Chính quyền Lâm Đồng và Nghệ An vừa thiết lập mối quan hệ giao lưu, hợp tác, với nội dung đầu tiên là liên kết phát triển du lịch, hứa hẹn cùng khám phá và khai thác những điều mới mẻ và hấp dẫn giữa hai vùng miền có đặc điểm địa lý và dân sinh hoàn toàn khác biệt.
* Hàng không là cầu nối quan trọng
Chính quyền Lâm Đồng và Nghệ An vừa thiết lập mối quan hệ giao lưu, hợp tác, với nội dung đầu tiên là liên kết phát triển du lịch, hứa hẹn cùng khám phá và khai thác những điều mới mẻ và hấp dẫn giữa hai vùng miền có đặc điểm địa lý và dân sinh hoàn toàn khác biệt.
|
Nhà ngoại Bác Hồ (Làng Hoàng Trù) luôn thu hút khách tham quan |
Nghệ An - đặc trưng của văn hóa Lam Hồng
Nghệ An nằm trong vùng trọng điểm du lịch Bắc Trung bộ, là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng, có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và tài nguyên thiên nhiên phong phú cả về biển và rừng. Dân số đông. Chủ trương của chính quyền tỉnh Nghệ An là chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nhân dân và phát triển du lịch. Cải tạo và nâng cấp các tuyến đường giao thông tiếp cận các điểm tham quan du lịch; sân bay Vinh mở các đường bay mới như Vinh - Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột, Vinh - Đà Lạt và Vinh - Viêng Chăn (Lào), song song với khởi công dự án mở rộng cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách.
Nghệ An là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên đa dạng và phong phú; bờ biển đẹp và dài (82km), với Lễ hội biển Cửa Lò khai mạc hàng năm vào ngày 30/4; có các đảo gần bờ: Hòn Ngư, Hòn Mắt; có Vườn Quốc gia Phù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luống, Pù Hoạt… là những khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái đa dạng và phong phú, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Nghệ An còn có khoảng 1.400 di tích lịch sử, đặc biệt là Khu Di tích lịch sử văn hóa Kim Liên (huyện Nam Đàn) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh được Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt từ năm 2011. Nghệ An cũng có nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị, như: văn học dân gian, ca múa nhạc dân gian, các phong tục tập quán, lễ hội, văn hóa ẩm thực, làng nghề truyền thống… Trong đó, Dân ca Ví dặm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đang lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nghệ An nằm ở trên trục xuyên Việt cả về đường sắt và đường bộ, có sân bay, cảng biển, là một trong những cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông – Tây nối Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanma với biển Đông và còn là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đi qua các điểm di sản văn hóa và di sản thiên nhiên được thế giới công nhận như: Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) rất thuận lợi cho việc liên kết xây dựng các tour tuyến du lịch liên tỉnh. Nghệ An có hơn 600 khách sạn, nhà nghỉ với gần 1.400 phòng ngủ, với trên 70 khách sạn 1-4 sao, 1 khách sạn 5 sao, một số khu resort ở Cửa Lò, Nghi Lộc. Nghệ An hiện có 31 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, trong đó có 11 đơn vị lữ hành quốc tế. Năm 2013, Nghệ An đón trên 4,5 triệu lượt khách, trong đó có gần 3,3 triệu lượt khách lưu trú, với tổng doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 71 ngàn lao động.
Khai thác tiềm năng du lịch trong liên kết Lâm Đồng - Nghệ An
Bà Đinh Thị Lệ Thanh - UVBTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhận định: Lâm Đồng nằm trong vùng trọng điểm du lịch Tây Nguyên, là vùng đất có nhiều người Nghệ An sinh sống, lập nghiệp. Việc mở tuyến hàng không đầu tiên nối liền Đà Lạt (Lâm Đồng) và Vinh (Nghệ An), một mặt tạo thuận lợi cho người dân và du khách đi lại giữa hai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, một mặt khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh. Mục tiêu liên kết du lịch là khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh du lịch của mỗi địa phương để xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn và phù hợp với nhu cầu của du khách; đồng thời, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch hai địa phương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong phát triển du lịch…
Đây là lần đầu tiên Lâm Đồng và Nghệ An có sự hợp tác liên kết với địa phương ở khoảng cách địa lý khá xa nhau, nên các đại biểu là doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành có nhiều thắc mắc, ngại ngần. Ông Nguyễn Hữu Bắc - Giám đốc CTCP Lữ hành quốc tế Thái Sơn (Nghệ An) băn khoăn về những hành vi chặt chém tại các khu điểm du lịch và các cửa hàng đặc sản Đà Lạt, việc nâng giá quá cao vào mùa cao điểm… mà báo chí và dư luận phản ánh nhiều ở Đà Lạt thời gian gần đây và kiến nghị nên có giải pháp để giữ được mức giá ổn định quanh năm… Ông Nguyễn Đức Phúc - Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch sinh thái Phương Nam thì lo lắng về tính hình thức của các liên kết. Ông đặt câu hỏi: Sau liên kết là cái gì? Ai làm? Đường hướng đã được chỉ ra, nhưng doanh nghiệp Lâm Đồng và Nghệ An chưa có điều kiện hiểu nhau và môi trường du lịch cả hai địa phương chắc chắn vẫn còn nhiều điều phải hoàn thiện thêm… Ông Phùng Quý Ngọc - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng đề xuất những hoạt động cụ thể sau ký kết, trước tiên là lồng ghép với các sự kiện của hai vùng, hai địa phương như: xây dựng tour du lịch có điểm đến cụ thể ở Nghệ An và Lâm Đồng ngay trong năm nay (Năm Du lịch Quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt) và năm tới (Năm Du lịch Quốc gia tổ chức ở Thanh Hóa)… Ông Đoàn Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng gợi ý: Từ “sáng kiến” của Nghệ An nên có những hoạt động giao lưu giữa hai địa phương, để biết, để hiểu, để yêu… như tổ chức các đoàn famtrip gắn những kế hoạch cụ thể để các hoạt động liên kết thực sự có hiệu quả, hạn chế những hành động có thể làm phật lòng du khách, dần dần, thắt chặt quan hệ hợp tác song phương để phát triển kinh tế - xã hội.
LÊ HOA