(LĐ online) - Thuở học trò trên 30 năm trước, thế hệ tôi say mê đọc "Đồng bạc trắng hoa xòe" (Ma Văn Kháng), Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài ), Cành ban rỏ máu (Vũ Hữu Sự) và các thiên truyện ký của Nhà văn Nguyễn Tuân…
(LĐ online) - Thuở học trò trên 30 năm trước, thế hệ tôi say mê đọc “Đồng bạc trắng hoa xòe” (Ma Văn Kháng), Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài ), Cành ban rỏ máu (Vũ Hữu Sự) và các thiên truyện ký của Nhà văn Nguyễn Tuân… Rồi chưa kể còn có những câu chuyện đường rừng ly kỳ, hấp dẫn về vùng cương vực phía bắc của đất nước! Một Tây Bắc vời vợi ngàn trùng, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, khí phách hiện ra và tôi cứ mãi ao ước có một lần lên chạm tay vào núi đá, vào mây và hít thở không khí vùng cao trong lành, thoáng đãng!
|
Du khách tham quan di tích nhà Vương |
Và tháng 4 qua, giấc mơ của tôi đã thành hiện thực. Sau khi lướt trên mây ngắm Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng nghiệp Báo Hà Giang đã đưa đi thăm một di tích kiến trúc, nghệ thuật hiếm có trên cao nguyên. Đó là Dinh thự nhà Vương của Vương Chính Đức, người một thời được coi là thủ lĩnh tinh thần, vua Mèo (H’Mông) cai quản cả khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn.
Từ thành phố Hà Giang, vượt 125 km qua hai huyện Quản Bạ và Yên Minh sẽ đến nhà Vương tại thung lũng Sà Phìn A, xã Sà Phìn. Nhà Vương tức là dinh thự kiêm pháo đài của Vương Chính Đức (1865-1947) vốn là một Thổ ty lớn nhất của dân tộc Mông. Vương Chính Đức là người lao động của Thổ ty Hoàng Tự Bình nhưng lại có uy tín trong vùng nên được Pháp cất nhắc lên làm Chánh Tổng. Khi Hoàng Tự Bình già yếu (vào đầu thế kỷ 20), Vương Chính Đức được cho làm bang tá.
Vương Chính Đức là thủ lĩnh của người Mèo trên Cao nguyên Đồng Văn từng chỉ huy đánh tan dư đảng giặc Cờ đen, đánh Pháp không vào được vùng này. Ông là người giàu có nhất vùng nhờ buôn bán thuốc phiện. Sà Phìn là nơi trung chuyển thuốc phiện từ tam giác vàng Miến Điện với vùng Vân Nam (Trung Quốc) sang Đông Dương. Để khuếch trương thanh thế, ông Vương Chính Đức đã mua vũ khí và xây dựng lực lượng quân đội riêng gồm những trưởng họ người Mông trung thành trong vùng…
Sau Quốc khánh 2-9-1945, Vương Chính Đức từng thốt: Việt Nam ta giờ đã có vua là Cụ Hồ, ta phải theo Cụ! Đánh giá cao vai trò thủ lĩnh của Vương Chính Đức đối với đồng bào Mèo trên miền đất phên dậu, Bác Hồ có thư mời Vương Chính Đức về Hà Nội bàn việc nước song vào tuổi ngoài 80 sức yếu nên ông cử con trai thứ hai là Vương Chí Sình (tiếng Hán là Thành) đi thay. Sau này, ông Vương Chí Sình trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, II và là Chủ tịch huyện Đồng Văn.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Vương Chính Đức lâm bệnh nặng có viết thư mời Bác Hồ lên để bàn giao lại vùng đất của người Mèo. Giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Vương Chí Sình có mối thâm tình. Bác Hồ từng giao các phái viên Võ Nguyên Giáp và ông Bùi Công Trường lên tặng Vương Chí Sình hai kỷ vật: Một áo trấn thủ do Hội Phụ nữ cứu quốc tặng Người và một thanh đoản đao do xưởng quân giới của kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tác. Hai bên vỏ thanh đoản đao có 8 chữ do Bác Hồ viết và ký tên: “Tận trung báo quốc. Bất thụ nô lệ”.
