Melaka - địa danh quyến rũ của Malaysia

04:05, 21/05/2014

Khi nói tới những địa danh du lịch nổi tiếng tại Malaysia, người ta thường nghĩ ngay tới tòa tháp đôi Petronas - niềm kiêu hãnh của người dân Mã Lai, hay cao nguyên Genting với sòng bạc khổng lồ mờ ảo trong mây trời...

Khi nói tới những địa danh du lịch nổi tiếng tại Malaysia, người ta thường nghĩ ngay tới tòa tháp đôi Petronas - niềm kiêu hãnh của người dân Mã Lai, hay cao nguyên Genting với sòng bạc khổng lồ mờ ảo trong mây trời. Thế nhưng, còn có một địa danh khác mà người Malaysia thường nhắc tới như là nơi “mọi thứ bắt đầu”, nơi bạn nhất định phải ghé thăm nếu có dịp du lịch tới đất nước Hồi giáo xinh đẹp và quyến rũ này. Đó chính là thành cổ Melaka. 
 
 
Nằm ở phía Nam Malaysia, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 160km, Melaka là thành phố cổ xưa bậc nhất Malaysia. Nơi đây sở hữu những bảo tàng khổng lồ, kho lưu trữ nhiều chứng tích lịch sử của đất nước Hồi giáo này. 
 
Con sông Melaka xinh đẹp và hiền hòa chia đôi thành phố thành hai phần, phía Đông là khu trung tâm mang dáng dấp khu phố kiểu châu Âu thời xưa ẩn mình dưới chân tượng Thánh Paul, phía Tây là khu phố Trung Hoa buôn bán sầm uất và nhộn nhịp. Sự hòa hợp giữa văn hóa bản địa với các nước như Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Anh… đã tạo cho Melaka một nét đẹp rất đặc biệt, rất khó quên. 
 
Vào thế kỷ 14, đế chế Srivijaya bị vương quốc Majapahit của người Java, Indonesia tấn công để tranh giành quyền kiểm soát thương mại trên quần đảo. Dân di cư từ Srivijaya đã di chuyển theo hướng Bắc đến đảo Riau Lingga, rồi đến đảo Singapore và những nơi khác và cuối cùng lập nên thành phố Melaka.
 
Biên niên sử Mã Lai kể rằng vào đầu thế kỷ 15, Vương quốc Hồi giáo Melaka được thành lập dưới một triều đại do Parameswara, một hoàng tử từ Palembang có liên hệ huyết thống với hoàng gia Srivijaya, người đã phải bỏ chạy khỏi Temasek (Singapore hiện nay), sáng lập. Parameswara đã quyết định thành lập vương quốc của mình tại Melaka.
 
Một ngày nọ, Parameswara đang săn bắn thì một con chó của ông bị một con nai đá phải, nai vốn là một con vật hiền lành và nhút nhát vì thế ông xem sự dũng cảm của loài nai như một dấu hiệu may mắn và đặt tên cho vương quốc của mình là Melaka, theo tên loài cây Melaka mà ông đang ngồi nghỉ ngơi dưới gốc của nó.
 
Trong những thế kỷ sau đó, Melaka trở thành nơi tranh giành lợi ích của các quốc gia châu Âu như Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, cho đến khi Malaysia giành được độc lập từ tay người Anh năm 1957.
 
Nằm ở đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất Đông Nam Á, Melaka luôn là nơi tụ họp sầm uất của các thương nhân đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Sự giao thương quốc tế cũng như quá trình xâm chiếm của các cường quốc đã khiến cho Melaka mang trong mình dấu ấn đa văn hóa rất độc đáo trong đời sống, kiến trúc và tôn giáo.
 
Hãy bắt đầu hành trình khám phá thành phố cổ kính, xinh đẹp này từ bến tàu Melaka. Lênh đênh trên dòng sông cắt ngang thành phố, bạn sẽ được chiêm ngưỡng dãy nhà cổ với những bức tranh tường nhiều màu sắc như những câu chuyện kể bằng hình, phần nào thể hiện được kiến trúc đa dạng của nơi được ví như thành Venice ở phương Đông.
 
