(LĐ online) - Cụm từ này đã được nhắc đến nhiều và tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong thời gian vừa qua. Khái niệm "Du lịch có trách nhiệm" có thể hiểu nôm na theo một cách đơn giản nhất, đó là: Giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội và môi trường; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư điểm đến, cải thiện điều kiện việc làm và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho ngành du lịch...
(LĐ online) - Cụm từ này đã được nhắc đến nhiều và tràn ngập trên các phương tiện truyền thông trong thời gian vừa qua. Khái niệm “Du lịch có trách nhiệm” có thể hiểu nôm na theo một cách đơn giản nhất, đó là: Giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội và môi trường; mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư điểm đến, cải thiện điều kiện việc làm và tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho ngành du lịch; khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cơ hội mưu sinh của họ; góp phần tích cực vào việc bảo tồn các di sản tự nhiên và văn hóa, duy trì tính đa dạng; mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch thông qua giao tiếp với cộng đồng địa phương, qua đó giúp họ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, xã hội và môi trường bản địa; tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dễ dàng hơn các dịch vụ du lịch; tăng cường sự tôn trọng hiểu biết lẫn nhau giữa khách du lịch và cộng đồng điểm đến, tạo dựng niềm tin và tự hào của người dân tại các điểm du lịch.
“Du lịch có trách nhiệm”, không phải là khái niệm hay một loại hình mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam và với Đà Lạt (điểm đến nổi tiếng) cũng không phải là ngoại lệ. Ngành “công nghiệp không khói” từ lâu đã được xem là nền kinh tế động lực (bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao), là bệ phóng để Lâm Đồng có thể tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, vấn đề “trách nhiệm” đối với du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trong thời gian vừa qua lại diễn ra quá chậm theo nhiều chiều, trên nhiều yếu tố, nhất là ở khía cạnh giảm thiểu các tác động về môi trường.
Không khó để nhận biết, môi trường có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của du lịch Lâm Đồng. Cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành… là “món quà quý giá” mà tạo hóa ban tặng cho mảnh đất này và đây cũng chính là thỏi “nam châm” hút du khách tìm đến với Đà Lạt. Nếu tách rời hai điều này, hẳn nhiên yếu tố “cung - cầu” sẽ không còn tồn tại.
Và cũng không khó để dễ dàng nhận thấy, sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm trong việc bảo tồn, khai thác yếu tố môi trường đang khiến các khu, điểm du lịch nổi tiếng đã trở thành thương hiệu của mảnh đất này đang dần bị “bào mòn”; bởi thời gian năm tháng không ít trong số đó đã trở thành hoài niệm xưa cũ, chỉ còn lại cái tên, hoặc tồn tại trên một áng thơ, câu văn, điệu nhạc đẹp lãng mạn nào đó như thác Cam Ly, hồ Than Thở…
Chính quyền và những người trách nhiệm với du lịch Đà Lạt trong thời gian vừa qua đã có nhiều nỗ lực trong việc cải tạo môi trường, nhằm lấy lại vẻ đẹp nguyên sơ của những danh thắng này, qua đó thay đổi, cảm nhận không tốt của du khách… Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, dù đã rất nỗ lực nhưng như vậy vẫn chưa đủ để hàn gắn, sửa lại những gì thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Lạt và còn những danh thắng nào tiếp theo của “thiên đường” Đà Lạt sẽ bị “bào mòn” như Cam Ly, Than Thở… nếu chúng ta vẫn dễ dãi về các yếu tố môi trường, xã hội, không gắn hai chữ “trách nhiệm” đối với một nền du lịch bền vững.
Đã đến lúc chúng ta phải “trả phí” cho Đà Lạt, câu hỏi này đã được đưa ra trong rất nhiều hội thảo không chỉ quốc gia mà còn mang tầm khu vực. Nhưng câu hỏi ấy vẫn chưa được trả lời một cách quyết liệt và thỏa đáng. Rất nhiều danh thắng của thương hiệu Đà Lạt vẫn đang bị “ăn mòn" từng ngày bởi ô nhiễm môi trường, trong khi đó sự khắc phục lại rất “đủng đỉnh”. Để có thể hướng tới một nền “Du lịch trách nhiệm”, hẳn nhiên cần phải có sự vào cuộc của chính quyền với những quy định chặt chẽ, cụ thể, sự “tử tế” của du khách và lòng tự hào cũng như ý thức của ngay bản thân mỗi người dân bản địa. Mà tạo dựng được những điều tưởng chừng như giản đơn đó, lại là cả một vấn đề không đơn giản, chúng cần tâm huyết và thời gian rất dài. Vấn đề trách nhiệm với du lịch đã được khởi động, không phải từ bây giờ, đây có lẽ là thời điểm thích hợp để tăng tốc… nếu không sẽ chẳng bao giờ về được đến đích.
Người ta vẫn thường so sánh, du lịch như “con ngỗng đẻ trứng vàng”, nhưng hãy đặt một giả thiết, nếu con ngỗng ấy không được chăm bẵm, nuôi dưỡng bằng những phương thức bảo vệ tốt nhất, sẽ có một ngày chúng không còn “đẻ trứng” được nữa. Du lịch Đà Lạt có thể được nhìn nhận bằng hình ảnh ấy.
Kết thúc câu chuyện này, tôi liên tưởng đến một câu chuyện khác ở đất nước Nepal. “Nóc nhà của thế giới” Everest là đỉnh núi bẩn nhất thế giới với 50 tấn rác thải bị bỏ lại sau mỗi mùa du lịch, cho dù rất nỗ lực những tổ chức EEE (Eco Everest Expedition) mỗi năm cũng chỉ giải quyết được 13 tấn. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Nepal đã ra một quy định bắt buộc đối với tất cả các nhà thám hiểm, leo núi, du khách… phải mang xuống 8kg chất thải, nếu không sẽ bị phạt 4.000USD (đã được thu trước khi chinh phục đỉnh núi).
Tất cả sự so sánh đều khập khiễng, nhưng câu chuyện ở đất nước Nepal xa xôi, biết đâu sẽ là một gợi ý mở cho vấn đề môi trường ở khu, điểm danh thắng của Đà Lạt - Lâm Đồng.
Tuấn Linh