(LĐ online) - Gần bốn mươi năm xa quê hương, từng sống, làm việc và thành công ở nhiều nước nhưng với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chủ tịch HĐQT Công ty Làng Bình An. Làng Du lịch Bình An Đà Lạt là công trình tâm huyết của bà khi đã gần bước sang năm thứ 70 của cuộc đời.
(LĐ online) - “Đà Lạt không phải nơi tôi sinh ra nhưng mảnh đất này luôn lôi cuốn tôi. Đã có một thời gian dài sống và yêu Paris, nên tôi muốn làm một cái gì đó ở Việt Nam nhưng mang màu sắc Pháp. Và chỉ ở Đà Lạt tôi mới có thể kiến thiết công trình tâm huyết của đời mình mang trọn hai tình yêu Việt - Pháp”. Gần bốn mươi năm xa quê hương, từng sống, làm việc và thành công ở nhiều nước nhưng với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Chủ tịch HĐQT Công ty Làng Bình An. Làng Du lịch Bình An Đà Lạt là công trình tâm huyết của bà khi đã gần bước sang năm thứ 70 của cuộc đời.
|
Một góc Làng Bình An. Ảnh: Phan Nhân |
Tìm về …
Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, 16 tuổi, bà Tuyết Mai đi du học chuyên ngành Kinh tế tại Trường Đại học American University (Mỹ). Năm 1971 bà qua Pháp và làm việc cho hãng sản xuất linh kiện máy bay nổi tiếng tại đây. Qua nhiều lần thất bại nơi đất khách, nhờ nghị lực và những cống hiến hết mình trong công việc, bà Mai trở thành phó tổng giám đốc của hãng này. Năm 1980, bà chuyển sang Singapore làm việc và lập công ty sản xuất, gia công linh kiện điện tử chuyên cung cấp hàng linh kiện điện tử cho hãng máy bay bên Pháp. Thành công trên đất khách, nhưng trong lòng người con gái miền Nam xa xứ vẫn không nguôi mong muốn trở về.
Sau gần 30 năm xa quê hương, bà Mai trở về mảnh đất Sài Gòn. Tại quê nhà bà đã thành lập và làm Chủ tịch HĐQT công ty sản xuất điện và điện tử Bình Sơn chuyên phân phối thiết bị điện và gia công linh kiện điện tử xuất sang Pháp. Đồng thời, bà Tuyết Mai còn chuyển hướng qua kinh doanh khu du lịch nghỉ dưỡng. Không muốn đi theo những mô típ bình thường, ngoài kinh doanh bà Mai còn muốn xây dựng những làng du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, đem lại cho bà và tất cả những ai tới đây, nhất là người Việt xa xứ cảm giác Bình An. Đó là lý do bà xây dựng những ngôi làng đặt tên Bình An ở Sài Gòn (1992) và Vũng Tàu (1996) với những căn nhà cổ theo kiến trúc Nam bộ xưa, được phục dựng nguyên sơ như những ký ức quê hương mà bà Mai từng có trong quá khứ. Làng Bình An đã nhận được giải thưởng điểm du lịch chất lượng và sự kết hợp các chất liệu thiên nhiên do tạp chí Design của Thời báo Kinh tế Việt Nam bình chọn.
Ký ức tuổi thơ đã được phục dựng gần như vẹn nguyên ở Làng Bình An Sài Gòn và Vũng Tàu, nhưng đó vẫn chưa phải là bến mơ cuối cùng để trở về, bà Mai tâm sự: “Đà Lạt không phải nơi tôi sinh ra nhưng mảnh đất này luôn lôi cuốn tôi vô cùng. Đã có một thời gian dài sống và yêu Paris, nên tôi muốn làm một cái gì đó ởViệt Nam nhưng mang màu sắc Pháp. Và chỉ ở Đà Lạt tôi mới có thể kiến thiết công trình tâm huyết của đời mình mang trọn hai tình yêu Việt – Pháp”. Năm 2003, khi tỉnh Lâm Đồng kêu gọi đầu tư vào khu vực hồ Tuyền Lâm, bà Mai đầu tư xây dựng Làng Bình An Đà Lạt.
