Chuyến hành trình Lý Sơn 2 ngày 1 đêm như một trải nghiệm thật mến yêu của tôi đến với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên biển.
Chuyến hành trình Lý Sơn 2 ngày 1 đêm như một trải nghiệm thật mến yêu của tôi đến với hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc trên biển.
|
Vẻ đẹp kỳ tích Hang Câu |
Những cung đường khám phá
Từ trung tâm thành phố Quảng Ngãi, chỉ mất chừng 25 phút để đón xe buýt đến cảng Sa Kỳ. Tàu cao tốc đi Lý Sơn thường khởi hành sớm vào tầm 7h30 và chỉ mất 1 tiếng đồng hồ sau đó, bạn đã có thể thỏa sức khám phá những cung đường đẹp đến nao lòng của hòn đảo núi lửa này.
Đường lên đỉnh núi Thới Lới chạy theo sát mép biển. Càng lên cao, những góc nhìn bao quát khung cảnh đảo càng đổi thay liên tục, đây đó những khuôn ngói đỏ chen lẫn giữa những ruộng tỏi vuông vắn, xanh tươi; những eo biển thơ mộng, lộng gió. Lên đến đỉnh núi, tưởng chừng như sắp có thể với tay chạm được những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Từ trên cao nhìn xuống biển mở ra mênh mông, rộng lớn và khoáng đạt. Núi Thới Lới được biết đến là 1 trong 5 ngọn núi lửa gắn liền với quá trình hình thành đảo Lý Sơn cách đây vài triệu năm về trước. Chính sự phun trào nham thạch của các núi lửa phủ lên nền những nếp gấp tạo sơn đã nâng những lớp đá trầm tích nhô khỏi mặt nước biển, kiến tạo nên hình hài xinh đẹp của hòn đảo này. Điểm đến của cuộc hành trình chinh phục núi Thới Lới chính là “Cột cờ Lý Sơn” trên đỉnh núi. Đứng ở nơi đây, ngắm màu cờ đỏ sao vàng in trên nền trời xanh thẳm tôi đã cảm nhận rõ những nhịp tim bồi hồi và xúc động bất chợt dâng trào.
Đã đến Lý Sơn, chớ quên ghé Hang Câu. Cái tên “Hang Câu” chẳng biết do ai đặt nhưng quả thật không tương xứng với vẻ đẹp kỳ tích của nó. Đó là một dãy đá sừng sững cong mình ra biển, hùng vĩ đến choáng ngợp. Quan sát kĩ vòm đá, có thể nhận rõ những viên đá bị cháy đen nằm lẫn lộn trong lớp trầm tích. Sắc đá đen thẫm hòa lẫn trong những gam màu của thời gian và rêu phong. Đây chính là vết tích sinh động của một trận phun trào núi lửa. Bờ biển tầng tầng, lớp lớp là san hô bị sóng đánh dạt vào bờ, nằm chen chúc, trắng xóa. Thật không quá khi nói rằng nơi đây chính là một kho báu của các giống loài san hô và thủy tộc. Biển trong xanh nhìn rõ mồn một đến tận đáy. Khi thủy triều rút, có thể dễ dàng men theo những bãi đá cạn ven bờ để khám phá thủy cung kỳ thú của vô số loài thủy tộc. Sự phong phú, đa dạng của các chủng loài thủy tộc đã biến Hang Câu trở thành một “ngư trường lặn ngụp”, chuyên cung cấp các sản vật đặc sắc của đảo như nhum, ốc xà cừ, cua huỳnh đế, rau câu...
