Huế với tôi đã khá nhiều lần đi qua, nhưng lưu lại thì những ngày cuối tháng 3 năm nay là lần thứ 3 trong đời mình. Dẫu vậy, khi được dịp mỗi lần thoáng gặp Huế, bỗng chốc những dòng nhớ ngập tràn trong tôi…
Huế với tôi đã khá nhiều lần đi qua, nhưng lưu lại thì những ngày cuối tháng 3 năm nay là lần thứ 3 trong đời mình. Dẫu vậy, khi được dịp mỗi lần thoáng gặp Huế, bỗng chốc những dòng nhớ ngập tràn trong tôi…
|
Nhà cổ Phước Tích |
Đồng nghiệp của tôi đã có một thời tuổi trẻ ở Đà Lạt, nay đã trở về Huế gần 15 năm nay, anh nói: “Huế vào tháng 3 âm lịch, không khí cũng gần giống Đà Lạt, mát dịu và chầm chậm…”. Đúng là hồi chiều hôm đầu đến Huế, đã thấy con gái, con trai chưng diện nhiều áo khoác thời trang ra phố, đông vui mà không ồn ào, náo nhiệt như những đô thị công nghiệp khác của xứ nóng đồng bằng. Đây rồi những dãy phố rợp bóng cây phượng vĩ, những căn nhà xây mới cao cao, khang trang bên tán lá cây long não, gọi lòng mình cất lên những ca từ tha thiết yêu thương của người nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh: “…Đường phượng bay mù không lối vào/ Hàng cây lá xanh gần với nhau…” và “…Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu…”.
Khách sạn nơi tôi ở bên dòng Hương Giang, tiện nghi 4 sao với những hàng cây, lá cỏ, giàn hoa, bể bơi… phối cảnh hài hòa theo kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn không thể thiếu những cội cây long não mà nhỡ vô tình ngắt một chiếc lá thôi, cũng đủ thơm tho cho những ngón “tay măng trôi trên vùng tóc dài…”. Đêm ở khách sạn trung tâm phố Huế chốn này thật yên tĩnh, đến sớm ban mai tỉnh giấc đã thấy sương giăng huyền ảo trên khắp ngả đường ven sông Hương. Cũng trong lúc đêm về, những tình khúc “bốn mùa yêu thương” ở vườn Cơ Hạ đã mê đắm hàng trăm người xem với tâm hồn gần như lắng lại mà thăng hoa vời vợi. Được xây dựng giữa một không gian thiên nhiên thu nhỏ trong kinh thành với hồ sen, lầu gác, cây lá và hoa… từ gần giữa thế kỷ 19, đến nay được tôn tạo lại, trở thành một điểm hẹn đêm đêm của tao nhân, mặc khách và những người yêu thích những nhạc phẩm vượt thời gian. Đêm đầu tiên giữa lung linh khói sương ngân lên một giai điệu trầm trầm, nhè nhẹ; một tà áo tím thoảng bay bay làn gió qua chiếc cầu bán nguyệt… với tôi như cả một khung trời nhớ nhớ quanh quất đâu đây, có thể là những hồi ức, kỷ niệm, nhưng cũng có thể là những xao động một thời đã qua mà không bao giờ trở lại nữa…
Thêm một ngày tôi được về làng cổ Phước Tích cách trung tâm phố Huế 45km, nằm giữa ranh giới Huế với tỉnh Quảng Trị. Cung đường làng uốn khúc quanh quanh, phác họa lên những vòng chữ S cho tôi lạc vào một miền thượng uyển dân dã, ấm cúng. Ngôi miếu bên cây thị năm trăm tuổi vẫn còn đây, cây lá xanh tươi phủ dày bên thân cây sần sùi, bám đầy rêu phong. Bất ngờ gặp cụ bà Lương Thanh Thị Hén, 98 tuổi, người gốc ở làng cổ Phước Tích vẫn ngày ngày hết cầm chổi quét dọn sân vườn đến chống gậy thăm chơi nhà của xóm giềng xung quanh. Nụ cười cụ bà hiện lên những đường nhăn nheo của một đời người chân chất sống thủy chung nơi quê nhà. Thấy nhiều người chụp hình, cụ bà nói giọng run run hiền lành: “Chụp xong, nhớ tặng cho tấm hình hỉ!”. Từ đầu ngõ nhìn ra phía sau lưng cụ bà, hai hàng rào cây chè cổ được cắt tỉa thẳng hàng, sánh bước song đôi vào đến cửa chính căn nhà. Rồi nhìn đường phân chia từ ngôi nhà này đến ngôi nhà kia cũng là những hàng rào bằng cây chè tươi vuông vức, đều đặn. Và tất cả những hàng rào cây xanh của ngôi làng cổ Phước Tích chắc cũng đã hàng trăm năm tuổi, hợp thành những đường nét nhấn xanh tươi trường tồn bên dòng sông Ô Lâu bao bọc, quanh năm xanh biếc như ngọc…
Ở làng cổ Phước Tích, cụ bà Lương Thị Bê, một nghệ nhân đồ gốm nay đã 78 tuổi, được cánh phóng viên chớp máy hàng trăm lượt, trong đó có tôi. Qua đôi tay gân guốc của bà vuốt mềm trên mỗi vắt đất sét trên trục xoay tròn, hàng ngày cho ra hàng loạt những sản phẩm gốm mỹ nghệ khá đặc trưng của làng cổ như ấm chén, nồi niêu, chum, vại, lu… Dẫu kinh tế thị trường đang lúc cạnh tranh khắc nghiệt, phải chật vật để tìm đường bán ra, nhưng lợi thế ở hàng gốm làng cổ Phước Tích mà không nơi nào sánh được chính là nét hồn quê cố đô. Du khách sẽ được trở về hình dung một thời kỳ quá vãng của vương triều sơn son thiếp vàng, nhưng vẫn chọn lựa phần lớn sản phẩm gốm Phước Tích để chế biến các món ăn sơn hào hải vị cho vua, quan và cung tần mỹ nữ trong triều đình…
Với riêng Hương Giang, tôi đã có trọn một buổi chiều du thuyền trên mặt nước phẳng lặng như gương soi. Trên đường thuyền, tôi được cập bến, bước lên Điện Hòn Chén (Điện Huệ Nam) và Chùa Thiên Mụ để dâng hương ngưỡng vọng. Một trong hai chốn này, 16 năm trước đã lưu dấu bước chân của tôi đến nguyện cầu cho mọi sự bình an. Giờ đây, lời xưa đã linh nghiệm dù đời đã sang “tuổi gió heo may”, tôi vẫn gửi Huế một ngày hẹn trở lại…
VĂN VIỆT