Tuy không nằm trong "bản đồ du lịch" nhưng ở huyện Lâm Hà trong những năm gần đây có không ít điểm du lịch tự phát và đã thu hút một số lượng đông đảo khách du lịch, nhất là du khách người nước ngoài…
[links()]
Kỳ cuối: Tự phát nhưng là nền tảng
Tuy không nằm trong “bản đồ du lịch” nhưng ở huyện Lâm Hà trong những năm gần đây có không ít điểm du lịch tự phát và đã thu hút một số lượng đông đảo khách du lịch, nhất là du khách người nước ngoài, như Cường Hoàn (thị trấn Nam Ban), Trại dế Thiện An (xã Mê Linh)... Nói “tự phát” là nói vậy thôi chứ trong thực tế thì những điểm du lịch này có một vị trí rất quan trọng trong phát triển du lịch của huyện Lâm Hà, và của cả tỉnh Lâm Đồng nữa.
Đến Cường Hoàn, nhớ ghé qua Trại dế Thiện An
Hằng ngày, nếu chịu khó quan sát thì ai cũng dễ nhận ra những đoàn khách Tây với chiếc ba lô gọn nhẹ trên chiếc xe đạp hoặc xe máy xuyên đường đèo Tà Nung từ Đà Lạt đổ về phía Nam Ban của huyện Lâm Hà. Chẳng ai bảo ai, cũng chẳng quảng cáo rùm beng gì cả nhưng chủ cơ sở dế Thiện An và chủ Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn hằng ngày cứ phải tiếp một vài đoàn khách Tây đến “tham quan ngẫu hứng”. Mấy vị khách Tây bảo rằng, họ không đọc thấy tên “Thiện An” hay “Cường Hoàn” trên bản đồ du lịch chính thức của Lâm Đồng nhưng qua “rỉ tai” thì đó là những điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến với Đà Lạt (Lâm Đồng) của Việt Nam.
Với Cơ sở ươm tơ dệt lụa Cường Hoàn ở thị trấn Nam Ban, tuy không có tên trong bản đồ du lịch Lâm Đồng nhưng đây lại là một trong những địa chỉ trong cẩm nang du lịch quốc tế Guide book. Chủ cơ sở này là anh Nguyễn Văn Cường, năm nay gần 50 tuổi. Cường quê gốc Hà Nội. Năm 1980, anh theo gia đình đi kinh tế mới vào Lâm Đồng, định cư tại Nam Ban (lúc này, Cường chỉ mới 15 tuổi). Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Cường vào bộ đội. Sau xuất ngũ, anh về lại Nam Ban và bắt tay vào việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. “Lúc đầu, tôi chỉ làm tơ bán loanh quanh ở Đà Lạt, Bảo Lộc, TP HCM... Sau, thấy có du khách nước ngoài thường xuyên đến tham quan, tôi nảy sinh ý định vừa ươm tơ truyền thống, vừa kết hợp làm du lịch...” - anh Cường chia sẻ. Vậy là sau đó, đích thân anh quay về Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) quyết tâm học cho bằng được nghề dệt lụa truyền thống “cha truyền con nối” của xứ lụa nổi tiếng này. Anh Cường tiếp tục chia sẻ: “Vì đây là nghề “cha truyền con nối” nên quả thực là để có được bí quyết của nghề, tôi trải qua không ít vất vả. Với tôi, vất vả mấy, chịu cũng được. Điều có lúc làm tôi nản lòng đó là những bậc cao niên ở làng lụa Hà Đông không chịu truyền lại cái bí quyết của gia đình họ, đơn giản chỉ vì tôi là “người ngoài”. Nhưng cuối cùng, rất may là tôi cũng đã học được...”. Có được “nghề bí truyền” trong tay, trở vào Lâm Hà, Cường bắt tay vào việc mở rộng cơ ngơi và chuyển sang nghề dệt truyền thống. Gần đây, cơ sở ươm tơ dệt lụa của anh Nguyễn Văn Cường đã được nâng cấp thành công ty và thực sự trở thành một trong những địa chỉ hấp dẫn du khách nước ngoài ở Lâm Hà. Sản phẩm của Cường Hoàn những năm gần đây không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra tận nước ngoài. Sản phẩm được tiêu thụ ở nước ngoài của Cường Hoàn nhiều nhất là tranh thêu lụa tơ tằm sản xuất theo phương pháp truyền thống. Dẫn chúng tôi tham quan phòng tranh thêu tay, anh Cường nói: “Nghe bảo là tiêu thụ ở nước ngoài có vẻ “oách” thế thôi, chứ nói thật với anh là phần lãi thu về không bao nhiêu cả đâu! Cái quan trọng là giới thiệu cho người nước ngoài biết được sản phẩm tranh thêu tay truyền thống trên lụa tơ tằm truyền thống rất độc đáo của ông cha ta chính là điều mà tôi đang làm”. Cứ như theo lời của Cường thì một bức tranh thêu tay có giá bán khoảng 30 triệu đồng thì tiền thợ, tiền vật liệu, tiền thuế... chiếm đến ngót nghét 25 - 27 triệu đồng rồi. Nói như anh, điều quan trọng là chuyện giới thiệu cho nước ngoài biết một thứ sản phẩm rất độc đáo của người Việt. Chúng tôi còn nghĩ thêm, đây còn là cách làm tạo nên sự độc đáo của riêng du lịch Lâm Hà mà bằng chứng là du khách người nước ngoài ngày càng kéo đến cơ sở của Nguyễn Văn Cường khá đông, và tên tuổi vùng đất kinh tế mới Lâm Hà nhờ đó được du khách biết đến nhiều hơn.
