Ðến Hòn Ðất viếng mộ chị Sứ và nhớ Anh Ðức…

09:09, 04/09/2014

Ở Hòn Ðất, người dân còn sống bằng nghề biển, chài lưới đánh bắt cá, vì phía trước mặt là biển, phía sau là Hòn Me, nơi căn cứ của cách mạng năm xưa với suối Lươn, hang Quân Y, nơi che giấu của bộ đội và du kích địa phương trong những trận chiến đấu ác liệt…

Những ngày đầu tháng tám, lắc rắc hạt mưa bay, màu trời như “ươm nắng”, chúng tôi về với Kiên Lương, ghé Ba Hòn thăm Hòn Phụ Tử; trên đường về Kiên Giang, Rạch Giá, lại có dịp ghé Hòn Đất, viếng thăm Khu di tích Hòn Đất, nơi trưng bày chiến tích chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân Hòn Đất anh hùng và khu lăng mộ của Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng, nhân vật nguyên mẫu của “chị Sứ” trong tác phẩm Hòn Đất nổi tiếng của nhà văn, Thiếu tướng Anh Đức. Tác phẩm một thời đã được đưa vào giảng dạy trong chương trình bậc phổ thông trung học và được chuyển thể thành phim, thu hút rất nhiều người xem.
 
Khu mộ chị Phan Thị Ràng
Khu mộ chị Phan Thị Ràng
 
Từ Quốc lộ 80 đến thị trấn Hòn Ðất, một thị trấn nhỏ nhưng khá sầm uất, xe rẽ trái chừng hơn 10km là đến Khu di tích Lịch sử Văn hóa Hòn Ðất, có lẽ gần núi, nên dân cư hai bên, có nhiều nhà làm nghề “chẻ đá”, tức đục, đẽo những khối đá lớn thành những “thanh đá” giống như những trụ cọc rào. Ở Hòn Ðất, người dân còn sống bằng nghề biển, chài lưới đánh bắt cá, vì phía trước mặt là biển, phía sau là Hòn Me, nơi căn cứ của cách mạng năm xưa với suối Lươn, hang Quân Y, nơi che giấu của bộ đội và du kích địa phương trong những trận chiến đấu ác liệt…
 
Toàn bộ khu di tích rộng hơn 2ha nằm sát dưới chân Hòn Me, qua khỏi cổng chào, phía bên trái là nhà trưng bày truyền thống chiến đấu hào hùng của nhân dân và lực lượng vũ trang Hòn Ðất. Tiến thẳng về phía trước là một hố bom B.52 rất lớn, được xây lại trông như một cái ao. Phía hai bên sát chân Hòn Me là 2 tấm đá hoa cương lớn, có khắc ghi 967 anh hùng liệt sĩ của huyện Hòn Ðất. Chính giữa trung tâm là phù điêu và tượng thể hiện sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân và dân Hòn Ðất. Bước xuống 37 bậc đá là ngôi mộ của “chị Sứ - Phan Thị Ràng” với tấm bia khắc ghi công trạng và lư hương, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Mặc niệm trước bia đá và ngôi mộ của người con gái anh hùng, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, trong mờ ảo nhang khói của rất nhiều người đến viếng, đã đưa chúng tôi đến… rất gần với thân thế, sự nghiệp của “chị Sứ”…
 
Cuộc đời thực của “chị Sứ” Phan Thị Ràng trở thành nhân vật trong tiểu thuyết tuy có hư cấu theo hình tượng nhân vật văn học, song rất anh dũng và đẹp dường như độc giả luôn nhớ đến từng chi tiết. Khi các chiến sỹ quân giải phóng bị vây hãm 100 ngày trong hang núi, được thế hiểm của núi non quê hương che chở, kẻ địch vũ trang tận răng và tập trung sát chân núi nhưng vẫn không thể tiêu diệt được quân giải phóng. Chị Phan Thị Ràng, còn gọi là Tư Phùng, sinh năm 1937 ở xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang), theo cách mạng năm 1950 khi mới 13 tuổi và hy sinh vào rạng sáng ngày 9/1/1962 khi mới 25 tuổi ở chân núi Hòn Ðất khi chị mưu trí, dũng cảm đi lấy nước từ suối Lươn bằng cái nồi đất quê hương để tiếp tế cho bộ đội ở trong hang. Ðêm 8/1/1962, chị sa vào tay giặc và kẻ địch nham hiểm đã bỏ thuốc độc vào suối Lươn, đồng thời nới vòng vây cho bộ đội ta đi lấy nước. Trước khi chết, chị Phan Thị Ràng đã kịp hét vào vách núi báo cho bộ đội trong hang biết nước suối đã có độc. Chị đã kịp thời cứu sống cả đồng đội và nhân dân, ghi chiến thắng huy hoàng và oanh liệt cho quân và dân Hòn Ðất, bẻ gãy âm mưu của kẻ thù. Ngày 20/12/1994, Chủ tịch nước đã truy tặng cho chị Tư Phùng - Phan Thị Ràng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1989, Hòn Ðất được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Phía trái ngôi mộ chị, nghe kể trước đây là cây dừa, địch dùng để treo cổ chị, nay đã không còn, một khoảng trống tươi xanh, chan hòa nắng, gió của một ngày mới trên quê hương chị Sứ!
 
Hôm chúng tôi đến viếng, cũng là ngày mà Ban Thiếu nhi Tỉnh Ðoàn Rạch Giá tổ chức ngày lễ hội kèn và tổ chức dã ngoại. Hơn chục đội kèn và các em thiếu nhi trong trang phục lễ hội, đồng phục trắng hoặc xanh nước biển. Ca nô đội lệch cùng tấu lên những điệu kèn tươi vui hùng tráng. Khu di tích và phần mộ chị Phan Thị Ràng bỗng rộn ràng, rầm rập bước chân của những thế hệ măng non “tiến bước” theo trang sử hào hùng của ông cha. Có lẽ, ở đâu đó, trong buổi sáng chan chứa ánh nắng này, “chị Sứ” đang ngồi nhìn ngắm những đứa cháu của mình đang trỗi lên bài kèn “tiến công” của một thời khói lửa…
 
Khi viết đến những dòng chữ này, điện thoại trên bàn tôi bỗng reo vang, một bạn văn ở thành phố HCM vừa thông tin: “Nhà văn Anh Ðức đã qua đời vào lúc 21 giờ 15 phút ngày 21/ 8 tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố HCM. Hưởng thọ 79 tuổi…”. Tôi thật sự bất ngờ và xúc động. Vậy là một nhà văn lão thành thế hệ chống Mỹ cứu nước nữa lại ra đi về cõi vĩnh hằng, song những trang văn của ông, với những tác phẩm xuất sắc nhất của một thời như “Hòn Ðất”, “Một chuyện chép ở bệnh viện”, “Bức thư Cà Mau”, “Giấc mơ ông lão vườn chim”… vẫn sống mãi trong lòng những người đọc hôm nay. Xin dâng Nhà văn một nén tâm hương. Có lẽ rồi ông sẽ gặp lại những “nhân vật” của mình để mà hàn huyên lại những chuyện đã qua, tự hào đất nước một thời đạn lửa nhưng rất đỗi anh hùng...
 
TRẦN HOÀNG VY