài nguyên nhân do khó khăn chung của tình hình kinh tế, khiến nhà đầu tư không đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án, thì theo Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa: “Là do những khó khăn của tỉnh: thủ tục lâu, hạ tầng chưa bảo đảm, lúng túng trong tầm nhìn, suy nghĩ, thậm chí cả trong chỉ đạo khiến sự phối hợp rất khó khăn”.
Ở góc độ truyền thông, chúng tôi nhận thấy, chính sự phối hợp chưa đồng bộ mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã thẳng thắn nhìn nhận, tạo nên những bất cập trong sự vận hành của bộ máy chính quyền nói chung và trong giải quyết từng vấn đề xã hội nảy sinh, chứ không chỉ riêng ngành du lịch. Còn với ngành du lịch Lâm Đồng, đơn cử như với truyền thông, theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch: Nói về phát triển du lịch không thể nào thiếu truyền thông. Truyền thông góp phần thúc đẩy và nâng cao hình ảnh của du lịch. Nhưng, vì chưa có sự phối hợp tốt, nên thời lượng, dung lượng mà báo chí dành cho du lịch ít quá, trong khi du lịch Lâm Đồng luôn được coi là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Thời gian qua, môi trường du lịch Lâm Đồng có những hiện tượng được báo chí nêu, tạo ra dư luận không tốt cho du khách. Bà Hoàng Thị Điệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trong một tọa đàm về du lịch tại Lâm Đồng đã phát biểu: “Báo chí thấy du lịch Lâm Đồng như một cô gái đẹp nên cứ trêu ghẹo”… Còn bà Đàm Thị Thọ (Cty Du lịch Phượng Hoàng - Hà Nội) sau khi đi thực tế và tham quan một số điểm du lịch ở Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên cho rằng: Du lịch Đà Lạt hay Tây Nguyên rất thú vị, chỉ cần giữ được nét hoang sơ, dân dã là đã thu hút khách rồi. Mà giữ nét hoang sơ, dân dã, đồng nghĩa với việc sẽ phải chấp nhận nhiều thứ, chẳng hạn như những con đường đi rồi để… nhớ mãi… Thiết nghĩ, để có được sự đồng bộ, các mắt xích trong một mối liên kết nên ngồi lại cùng nhau để đạt được những thỏa thuận hữu ích. Ví dụ, trong việc liên kết với truyền thông để phát triển du lịch hiệu quả, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đề xuất nên có văn bản ký kết với nhau, định kỳ ngành sẽ cung cấp thông tin cho báo chí, còn báo chí xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, diễn đàn… về các vấn đề, sự kiện… của ngành. Tức là, để phối hợp tốt thì truyền thông và ngành phải gắn bó với nhau. Khi ngành có những chương trình muốn hợp tác, truyền thông phải có đủ điều kiện cả về con người và trang thiết bị… để sẵn sàng phối hợp…
LÊ HOA