|
Những mái nhà Rông cách điệu ẩn hiện trong sương mù. Ảnh: Phan Nhân |
Chốn Bình An
Làng Bình An Đà Lạt được cấp phép đầu tư trên diện tích gần 9ha, đã được thực hiện trên một nửa diện tích gồm có 5 villa dành cho khách nhóm hoặc gia đình, 10 phòng khách sạn và 1 nhà hàng. Tuy nằm giữa rừng thông nhưng mật độ cây thông ở đây khá thưa, việc bà Mai chọn nơi này làm khu nghỉ dưỡng nhằm mục đích hạn chế việc đốn cây, và thuận lợi cho việc trồng hoa bởi khó có loài hoa nào sống nổi dưới mủ cây thông. Làng Bình An Đà Lạt có thể coi là tác phẩm cuộc đời của bà Mai nên chính bà là người lên ý tưởng thiết kế cùng sự hỗ trợ của các kiến trúc sư. Bà Mai yêu cầu kết hợp giữa nét đẹp của Tây Nguyên và phong cách Pháp.
“Rất kỳ công và mất nhiều chi phí mới thiết kế được những nét mang dấu ấn Tây Nguyên tiêu biểu là mái nhà Rông. Để làm mái nhà này, tôi phải ra tận miền Bắc mua đá đen Lai Châu, và tìm các vật liệu, màu sắc phù hợp cho các họa tiết, hoa văn mang dấu ấn Tây Nguyên và sử dụng công nghệ sơn của Nhật Bản để giữ màu. Trong vòng 4 năm trời, tôi sưu tầm những giống hoa bên Pháp trồng xen lẫn những loài hoa bản địa để làng Bình An quanh năm hoa nở”, bà Mai kể.
Vườn hoa và lan can của những ngôi nhà trong Làng Bình An Đà Lạt được thiết kế theo phong cách kiến trúc đặc trưng của miền Nam nước Pháp. Những ngôi nhà được xây cách nhau khoảng vài trăm mét nằm cao thấp theo địa hình rải rác cho tới tận bờ hồ Tuyền Lâm. Ngôi nhà nào cũng đầy dây leo, hoa và những cánh cửa gỗ trắng. Tất cả các cửa sổ đều được lắp đặt hoàn toàn bằng kính trong suốt. Những mái nhà rông cách điệu ẩn hiện trong sương mù hay lung linh trong ánh đèn vàng khi đêm xuống nhưng lại phảng phất vẻ đẹp của làng quê nước Pháp. Mỗi villa ở đây như một ngôi nhà hoàn chỉnh mặc dù bề ngoài có nét giống nhưng bên trong lại được bài trí hoàn toàn khác nhau. Song, tất cả đều đơn giản, ngập tràn ánh sáng tạo nên cảm giác thanh bình. Nội thất trong các phòng chủ yếu sử dụng màu nhạt. Trần nhà và một số vật dụng đều bằng gỗ đem lại sự thoải mái và ấm cúng.
|
Không gian Tây Nguyên chứa đựng trong mình cách bài trí lịch lãm, hiện đại, sang trọng đậm chất Pháp. Ảnh: Phan Nhân |
Kiến trúc sư Trần Đức Lộc cho rằng: Trong không gian núi rừng, bà Mai đã xây dựng hình tượng kiến trúc Tây Nguyên mang màu sắc mới và sử dụng vật liệu hiện đại. Không gian Tây Nguyên chứa đựng trong mình cách bài trí lịch lãm, hiện đại, sang trọng đậm chất Pháp. Hồn Tây Nguyên và phong cách Pháp được đan xen hài hòa với nhau. Nội thất đậm chất Pháp nhưng không đối nghịch mà ngược lại, nó nằm trọn trong những mái nhà Rông - nét đặc trưng văn hóa Tây Nguyên.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà ông Jean Noel Poirier - Đại sứ Pháp tại Việt Nam chọn Làng Bình An làm điểm khai mạc tuần lễ Pháp tại Đà Lạt vào cuối năm 2013. Ngoài phong cảnh hữu tình thơ mộng, thì Làng Bình An được chọn còn bởi nơi đây hội tụ đủ nét đẹp rất Đà Lạt, rất Tây Nguyên và cũng rất Pháp.
Ngọc Ngà