Du lịch làng hoa vẫn còn rời rạc và manh mún

04:03, 06/03/2014

(LĐ online) - Rời rạc, manh mún, không hiệu quả… là đánh giá của ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Lang Biang về du lịch làng hoa tại thành phố hoa. 

(LĐ online) - Rời rạc, manh mún, không hiệu quả… là đánh giá của ông Trần Huy Đường - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Lang Biang về du lịch làng hoa tại thành phố hoa. 
 
Thấy lợi nhưng không ai mặn mà
 
Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng hai ngành thế mạnh của Đà Lạt là du lịch và nông nghiệp, vẫn mạnh ai nấy làm chưa có sự kết hợp hiệu quả. Nông dân chủ yếu sản xuất hoa để bán. Các công ty du lịch chỉ khai thác tour dựa trên những cảnh quan, địa điểm du lịch được quy hoạch sẵn. 
 
Theo ông Võ Đình Dị - Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 (Đà Lạt), mục đích cuối cùng của nông dân là kinh tế, cái họ quan tâm là lợi nhuận. Nếu hợp tác với các công ty du lịch, họ phải chắc chắn sinh lời hơn hiện tại họ mới sẵn sàng tham gia. Đối với hầu hết người nông dân trồng hoa ở Đà Lạt câu chuyện du lịch là của các công ty và chính quyền.
 
Du lịch làng hoa, cái lợi nó mang lại đơn vị nào cũng thấy, nhưng chưa ai bắt tay vào làm chuyên sâu. Còn ông Trần Huy Đường cho rằng, nguyên nhân do việc trồng hoa hiện nay cũng hoàn toàn tự phát. Những dịp quan trọng như Festival hoa, tại các làng hoa cũng chỉ làm cổng chào, một vài đường hoa, chọn một số hộ nông dân để giới thiệu cho khách tham quan, nông dân không thu được lợi ích gì. Chính quyền địa phương chưa có chính sách cụ thể, hỗ trợ đầu tư về mặt chính sách pháp lý cũng như những cơ sở hạ tầng cần thiết cho du lịch tại đây nên kéo theo việc không có công ty nào mạnh đạn dầu tư vào và tất nhiên người dân lại càng không quan tâm. Những điều kiện hiện tại ở các làng hoa về cả yếu tố sản phẩm hoa, con người và cơ sở vật chất đều hoàn toàn chưa đáp ứng được để phát triển loại hình du lịch này.
 
Ảnh minh họa: internet
Ảnh minh họa: internet
 
Anh Phạm Hoài Nam – Quản lý Công Ty TNHH Dịch Vụ Du Lịch Hành Trình Việt Đà Lạt đánh giá, muốn kết hợp du lịch và nông nghiệp hiệu quả thì chỉ có thể tổ chức dưới dạng du lịch nông nghiệp. Nhưng theo anh Nam, hiện tại Đà Lạt chưa đủ điều kiện phát triển loại hình du lịch này.
 
Lý giải về điều này, ông Phạm Ngọc Thơ – Chuyên viên du lịch, Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Đà Lạt đưa nhận định, mọi khó khăn hiện tại của địa phương đều do thiếu vốn. Hiện tại các làng hoa chưa đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu cho du lịch như giao thông, thông tin dịch vụ, an ninh, nước, con người…địa phương không đủ sức đầu tư đồng bộ có chiều sâu cho chất lượng các dịch vụ nên chưa thu hút đầu tư. Để đáp ứng đủ điều kiện cho loại hình này, cần có sự hỗ trợ thêm từ nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ và quan trọng nhất chính là đầu tư của các doanh nghiệp. Tuy nhiên địa phương chưa đủ tầm để liên kết, kêu gọi đầu tư nên cần có sự hỗ trợ từ các cấp cao hơn.
 
Làm gì để phá vỡ sự bế tắc?
 
Nếu muốn đưa hình thức du lịch này làm chiến lược phát triển dài hơi, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc- PGD Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho rằng: “Cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước, địa phương; đầu tư của doanh nghiệp; sự hợp tác của người dân. Chính quyền có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, làm thông suốt tư tưởng cho người nông dân. Doanh nghiệp và người nông dân phải là một tập thể hợp tác kinh doanh tự nguyện, có sự phân chia trách nhiệm và lợi ích hài hòa. Ông Trần Huy Đường cũng nhận định, nòng cốt vẫn phải là chính quyền địa phương, ngoài kết nối nông dân với doanh nghiệp còn hỗ trợ người dân về mặt pháp lý, kỹ năng làm du lịch và quảng bá. Nông dân và doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng thông qua hợp đồng cam kết, phân chia quyền, trách nhiệm và lợi nhuận hợp lý. 
 
Theo ông Đường nhất thiết phải có một ban quản lý ngay tại làng hoa, có sự tham gia của đại diện hai bên. Ban quản lý này phụ trách tất cả các mặt chiến lược, hồ sơ, tài chính… có thể vận hành như một hợp tác xã. Ban quản lý làm nhiệm vụ nhận khách, dẫn khách, thuyết minh giới thiệu và chuẩn bị sản phẩm, đây là lực lượng nắm bắt toàn bộ tình hình của làng hoa để có sự sắp xếp điều động hợp lý. Người dân nên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho nhau, giúp đỡ nhau tạo hình ảnh chung cho làng hoa. Doanh nghiệp cần xác định mức độ và loại hình cụ thể, để phù hợp với năng lực của mình và nông dân. Mặt khác người nông dân cần có sự phân bố trong sản xuất cho các vườn hoa gối đầu nhau tạo sự hài hoa trong buôn bán và du lịch. Để đi vào vận hành hiệu quả loại hình này mất khá nhiều thời gian nên những đơn vị tham gia cần có các kế hoạch ngắn hạn (1 hoặc 2 năm) và các kế hoạch dài hạn (4 hoặc 5 năm) để lấy lợi trước mắt kiến thiết mục tiêu lâu dài. 
 
Chính quyền và các đơn vị tham gia nên đánh giá thường xuyên trên tất cả các mặt để có kế hoạch khắc phục sớm không để lại hậu quả gì nghiêm trọng về các tác động tới môi trường, kinh tế, xã hội… Ban quản lý tại làng hoa cần xác định được khách hàng mục tiêu, chú ý tới cả khách nội địa và khách quốc tế để trách tình trạng mùa vụ trong du lịch. 
 
Ý kiến chung của nhiều người đều cho rằng, một khi nhà nước làm “bà đỡ”, doanh nghiệp và nông dân có sự hợp tác đầu tư chặt chẽ, chiến lược rõ ràng thì du lịch làng hoa mới có thể phá vỡ thế bế tắc, trở thành một loại hình du lịch hấp dẫn.
 
Ngọc Ngà