Trong chuyến đi miền Tây, đoàn chúng tôi ghé lại tỉnh Bến Tre. Bữa cơm trưa đầu tiên ở Khách sạn Hùng Vương nằm ven sông Tiền, chúng tôi đưa ra lời đề nghị hơi... khiếm nhã nhưng rất thật bụng rằng "Giá mà có được món cá bống dừa đặc sản của miệt vườn Bến Tre?"...
Trong chuyến đi miền Tây, đoàn chúng tôi ghé lại tỉnh Bến Tre. Bữa cơm trưa đầu tiên ở Khách sạn Hùng Vương nằm ven sông Tiền, chúng tôi đưa ra lời đề nghị hơi... khiếm nhã nhưng rất thật bụng rằng “Giá mà có được món cá bống dừa đặc sản của miệt vườn Bến Tre?”. Mấy nhân viên nhà hàng cười hiền và ngay trong bữa cơm chiều, đoàn được chiêu đãi món cá bống dừa kho tiêu khiến cho nhân viên phải bưng dọn lên nhiều hơn những đĩa cơm trắng.
|
Cá bống dừa Bến Tre thường trú ngụ ở những rặng dừa nước |
Trong bữa ăn, câu chuyện về cá bống dừa Bến Tre giữa chủ và khách trở nên sôi nổi hơn. Chủ nhà bảo rằng, ở Bến Tre, cá bống dừa có quanh năm. Nhưng, cái món đặc sản này không hiểu tại sao cho đến giờ vẫn chưa thể đăng ký thương hiệu được. Thường thì bà con miệt vườn chỉ câu cá bống dừa để “ăn chơi” thôi chứ không mấy khi kinh doanh loại đặc sản này. Bởi vậy, ở những chợ trung tâm, thi thoảng lắm mới thấy dăm ký cá bống dừa được nhà vườn đem ra bày bán. Cũng bởi vậy, cô nhân viên nhà hàng Hùng Vương bảo rằng “Chúng em chạy đến hai, ba cái chợ mới có được hơn ký cá này đấy!”.
Chúng tôi hỏi cô nhân viên: “Cá bống dừa này được câu trong trái dừa hay bắt trong bẹ cây dừa nước?”. Cô nhân viên lắc đầu: “Em chịu thôi!”. Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Báo Đồng Khởi giải thích: “Nhìn hình dáng con cá là biết ngay: Con nào có dáng hơi dài và màu bạc hơn là được câu hoặc bắt ngoài trời. Còn con nào có dáng “lùn” hơn, đầu to hơn và màu da đen bóng là câu trong trái dừa”. Theo bạn đồng nghiệp giảng giải, ở Bến Tre, dừa nhiều vô kể (diện tích lớn nhất nước). Khi trái dừa có cơm vừa tới độ “nạo” thì hay bị sóc hoặc chuột khoét vỏ ăn. Con sóc khôn hơn con chuột nên chúng thường đục trái dừa ở phần dưới cho dừa chảy hết nước ra ngoài rồi mới ăn cơm dừa. Còn con chuột thì thường “ăn tạp” hơn nên thường đục lỗ ở phần gần cuống trái dừa để “ăn nhanh”. Trái dừa bị sóc hoặc chuột ăn sẽ bị héo và rụng xuống mương nước, đìa nước. Đến lúc này, phần cơm dừa còn lại sẽ là phần nuôi cá bống đen - còn gọi là cá bống dừa là vì vậy. Một trái dừa khi rụng xuống nước thường nuôi được cả một đời con cá: Nó chui vào trong và ở luôn bên trong trái dừa. Cũng bởi vậy mà bống dừa có màu đen trũi (không tiếp xúc được nhiều với ánh sáng bên ngoài). Nhưng ở Bến Tre xứ dừa, ngoài cá bống dừa sống trong trái dừa thì cá bống dừa sống trong bẹ cây dừa nước và trong những mương rạch cũng hằng hà sa số. Dân miệt vườn Bến Tre bắt cá bống dừa bằng nhiều cách; nhưng có lẽ đi câu vẫn là thú vị nhất. Câu cá bống dừa có điều lý thú là không cần lưỡi câu như cách câu nhiều loại cá khác: Cứ chọn quả dừa nào có cái lỗ bị chuột hoặc sóc moi ăn là thả cái cần câu có sợi cước móc nhúm trùn cơm là cá ăn ngay. Hoặc cũng có thể chọn nơi dừa nước xăm xắp nước đến bẹ dừa thả cần là có cá.
|
Ảnh: Tư liệu |
Bữa cơm chiều hôm ở Khách sạn Hùng Vương được ăn món cá bống dừa kho tiêu, dân miền núi chúng tôi ai ai cũng khen ngon và hầu hết đều xin được xới thêm ít nhất một bát cơm nóng. Bạn đồng nghiệp của Báo Đồng Khởi bảo rằng: “Hơi tiếc là nhà hàng mua chỉ được ít cá và chỉ chế biến được một món cá bống dừa kho tiêu. Nếu các anh ở lại, tôi sẽ tự tay làm món cá bống dừa chiên giòn xé nhỏ trộn với xoài để đãi cả đoàn!”. Theo anh, cá bống dừa sống trong trái dừa ngon đáo để bởi nhờ nó ăn cơm dừa nên thịt thơm hơn và đặc biệt là chỗ hai cái mép nó béo ngậy. Ở nhà hàng của Khách sạn Hùng Vương đãi món cá bống dừa kho tiêu có nước cốt dừa và lá cách (món lá đặc sản của miền Tây) là đã rất ngon rồi; nhưng nếu như “lai rai” thì món này phải chiên lên rồi xé nhỏ trộn với gỏi xoài cùng với vài món rau thơm thì “đưa cay” đến “tuyệt cú mèo”! Thật, chỉ mới nghe anh nói thôi mà trong đoàn “dân xứ núi” chúng tôi ai cũng... rỏ dãi!
Theo lịch trình, sáng hôm sau, chúng tôi phải rời Bến Tre để về Long An. Thôi thì đành lỡ hẹn với món cá bống dừa Bến Tre chiên giòn bóp gỏi xoài của bạn đồng nghiệp!
KHẮC DŨNG