Ngoài dựa vào lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên phú, Lâm Đồng còn ẩn chứa tiềm năng rất phong phú để phát triển du lịch gắn với quảng bá văn hóa bản địa; đặc biệt du lịch làng nghề…
Hiện nay, Lâm Đồng hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đẩy mạnh phát triển du lịch - đây là tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngoài dựa vào lợi thế khí hậu, cảnh quan thiên phú, Lâm Đồng còn ẩn chứa tiềm năng rất phong phú để phát triển du lịch gắn với quảng bá văn hóa bản địa; đặc biệt du lịch làng nghề…
|
Nghề thêu tranh ở Đà Lạt, Lâm Đồng cũng được du khách quan tâm |
Làng nghề - giá trị văn hóa
Có thể nói, lịch sử hình thành Lâm Đồng gắn liền với quá trình di dân và ngụ cư của nhiều tỉnh, thành trong cả nước hơn một thế kỷ qua.Hiện nay, Lâm Đồng có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống thuận hòa. Trong quá trình sống đan xen, văn hóa của cư dân các vùng miền có sự “tiếp thu có chọn lọc”, giao thoa với văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa có nguồn gốc lâu đời như: K’Ho, Mạ, Churu… tạo cho Lâm Đồng có một nền văn hóa khá phong phú, đa dạng. Song, bên cạnh sự giao thoa, tiếp biến ấy, mỗi cộng đồng dân cư, mỗi dân tộc vẫn giữ bản sắc văn hóa rất riêng của mình.Đây chính là vấn đề cốt lõi để hình thành, lưu giữ và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn.
Theo thống kê, hiện nay trong toàn tỉnh có 41.708 cơ sở ngành nghề nông thôn, mỗi năm thu hút trên 200 ngàn lao động. Đặc biệt, có 24 làng nghề (trong đó, 18 làng nghề truyền thống) nằm ở các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số và trong nhân dân tại các xã, phường, thị trấn, thu hút trên 4.000 hộ với khoảng 7.000 nghệ nhân, lao động tham gia. Thời gian qua, UBND tỉnh công nhận 8 làng nghề được đạt tiêu chí Làng nghề truyền thống và 1 nghề truyền thống. Trong đó, 3 làng nghề nông nghiệp có truyền thống sản xuất hoa lâu đời và nổi tiếng trên địa bàn TP. Đà Lạt: Làng nghề hoa Thái Phiên (Phường 12); Làng nghề hoa Hà Đông (Phường 8);Làng nghề hoa Vạn Thành (Phường 5) và 5 Làng nghề phi nông nghiệp: Làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm thôn BnerC (xã Lát, huyện Lạc Dương); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà); Làng nghề dệt thổ cẩm thôn Đạ Nghịch (xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc); Làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Buôn Go và Làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dạy nghề đan lát khu phố 6 thị trấn Đồng Nai (huyện Cát Tiên); nghề truyền thống là nghề dệt thổ cẩm thôn 4, xã Phù Mỹ (huyện Cát Tiên) được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận trong năm 2013. Ngoài ra, còn có hàng chục làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ như: mây tre, đan lát, dệt thổ cẩm, làm gốm sứ, đúc nhẫn bạc, đan len, làm rượu cần…nằm rải rác ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đã và đang được giữ gìn, phát triển.
Quá thiếu sót nếu hiểu làng nghề (và các làng nghề truyền thống) thuần túy chỉ là nơi sản xuất sản phẩm để trao đổi, bán mua kiếm sống! Mà giá trị đích thực của nó là giá trị của quá trình lao động, sáng tạo và sự gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của từng cộng đồng dân cư, từng tộc người. Bởi sản phẩm của các làng nghề là sản phẩm văn hóa, mang giá trị văn hóanên nó cần được lưu giữ và quảng bá.
Cần phát triển du lịch làng nghề
Có thể thấy, “chất liệu” và nguồn “nguyên liệu tại chỗ” của Lâm Đồng rất phong phú và đa dạng đủ điều kiện để phát triển một loại hình du lịch mới đang là xu thế thu hút đông đảo du khách, nhất là khách nước ngoài - du lịch làng nghề. Thực tế những năm gần đây, trong các dịp Festival Hoa Đà Lạt, hay các ngày lễ lớn, đông đảo du khách trong và ngoài nước đã tìm đến các làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, các làng hoa nổi tiếng của Đà Lạt…để tham quan, nghiên cứu. Đối với Lâm Đồng,ngoài chú trọng phát triển du lịch - mũi nhọn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đây còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn hóa thông qua sản phẩm văn hóa từ các làng nghề của đồng bào các dân tộc bản địa và nhân dân địa phương.
Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2011 – 2015đã nêu:“Chú trọng khai thác lợi thế cạnh tranh về tiềm năng cảnh quan, môi trường, khí hậu để phát triển du lịch…Có cơ chế thích hợp và điều kiện để đầu tư khôi phục và phát triển các làng nghề, các hoạt động, sinh hoạt văn hóa truyền thống để phát triển loại hình du lịch văn hóa, đồng thời gắn với bảo tồn các vốn văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa”.
Đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2014 - 2016, định hướng đến năm 2020. Nội dung đề án tập trung hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch của địa phương với mục tiêu nhằm bảo tồn, giữ gìn và phát triển các làng nghề truyền thống và nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông thôn trong toàn tỉnh.Theo đề án, đến năm 2016 Lâm Đồng sẽ khôi phục, phát triển tăng số lượng làng nghề trong toàn tỉnh lên 33 làng nghề; trong đó, tập trung đầu tư phát triển 12 làng nghề gắn với du lịch. Trong giai đoạn 2014-2016, tỉnh sẽ đánh giá để lựa chọncác làng nghề ở các huyện:Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Đam Rông, TP.Đà Lạt và Bảo Lộc để phát triển 8 làng nghề trở thành các điểm du lịchvà phát triển 4 làng nghề dọc theo các tuyến Quốc lộ 20, 27 vàcác tỉnh lộ 722, 725…
THANH DƯƠNG HỒNG