Lý Sơn không chỉ là đảo tỏi, mà còn được mệnh danh là “hòn đảo văn hóa” - bởi nó ôm trong lòng hàng ngàn di tích lịch sử, văn hóa. Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi tiếp tục tìm đến Chùa Hang - còn được gọi là Thiên Khổng Thạch Tự. Chùa nằm trong một hang đá tự nhiên, ẩm thấp, hướng mặt ra biển. Theo các nhà khoa học, đây chính là một dạng địa chất được tạo nên bởi sự xâm thực của nước biển trong thời kỳ biển tiến. Tương truyền rằng, cách đây khoảng 400 năm, các bậc tiên hiền ra Lý Sơn lập làng An Hải đã có công lập dựng nên ngôi chùa này.
Đón hoàng hôn trên Cổng Tò Vò
Đã đến Lý Sơn mà chưa leo hết 100 bậc đá ở núi Giếng Tiền để thăm Chùa Đục thì quả thật là chưa bỏ công sức cho một chuyến hành trình dài vượt biển. Chùa Đục là ngôi chùa lớn nhất trên đảo và là nơi gởi gắm niềm tin của người dân về sự phù trợ của Quan Thế Âm Bồ Tát trên biển. Nét đẹp của Chùa Đục là sự kết hợp hài hòa giữa bàn tay tài hoa của con người và địa thế trác tuyệt của thiên nhiên. Từ biển nhìn vào, đỉnh Liêm Tự có hình thù tựa như con chim ưng đang vươn mình cao vợi, lồng lộng cắt qua nền trời. Tượng Bồ Tát cao hơn 27 m hướng về phía ngọn sóng chở che cho những con tàu bình yên trở về. Hiếm có ngôi chùa nào sở hữu một vị trí đắc địa như ngôi chùa này khi tọa lạc trên một ngọn núi xanh rì giữa bốn bề là trời mây, sóng nước dạt dào.
|
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở Chùa Đục hướng mặt ra biển |
Tôi đã canh thời gian rời Chùa Đục để kịp đón hoàng hôn tại Cổng Tò Vò. Cổng Tò Vò nằm sát sườn Chùa Đục, vươn ra biển. Đây một chiếc cổng thiên nhiên, được kiến tạo bằng dòng chảy của nham thạch với hình dung độc đáo. Chiếc cổng có một không hai này đã trở thành “thương hiệu độc quyền” gắn liền với vẻ đẹp của đảo núi lửa Lý Sơn. Bất cứ một tay máy chuyên nghiệp hay du khách nào đến với Lý Sơn đều mong muốn có thể “săn” được những bức hình hoàng hôn nơi đây. Thế là đúng như ước nguyện bấy lâu, tôi đã kịp cất đầy những khung hình của Cổng Tò Vò trong thời khắc đẹp đẽ nhất của một ngày trước khi màn đêm buông xuống.
Trước khi rời đảo vào sáng ngày hôm sau đó, tôi không quên ghé qua Di tích Âm Linh tự và mộ lính Hoàng Sa ở ngay gần khu vực cầu cảng để thắp một nén nhang thành kính. Đây chính là nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa, được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII, để tưởng nhớ đến những người lính được nhà Nguyễn giao trọng trách khai thác các sản vật ở ngư trường Hoàng Sa đã bỏ mạng trên biển. Những ngôi “mộ gió” - không có thi hài mà thay vào đó là hình nhân nặn bằng đất núi lửa - nằm bình yên trong khuôn viên di tích và được người dân nơi đây thờ tự, chăm chút từ bao đời nay bằng tất cả tấm lòng thành kính.
Một ngày ở Lý Sơn không đủ dài để đi hết những địa điểm theo lịch trình dự tính của tôi. Tôi lên tàu cao tốc trở về đất liền trong nỗi niềm lưu luyến. Khi nghe tôi bày tỏ rằng: “Lý Sơn đẹp hơn rất nhiều hòn đảo khác mà tôi từng đi qua”, anh hoa tiêu tàu cao tốc - một ngư dân của đảo Lý Sơn không giấu nổi vẻ tự hào đáp rằng: “Quả nhiên như cô nói, Lý Sơn quê tôi vô cùng xinh đẹp!”.
ĐÔNG PHƯƠNG