Sau gần nửa giờ lãng đãng trên dòng sông Melaka mơ mộng, bạn sẽ tới khu phía Đông thành phố, nơi có quảng trường Hà Lan, nổi bật với những con đường lát gạch đỏ rực rỡ. Bên cạnh đó là một công viên xinh xắn với biểu tượng mô phỏng chiếc cối xay gió, nổi bật trên những khóm hoa và cỏ xanh, nhắc nhở một thời kỳ người Hà Lan sinh sống tại nơi đây. Màu đỏ bao trùm từ tòa thị chính, nhà thờ Thiên Chúa giáo, bảo tàng Melaka, những tòa lâu đài đến những khu biệt thự... khiến nơi đây thường được nhắc đến với tên gọi khác là quảng trường Đỏ. Tại đây, du khách có thể bắt gặp rất nhiều những chiếc xe trisaw - gần giống với xích lô của Việt Nam - được trang trí hoa sặc sỡ. Bạn có thể chụp hình hoặc du ngoạn xung quanh thành phố trên những chiếc xe kết hoa xinh xắn này.
 
Sau khi tham quan quảng trường Hà Lan, bạn có thể ghé thăm pháo đài Bồ Đào Nha. Pháo đài được người Bồ Đào Nha xây dựng vào thế kỷ 16, sau đó bị hủy hoại phần nào bởi người Anh trong thế kỷ 19. Những bức tường hoang phế, cỗ pháo đài xù xì, lạnh lẽo có sức hút lạ lùng với nhiều du khách.
 
Mời bạn quá bộ lên ngọn đồi nơi còn lưu giữ chứng tích của nhà thờ Thánh Paul, được người Bồ Đào Nha xây dựng vào năm 1521, sau đó bị người Anh phá hủy phần nào. Nhà thờ giờ không còn nóc, chỉ có sàn nhà với những bức tường hoang lạnh và bức tượng Thánh Paul cụt tay. Từ trên đỉnh đồi xanh mướt cỏ và hoa Osaka vàng rực rỡ, du khách có thể thảnh thơi ngắm nhìn một Melaka hiền hòa, êm dịu dưới chân đồi.
 
Melaka nhỏ bé nhưng chứa đựng bên trong nó những trang lịch sử rất lớn. Rất nhiều bảo tàng nằm rải rác trong lòng thành phố, như Bảo tàng Di sản của người Baba Nyonya (con cháu người Hoa định cư ở đây) trong một ngôi nhà cổ với các loại đồ gỗ, đồ sứ và vải dệt; Bảo tàng Biển (Maritime Museum) được xây như chiếc thuyền buồm Flora de la Mar của Bồ Đào Nha bị đắm ngoài khơi Melaka khi xưa. Trong bảo tàng vẫn còn những hiện vật liên quan đến lịch sử hàng hải nơi đây. Đối với những người đam mê tìm hiểu lịch sử, hẳn bạn sẽ phải dành nhiều ngày mới có thể khám phá hết những câu chuyện ở nơi đây.
 
Rời xa những khung cảnh châu Âu cổ kính với nhiều phần hoang phế, tới với khu phía Tây thành phố, bạn sẽ như được sống một cuộc sống khác. Đây là khu phố của người Hoa, với những con phố nhỏ quanh co, mang phong cách đặc trưng của văn hóa Trung Hoa với đèn lồng đỏ treo cao, những cánh cửa dán câu đối xanh đỏ.
 
Vào buổi tối, những con phố nhỏ yên bình này trở thành khu chợ đêm sầm uất. Tại đây, du khách có thể mua được nhiều món đồ lưu niệm làm bằng tay như những bức tranh vẽ theo phong cách Batik, chiếc mặt nạ thổ dân bằng gỗ, những con rối được điều khiển bằng tay, những chiếc xari màu sắc...
 
Một ngày ở Melaka dường như trở nên ngắn hơn khi bạn lạc bước giữa những không gian kiến trúc và sắc màu văn hóa đa dạng. Có thể, mỗi lần ghé thăm Melaka bạn sẽ có những cảm nhận khác nhau bởi thành phố cổ kính, xinh đẹp này chất chứa rất nhiều những câu chuyện hấp dẫn. Melaka thực sự là điểm đến bạn không thể bỏ lỡ khi đã tới Malaysia.
 
TS (Theo Tạp chí Kiến trúc)