Là người có kiến thức uyên thâm, am hiểu rộng nên Bác Hồ biết trong lịch sử lâu đời, người Mèo và người Hán có mối thâm thù. Người Hán dùng môi bạc, thìa bạc thì người Mèo dùng môi gỗ, thìa gỗ. Vua Hán dùng gươm thì vua chúa Mèo dùng đao. Vì vậy, Bác Hồ đã tặng đoản đao cho ông Vương Chí Sình. Tám chữ Hồ Chí Minh viết trên vỏ đao đã được khắc trên mặt tiền phiến đá phần mộ Vương Chí Sình ở Đồng Văn…
Trong dòng họ Vương ở Đồng Văn, sau này có người cháu Vương Chí Sình là Vương Quỳnh Sơn tham gia cách mạng, từng làm trợ lý hành chính quân khu Việt Bắc, Ủy viên thường trực khu hành chính Lào Cai, Yên Bái; giữ chức vụ cố vấn cao cấp Ủy ban Dân tộc, Ủy ban Dân tộc - Miền núi…
|
Hàng cây sa mộc cổ thụ trên đường vào nhà Vương |
Trở lại chuyện xưa, khi xây dựng cơ dinh, Vương Chính Đức đã mời thầy địa lý đi khảo sát khắp vùng. Khi tới thung lũng Sà Phìn, thấy địa thế ở đây nổi lên như mai rùa, thầy địa lý đã chọn vùng đất này và lý giải: 2 ngọn núi phía trước có hình dáng như 2 mâm xôi có thể nuôi sống con cháu muôn đời; còn phía sau là bức tường thành vòng cung ôm lấy dinh thự, nếu dựa lưng vào đó dòng họ sẽ vững mãi mãi… Đúng sai thế nào chưa hay nhưng đồng nghiệp Báo Hà Giang cho biết vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX, pháo Trung Quốc từ đỉnh cao bên kia biên giới dội về thung lũng rất nhiều song không có viên nào rơi xuống khu vực dinh thự! Còn về sự giàu của ông thì trong dân kể rằng có một căn nhà của Vương Chí Sình ở Phó Bảng bị pháo bắn và người ta phát hiện thấy có những khối vàng ngụy trang viên gạch xây tường…
Lên Đồng Văn, rất nhiều du khách, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đều tìm đến dinh thự nhà Vương. Bởi đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật quý hiếm được xây dựng kết hợp hài hoà giữa kiến trúc cổ Trung Hoa và nghệ thuật Việt Nam, có dáng vẻ oai phong mà vẫn có nét mềm mại tinh xảo của chạm khắc gỗ đá.
Dừng xe trước chợ, du khách vào nhà Vương trên đọan đường được lát bằng những phiến đá lớn, vuông vức, trước nhà có chiếc cổng đá 15 bậc, xây ghép đá chạm khắc tinh xảo, cầu kỳ, uy nghi. Xung quanh dinh thự được bao bọc bởi 2 bức tường thành xây bằng đá, dày khoảng 60cm, cao từ 2,5 đến 3m. Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả 2 vòng thành đều có những lỗ châu mai. Giữa 2 vòng tường thành là khoảng không gian rộng 50m được trồng trúc và đào.
|
Kiến trúc dinh thự |
Khu nhà Vương gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc cao 2 tầng với 64 buồng được chia thành tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Nhà Vương được xây dựng mô phỏng theo lối kiến trúc đời Thanh, Trung Quốc, có diện tích 1.120m
2, nguyên liệu sử dụng xây nhà Vương là đá xanh, gỗ thông và ngói đất nung.Tường nhà được xây bằng đá, bên trong ốp ván, cột, kèo làm bằng gỗ, sàn cũng lát gỗ, mái nhà lợp bằng ngói máng, riêng hàng hiên lợp ngói ống, trên ngói có trang trí hoa văn chữ Thọ. Bố cục ngôi nhà gồm 3 lớp, cao dần từ ngoài vào trong, hai góc trong cùng xây 2 lô cốt đá xanh, 3 tầng, trong đó tầng một thông với tầng ngầm khu nhà trong cùng. Cách 3 lớp nhà là 3 sân lát đá phiến. Khu nhà dài 56m, rộng 20m, cao 10 đến 12m, ngoài ra còn có các ngôi nhà phụ như bếp, bể nước và chuồng ngựa…
|
Bàn thờ chính của dòng tộc Vương |
Bên ngoài dinh thự, phía trái là khu mộ dòng họ Vương. Ngôi nhà chính còn lưu bức hoành phi với bốn chữ Biên chinh khả phong được vua Nguyễn ban cho (bức hoành phi này do vua Khải Định tặng năm 1913, có thể dịch nghĩa là chính thức sắc phong cai trị cõi biên thùy).
Ngoài phần chính, nhà Vương còn được thiết kế thêm nhà đón khách, nhà sinh hoạt chung, khu bể nước và chuồng gia súc. Tách hẳn khu nhà là khu thờ Phật và phần mộ của gia đình.
Điểm đặc biệt là các bộ phận của ngôi nhà dù bằng đá hay gỗ đều được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo thành hình rồng, phượng, dơi… tượng trưng cho sự trường tồn, hưng thịnh. Những cây cột cái được trạm trổ hình mai rùa, vẩy rồng từ dưới chân lên đỉnh, mái nhà cong cong như cánh bay của rồng. Nét đặc trưng của văn hoá Mông thể hiện ở bờ tường đá, các phiến đá nhỏ được kè khít với nhau dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn quanh khu nhà tạo thành khuôn viên riêng biệt cho dòng họ Vương.
|
Khuôn viên dinh thự |
Nhà Vương được xây dựng trong khoảng thời gian 8 năm và tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng. Hầu hết thợ xây dựng là người Hồi vùng Vân Nam (Trung Quốc) và những tốp thợ giỏi nhất người Mông. Năm 1993, nhà Vương được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật và trùng tu lại hoàn toàn trong hai năm 2004 – 2005. Hiện dinh thự được ngành văn hóa quản lý và đang là điểm đến của du khách để hiểu hơn về vùng đất biên cương bất khuất!
BÌNH NGUYÊN