Mặc dầu vẫn còn 2 tháng nữa thì Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt mới kết thúc nhưng với những gì đã diễn ra trong 10 tháng qua, có thể nói đây là một năm du lịch được tổ chức khá thành công...
Mặc dầu vẫn còn 2 tháng nữa thì Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt mới kết thúc nhưng với những gì đã diễn ra trong 10 tháng qua, có thể nói đây là một năm du lịch được tổ chức khá thành công. Góp phần vào sự thành công đó, không thể không kể đến vai trò của các tỉnh Tây Nguyên lân cận của Lâm Đồng: Kon Tum, Đắc Lắc, Gia Lai và Đắc Nông.
Trong một báo cáo đánh giá kết quả triển khai các hoạt động Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt từ đầu năm đến nay, Ban Tổ chức nêu khái quát: “... tỉnh Lâm Đồng đã tích cực xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nội dung của Năm Du lịch quốc gia 2014, đặc biệt là kế hoạch phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên...”.
|
Tây Nguyên luôn hấp dẫn du khách |
Ngay từ đầu (từ năm 2013), một trong những hoạt động phối hợp giữa Lâm Đồng và 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông do Tổng cục Du lịch chủ trì được tổ chức khá thành công là chương trình khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch khu vực Tây Nguyên với sự tham gia của 60 đại biểu trung ương và 5 tỉnh Tây Nguyên diễn ra trong các ngày từ 25 - 31/5/2013. Tiếp đến, sau lễ khai mạc do Lâm Đồng tổ chức (từ 27/12/2013 - 1/1/2014) là hàng loạt các hoạt động của các tỉnh với nhiều quy mô khác nhau. Trong đó, đáng kể là các hoạt động như “Đêm Dray Sáp huyền thoại”, “Hội xuân Nâm Nung”, “Hội thảo liên kết phát triển các sản phẩm du lịch kết nối tuyến, điểm du lịch các tỉnh Tây Nguyên”, Tuần lễ Văn hóa - du lịch Đắc Nông chủ đề “Khám phá cao nguyên Mnông”... do tỉnh Đăc Nông tổ chức. Với tỉnh Đắc Lắc, đó là các hoạt động: Giải đua thuyền truyền thống Krông Ana, hội voi buôn Đôn, du lịch dã ngoại hồ Lắc “Hoang sơ và kỳ vĩ”... Với Gia Lai là các hoạt động: Phục dựng lễ “Mừng chiến thắng của người Banar”, liên hoan tượng gỗ và điêu khắc dân gian Gia Lai, triển lãm ảnh nghệ thuật “Vùng đất - con người Gia Lai và Tây Nguyên”... Với Kon Tum là những hoạt động lễ hội nhà rông Banar Kon Tum, Tuần Văn hóa - du lịch Măng Đen Kon Plông, liên hoan văn hóa ẩm thực dân gian Kon Tum, chương trình “Về với đại ngàn thông xanh Kon Plông”...
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, những hoạt động trên có giá trị tác động tích cực đến nội dung của chương trình Năm Du lịch quốc gia 2014 nói chung và với tỉnh Lâm Đồng nói riêng. Ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2014 cho biết: trong 2 tháng còn lại của Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt (từ tháng 10 - 12/2014) vẫn còn khá nhiều nội dung quan trọng đặt ra mà Lâm Đồng - đơn vị đăng cai - cùng với các cơ quan trung ương và các tỉnh Tây Nguyên phải dốc lòng thực hiện để hoàn thành một cách trọn vẹn nhất nhiệm vụ của mình. Trong đó, đáng chú ý là các hoạt động “Đà Lạt, sắc màu mùa đông” bế mạc Năm Du lịch 2014, Tuần Văn hóa trà Lâm Đồng... do tỉnh Lâm Đồng tổ chức; hội nghị quốc tế về du lịch Việt Nam, “Những ngày văn hóa Nhật Bản tại Đà Lạt, Lâm Đồng”, liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc và trình diễn trang phục dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên... (do các đơn vị trực thuộc Bộ VH-TT-DL chủ trì). Với các tỉnh Tây Nguyên còn lại, đó là các hoạt động: Tour famtrip “Du lịch Đắc Nông - hoang sơ và quyến rũ”... (Đắc Nông tổ chức); tour “Một thoáng Pleiku”, “Du ngoạn sông nước Ayun Hạ”, “Trekking đi bộ dã ngoại”... (Gia Lai tổ chức); “Hồ Lắc - hoang sơ và kỳ vĩ”... (do tỉnh Đắc Lắc tổ chức).
Không là hình thức mà các hoạt động phối hợp để phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2014 đã thực sự đi vào chiều sâu và có tính bền vững. Từ những kết quả đã đạt được (qua 10 tháng) và sẽ đạt được (trong 2 tháng tới), ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch của từng tỉnh Tây Nguyên nói riêng có quyền đặt kỳ vọng về những chương trình phối hợp lâu bền để cả khu vực Tây Nguyên là điểm đến thực sự hấp dẫn của du khách. Có thể nêu ví dụ: Ngoài những sản phẩm du lịch Tây Nguyên vừa mang tính đặc trưng cho cả vùng và vừa mang tính đặc trưng riêng của một tỉnh và của từng dân tộc, chúng ta có quyền hy vọng về một tour du lịch con đường xanh Tây Nguyên hoặc một tuyến du lịch con đường di sản từ miền Trung kết nối với cả khu vực Tây Nguyên. Rất có thể, câu trả lời về vấn đề này sẽ được nêu ra trong các hoạt động còn lại của 2 tháng cuối thuộc khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt bằng những hoạt động cụ thể của 5 tỉnh Tây Nguyên.
KHẮC DŨNG