Một trong những thông điệp được các đại biểu tham dự hội thảo nói trên phát đi đó là các địa phương thuộc Tây Nguyên và ngoài Tây Nguyên cần xây dựng cho mình những sản phẩm du lịch đặc thù, tránh trùng lắp, đủ sức thu hút du khách để làm cơ sở liên kết phát triển du lịch cả vùng.
Mới đây, tại Đắc Nông, đại diện ngành du lịch các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh, thành trong khu vực đã có cuộc gặp gỡ để bàn về chuyện liên kết phát triển du lịch vùng Tây Nguyên (và không chỉ Tây Nguyên) tại một hội thảo có chủ đề “Liên kết phát triển các sản phẩm du lịch, kết nối tuyến, điểm du lịch các tỉnh Tây Nguyên”. Với Lâm Đồng, việc liên kết để phát triển du lịch đã được triển khai từ nhiều năm qua, và phạm vi cũng đã được mở rộng ra khá nhiều tỉnh, thành trong nước.
|
Nét đẹp văn hóa Tây Nguyên luôn hấp dẫn du khách |
Một trong những thông điệp được các đại biểu tham dự hội thảo nói trên phát đi đó là các địa phương thuộc Tây Nguyên và ngoài Tây Nguyên cần xây dựng cho mình những sản phẩm du lịch đặc thù, tránh trùng lắp, đủ sức thu hút du khách để làm cơ sở liên kết phát triển du lịch cả vùng.
Với thông điệp này, chúng tôi chợt nhớ đến mối quan hệ liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và Bình Thuận theo hướng du lịch sinh thái rừng và du lịch sinh thái biển. Tại một buổi sơ kết chương trình hợp tác của hai địa phương được tổ chức gần đây, một thông tin mang tính khái quát làm vui lòng nhiều đại biểu: Du lịch Bình Thuận với những sản phẩm về sinh thái biển, văn hóa Chăm, làng nghề duyên hải... và du lịch Lâm Đồng với những sản phẩm về làng hoa, festival hoa, văn hóa cồng chiêng, văn hóa trà, thể thao mạo hiểm địa hình... đã thực sự thu hút du khách. Đặc biệt, hiệu quả của sự liên kết phát triển du lịch giữa Lâm Đồng và Bình Thuận trong những năm gần đây đã được thể hiện rõ ở những hoạt động cụ thể như thu hút du khách đến với festival hoa Đà Lạt, lễ hội văn hóa trà Lâm Đồng, Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt...; lễ hội Nghinh Ông, lễ hội khinh khí cầu... Cũng có thể kể thêm, sự liên kết giữa hai tỉnh đã thực sự có “sức nặng” bằng những hoạt động của hai địa phương như chương trình “Bình Thuận - hè về, biển gọi” của Bình Thuận và chương trình “Hành trình đến với thành phố hoa Đà Lạt” của Lâm Đồng. Có thể nói, trong mối quan hệ liên kết này, hai sản phẩm du lịch đặc thù của hai địa phương là “rừng” (Lâm Đồng) và “biển” (Bình Thuận) đã thực sự thu hút được du khách, mang lại hiệu quả cao trong thực tế.
Cũng mới đây, tại Đà Lạt, ngành du lịch Lâm Đồng cũng đã tổ chức sơ kết chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Đà Nẵng, Cần Thơ và Kiên Giang từ 2010 đến nay. Tại hội nghị sơ kết, đại biểu các tỉnh bạn đánh giá cao vị trí của du lịch Lâm Đồng với thế mạnh của các sản phẩm “du lịch rừng” mang tính đặc thù đã có tác động tích cực đến sự phát triển du lịch của địa phương bạn trong mối quan hệ liên kết để phát triển du lịch. Về phần mình, lãnh đạo ngành du lịch Lâm Đồng cũng đã đánh giá cao sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của các tỉnh bạn đã có tác động không nhỏ đến sự phát triển du lịch của “vùng rừng núi” Lâm Đồng. Ngoài các địa phương vừa kể, mới đây nhất, cùng với việc mở đường bay Đà Lạt - Vinh, ngành du lịch hai tỉnh Lâm Đồng và Nghệ An cũng đã ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa hai địa phương giai đoạn 2014 - 2020. Tại lễ ký kết, sau khi đánh giá tiềm năng du lịch của hai địa phương, các đại biểu còn “chốt” lại vấn đề hợp tác với 4 nội dung chính; và một trong 4 nội dung này là “phát triển sản phẩm du lịch đặc thù”. Còn với các tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng không chỉ là một đối tác có thế mạnh hàng đầu (Đà Lạt - thủ phủ du lịch Tây Nguyên) mà còn là “đầu mối” trong quan hệ hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các tỉnh và giữa các tỉnh với nhau. Nói cách khác, Lâm Đồng đóng vai trò là tâm điểm trong mối liên kết với 4 tỉnh còn lại. Bởi vậy, du lịch Lâm Đồng cần thể hiện rõ mình hơn trong sản phẩm du lịch đặc thù để vừa không trùng lắp và vừa tỏ rõ vai trò trung tâm du lịch trong quá trình vận hành cả guồng máy du lịch của cả vùng Tây Nguyên.
Ngày nay, một khi du lịch không còn đất để cát cứ như cách nay vài chục năm thì sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương càng thể hiện vai trò quyết định về sự phát triển du lịch của địa phương đó trong mối quan hệ liên kết để phát triển du lịch cả vùng. Và, Lâm Đồng cũng là địa phương không nằm ngoài sự chi phối mang tính quy luật của sự vận động phát triển đó!
Thi Hoàng