Có rất nhiều những đặc sản mà người dân đồng bằng miền Tây mời khách trong mùa nước nổi.
Có rất nhiều những đặc sản mà người dân đồng bằng miền Tây mời khách trong mùa nước nổi.
Năm nay nước lũ về ít quá” - một đồng nghiệp ở Báo Đồng Tháp trầm ngâm nhìn ra cánh đồng khi đưa chúng tôi đi thăm một khu sinh thái để “biết thế nào là một Đồng Tháp Mười” mùa nước nổi.
|
Cá linh cùng bông điên điển |
Hai bên đường, một bên là con kênh dài nước ngầu đỏ, một bên là cánh đồng ngập nước trải rộng đến mênh mông, trên đồng thỉnh thoảng lại thấy những vạt hoa điên điển trổ vàng, những vạt tràm thấp thoáng phía xa. Và rất nhiều người dân đi xuồng đánh bắt cá.
Mùa nước nổi đã bắt đầu từ một hai tháng trước và còn kéo dài thêm vài tháng nữa. Như anh bạn đồng nghiệp cho biết, mỗi năm, nơi đây phải đến 4 - 5 tháng mùa nước nổi. Nông dân trong mùa nước nổi xứ Đồng Tháp và cả miền Tây trong mùa này theo anh không làm lúa được thì quây ruộng lại bằng lưới để nuôi cá, hoặc đi đánh bắt cá ngoài đồng.
Dù có những tác động tiêu cực nhất định nhưng nước lũ từ thượng nguồn đổ về mang theo rất nhiều nguồn lợi cho người dân sinh sống nơi đây. Ruộng đồng được bón thêm phù sa màu mỡ, rửa trôi đất phèn, đẩy nước mặn ra xa cửa biển… Và đặc biệt là các nguồn lợi từ thủy sản. Đây là mùa đánh bắt cá chính trong năm với rất nhiều loại cá. Nhiều người dân xứ rốn lũ Đồng Tháp này, khi chúng tôi có dịp hỏi chuyện, ai cũng bảo nước lũ về làm cuộc sống họ vui hơn, là dịp để họ ra đồng kiếm thêm chút ít thu nhập, cải thiện cuộc sống. Cá mùa này đánh bắt được rất nhiều, không ăn hết thì bán, phơi khô, làm mắm để dùng dần trong năm...
Nhiều món cá đồng đặc sản mùa lũ mà những người đồng nghiệp làm báo ở miền Tây mang ra mời chúng tôi trong chuyến đi 10 ngày của đoàn phóng viên Báo Lâm Đồng đến đây. Ở An Giang, chúng tôi được mời thưởng thức món lẩu cá linh với bông điên điển vàng ươm cùng thân bông súng làm rau. Điên điển là một loài hoa dại, mọc ngoài đồng, chỉ nở vào mùa nước lũ, vừa là hoa, vừa là rau, ăn vào nhân nhẩn, có vị rất độc đáo. Còn cá linh chỉ có trong mùa nước nổi, từ thượng nguồn Campuchia tràn về Việt Nam được người dân rào lưới để bắt lại, chỉ có ở những tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long tại Việt Nam như An Giang, Đồng Tháp, Long An, các tỉnh phía dưới ít dần. Cá linh con nhỏ như đầu ngón tay hoặc lớn hơn một chút, rất hợp khi nấu với các loại rau miệt đồng bằng nơi đây.
Tại Đồng Tháp chúng tôi được thưởng thức món “sóc tràm”, hay thịt chuột đồng theo cách gọi của người dân nơi đây. Mùa nước nổi, chuột đồng chạy lũ bằng cách tràn vào rừng tràm và leo lên cây, người dân chỉ chèo xuồng vào các vạt tràm và bắt chúng. Những con chuột đồng béo nẫng mang đi thui, thịt ướp gia vị, nướng vàng, tỏa mùi thơm.
Và cuối cùng một đặc sản xứ đồng bằng không thể bỏ qua là cơm từ gạo huyết rồng. Đây là một giống lúa trời quí, được thuần dưỡng, sinh trưởng đến 6 tháng, chỉ trồng được một mùa duy nhất trong năm ở những vùng đất ngập sâu. Gạo huyết rồng có màu đỏ thẫm, trông như gạo lứt rất thơm, nhai kỹ có vị ngọt. Khi nấu được trộn lẫn với hạt sen.
Hãy còn rất nhiều thứ sản vật đồng bằng nữa trong mùa nước nổi như rắn, rùa, ốc… được chế biến rất ngon và điệu nghệ. Hương vị mùa nước nổi ai đến một lần sẽ nhớ mãi.
GIA KHÁNH