Đồ săn voi của Vua voi vào Bảo tàng

03:03, 26/03/2014

"Tôi muốn những bảo vật trong gia đình được đưa vào bảo tàng để giới thiệu với công chúng, chứ để nhà mãi cũng mục nát, hư hỏng, chưa kể bị mất…". 

“Tôi muốn những bảo vật trong gia đình được đưa vào bảo tàng để giới thiệu với công chúng, chứ để nhà mãi cũng mục nát, hư hỏng, chưa kể bị mất…”. Đó là những ý nguyện của ông Khăm Phết Lào, con trai của “Vua voi” Ama Kông, khi trao cho Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bộ dụng cụ bắt voi rừng đã gắn bó với gia đình ông từ nhiều năm nay.
 
Lễ hội đua voi
Lễ hội đua voi
 
Bộ dụng cụ bắt voi bao gồm roi mây, dây bảo hiểm cho thợ bắt voi, gậy điều khiển voi, búa, tù và, ống tre đựng nến, sáp ong…, các loại vòng da, vòng mây, vòng cùm gai tròng cổ voi rừng, da trâu phủ lưng voi…
 
Bộ dụng cụ gồm khoảng 20 hiện vật, trong đó, gồm cả các hiện vật sử dụng trong thực hành tín ngưỡng và phục vụ cho đời sống sinh hoạt của nhóm người đi bắt voi. Các dụng cụ này được chế tác từ nguyên liệu thiên nhiên như tre, mây, da trâu, sáp ong rừng… Sau khi làm thịt những con trâu lớn, người ta căng da chúng ra trên một mặt phằng, rồi xén theo những đường vòng tròn đồng tâm, từ đó có được một sợi dây da liền mạch. Nhiều sợi dây như thế được vuốt bằng chính mỡ trâu cho mềm ra, rồi bện lại với nhau thành những cuộn dây dài sử dụng khi bắt voi.
 
Tính theo niên đại, bộ dụng cụ này có rải rác từ hồi cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, gắn liền với cụ Khun Ju Nốp, người Mnông, là người tổ chức chế tác các công cụ để bắt và thuần dưỡng voi rừng. Sau đó, nghề thuần dưỡng voi và các bộ dụng cụ này được truyền tiếp cho Ama Kông, là con rể nuôi của cụ. Ông Ama Kông đã trở nên nổi tiếng và được phong danh hiệu Vua voi sau khi bắt được con voi trắng và dân tặng cho vua Bảo Đại thời bấy giờ. Con voi được vua Bảo Đại tặng cho vua Thái-lan, và sau đó vua Thái-lan đã ban tặng danh hiệu Vua voi cho Ama Kông.
 
Trong cuộc đời của mình, Ama Kông đã bắt và thuần dưỡng được tới gần 300 con voi. Nghề săn bắt voi cũng đã được truyền lại cho các con trai của ông, bên cạnh bài thuốc tăng cường sinh lực nổi tiếng mang tên chính ông. Bản thân ông Khăm Phết Lào, một trong số các con trai của Ama Kông, hồi nhỏ cũng từng theo cha đi săn voi rất nhiều lần, và cũng rất nhiều lần gặp voi rừng, nhưng chưa bao giờ bắt được voi cả.
 
Ông Khăm Phết Lào nói: “Nhiều năm nay, do quy định cấm săn bắt động vật hoang dã của Nhà nước, gia đình không còn ai theo nghề bắt voi nữa, chỉ còn giữ mỗi nghề làm thuốc”. Các bộ hiện vật không còn được sử dụng mà chỉ giữ trong nhà qua năm tháng.
 
Ông Khăm Phết Lào cho biết, gia đình ông hiện còn ba bộ dụng cụ săn bắt voi như thế này, nhưng riêng bộ đem tặng cho Bảo tàng Dân tộc học là còn đầy đủ và nguyên vẹn nhất. Hai bộ còn lại đã bị mất mát ít nhiều, hiện đang được trưng bày trong ngôi nhà cổ của gia đình tại bản Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đác Lắc.
 
Bộ sưu tập hiện vật, dụng cụ săn bắt và thuần dưỡng voi phần nào phản ánh một cách sinh động về vị trí, vai trò của voi trong đời sống, văn hóa của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mặc dù chưa đầy đủ. Sau này, khi đã sưu tập đầy đủ những hiện vật liên quan đến truyền thống này, Bảo tàng sẽ giới thiệu rộng rãi đến công chúng.
 
Ông Khăm Phết Lào bày tỏ: “Nghề săn bắt và thuần dưỡng voi đã gắn bó với cả một quá trình lịch sử của gia đình chúng tôi. Nay chúng tôi muốn thông qua bảo tàng, mọi người có thể hiểu và hình dung được phần nào cuộc sống gắn bó với con voi của người Mnông, cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên”.
 
TS (Theo Báo Nhân Dân)