|
Khách nước ngoài tham quan cơ sở ươm tơ dệt lụa truyền thống ở Lâm Hà |
So với cơ sở ươm tơ dệt lụa của anh Nguyễn Văn Cường thì trang trại dế Thiện An của Nguyễn Quang Huy ở xã Mê Linh không sánh bằng về quy mô vốn liếng, nhưng nếu xét dưới góc độ của sự độc đáo đặc trưng du lịch thì “dế Thiên An” cũng có một “thế đứng” riêng, có sức hấp dẫn du khách, nhất là du khách nước ngoài, không thua kém. Hôm chúng tôi quay lại Mê Linh để đến Trại dế Thiện An của Huy thì ông chủ này đi vắng. Sau khi tham quan một vòng quanh trại dế, trở lại với chiếc bàn bên trong, đĩa dế chiên giòn do cô vợ của Huy cũng vừa được hoàn thành bê lên cho thực khách, và cũng đúng lúc “ông chủ trẻ” Nguyễn Quang Huy vừa về đến nhà. Chúng tôi sau một phút giới thiệu nhau, đã sà vào đĩa mồi xem ra rất “bắt rượu” do cô vợ của Huy đạo diễn. Thực ra, sản phẩm dế chiên giòn của Huy thì tôi đã được thưởng thức từ Đà Lạt trước đó đã lâu. Tuy nhiên, phải thú thực là món này ngồi nhâm nhi ngay tại nơi sản xuất ra nó có cái thú vị riêng, cứ như là lần đầu tiên được thưởng thức vậy! Câu chuyện giữa chúng tôi và ông chủ trang trại dế tuổi vào tầm trên dưới ba mươi này xoay quanh chuyện dế và chuyện du khách nước ngoài đến xem nuôi dế. Có thể nói, Huy là chàng trai rất giàu nghị lực. Anh đã từng hai lần lỗi hẹn với giảng đường Đại học Đà Lạt vì điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn: Không có tiền để “đánh vật” với con chữ ở giảng đường, lần thứ nhất Huy phải bảo lưu kết quả đại học năm thứ nhất để về nhà làm lụng giúp gia đình; một năm sau, trở lại giảng đường với khoản tiền nho nhỏ để tiếp tục “nuôi” chuyện chữ nghĩa nhưng chẳng được bao lâu thì anh buộc phải rời cổng trường Đại học Đà Lạt cũng vì lý do như lần trước. Về nhà, Huy suy đi tính lại mãi, trong đầu với không biết bao nhiêu là câu hỏi là làm thế nào để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của một chàng trai thanh niên suốt ngày đi làm thuê không đủ cái ăn này. Rồi bữa nọ, vô tình trên tivi có chiếu bộ phim tài liệu về nghề nuôi dế ở miền Tây, trong đầu chàng trai lóe lên tia hy vọng. Góp chút tiền còm, Nguyễn Quang Huy khăn gói lên đường “tầm sư học đạo”. Sau những ngày học nghề, anh quay lại quê nhà Mê Linh bắt tay dựng nhà xưởng, mua dế giống về nuôi; và chỉ vài năm sau, cái tên Trại dế “Thiện An” của Huy được biết đến là cơ sở nuôi dế kinh doanh kết hợp làm du lịch lớn nhất Tây Nguyên. Ngày nay, du khách nước ngoài trên đường từ Đà Lạt xuống Nam Ban đều ghé qua cơ sở dế Thiện An, hoặc từ Nam Ban trên đường lên Đà Lạt, Thiện An là điểm dừng chân của du khách. Mê Linh nằm ngay trên trục đường từ Nam Ban của huyện Lâm Hà đi Đà Lạt nên rất thuận tiện cho sự dừng chân của du khách. Nhưng còn hơn thế, vì Thiện An là cơ sở nuôi dế thịt lớn nhất Tây Nguyên hiện nay. Tại đây, không ít du khách nước ngoài lần đầu tiên nhìn thấy đĩa dế chiên giòn đã không dám cầm muỗng, nhưng một khi có một con dế chiên giòn trôi xuống bụng rồi thì chiếc muỗng trong tay những “người Tây” ấy không còn chút ngại ngần.
Chuyến đi của chúng tôi hôm ấy chỉ gói gọn trong một ngày nên rất tiếc là chưa ghé được Cơ sở nấu rượu gạo Kiết Tường của ông Nguyễn Văn Lộc (cũng ở xã Mê Linh). Mặc dầu không tận mắt chứng kiến cảnh nấu rượu hoàn toàn thủ công nhưng nghe kể về chuyện làm ra rượu gạo của ông chủ Nguyễn Văn Lộc dạng cha truyền con nối với sản phẩm làm ra “từng giọt, từng giọt” cũng đủ làm tôi say. Thôi, thì hẹn dịp khác vậy!
Một vài suy nghĩ
Nói đến du lịch Lâm Hà là chỉ mới nói đến sự manh nha của nó chứ đây chưa thực sự là vùng đất có yếu tố kinh tế du lịch đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chỉ mới là manh nha thôi nhưng nền tảng du lịch của vùng đất kinh tế mới một thời nặng gánh chuyện cơm áo gạo tiền này xem ra khá vững chắc. Anh Phan Hữu Giản, một trong những người tiên phong trong đội quân đi khai khẩn đất hoang vùng kinh tế mới Lâm Hà và cũng là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của huyện Lâm Hà hiện đã nghỉ hưu, nói với chúng tôi rằng: “Lâm Hà là vùng đất của cây cà phê. Cây cà phê giúp nông dân Lâm Hà có của ăn của để từ lâu rồi. Giờ thì cần phải nghĩ đến chuyện mang phin cà phê đen tí tách từng giọt cho du khách ngắm vườn cà phê bạt ngàn ngào ngạt tỏa hương từ những chùm hoa trắng muốt. Rồi nữa, những vốn quý về văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số bản địa cũng là những điều kiện thiết yếu để Lâm Hà khai thác hoạt động kinh doanh du lịch trong tương lai. Thêm vào đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc miền núi phía Bắc mang theo vào Lâm Hà Nam Tây Nguyên mà không phải địa phương nào ở Lâm Đồng này cũng có được... Đó chính là tiềm năng du lịch của vùng đất kinh tế mới Lâm Hà cần được làm sống dậy, cần được khai thác một cách hợp lý và hiệu quả...”.
Trở lại với câu chuyện của Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Nguyễn Đức Tài: Theo anh Tài, huyện Lâm Hà vừa xây dựng xong kế hoạch tiếp tục thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch; trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường rà soát, quản lý các quy hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt; đồng thời, tăng cường xây dựng quy hoạch mới các khu và điểm du lịch, các làng nghề truyền thống... Đồng thời, huyện cũng sẽ đặc biệt chú trọng đến việc phối hợp nhiều nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng giao thông tới các khu điểm du lịch trên địa bàn toàn huyện; đầu tư xây dựng các hồ đập chứa nước, chú trọng trồng rừng nhằm tạo cảnh quan môi trường phục vụ phát triển du lịch. Dưới góc độ sản phẩm du lịch, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, Nguyễn Đức Tài, trong thời gian tới, cùng với việc liên kết với các địa phương khác (nhất là Đà Lạt) xây dựng các tour, địa phương sẽ chú trọng đúng mức đến việc phát triển sản phẩm du lịch độc đáo có tính đặc trưng riêng của địa phương; khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển một số mặt hàng đặc trưng để phục vụ du khách...
Rời vùng đất kinh tế mới Lâm Hà, chúng tôi nghĩ trong đầu: Đây là vùng đất đang chuyển mình, trong đó, có sự chuyển động từ kinh tế nông nghiệp thuần túy sang kinh tế du lịch mà vùng đất này xem ra rất giàu vốn nhưng vẫn đang còn trong dạng tiềm năng. Vậy, ngay từ lúc này, sao không đưa du lịch Lâm Hà với những “manh nha” từ các cơ sở vừa sản xuất và vừa kết hợp kinh doanh du lịch như Cường Hoàn, Thiện An, rượu gạo Kiết Tường... thành những vệ tinh của du lịch Đà Lạt? Và, nếu được như thế, bước chân của du khách khi dạo chơi bên dòng Đạ Dâng sẽ không còn đơn điệu, lạc lõng...
Ghi chép: KHẮC DŨNG