Động lực để phát triển du lịch Tây Nguyên - Đà Lạt bền vững và hiệu quả

09:12, 31/12/2014

Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt họp tổng kết, đánh giá lại một năm hoạt động, rút ra những bài học kinh nghiệm và những việc cần tiếp tục thực hiện để phát triển du lịch Tây Nguyên (TN) - Đà Lạt theo hướng bền vững và hiệu quả...

Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia (NDLQG) 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt họp tổng kết, đánh giá lại một năm hoạt động, rút ra những bài học kinh nghiệm và những việc cần tiếp tục thực hiện để phát triển du lịch Tây Nguyên (TN) - Đà Lạt theo hướng bền vững và hiệu quả... ngay sau khi Lễ Bế mạc NDLQG 2014 và chuyển giao cờ cho tỉnh Thanh Hóa - đơn vị đăng cai tổ chức NDLQG 2015 kết thúc.
 
Ông Hoàng Tuấn Anh trao bằng khen cho các đơn vị ở Tây Nguyên
Ông Hoàng Tuấn Anh trao bằng khen cho các đơn vị ở Tây Nguyên
 
NDLQG 2014 Tây Nguyên - Đà lạt với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên” là sự kiện văn hóa - du lịch tiêu biểu, có quy mô quốc gia và mang tầm quốc tế, được đánh giá đã đạt mục tiêu là tôn vinh và quảng bá về hình ảnh thiên nhiên và con người nơi đại ngàn TN hùng vĩ nói chung và những vẻ đẹp nên thơ, hiền hòa, mến khách của người dân Lâm Đồng - Đà Lạt nói riêng, đến bạn bè trong nước, khu vực và quốc tế. Qua đó, kết nối và khai thác thế mạnh về thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, di sản văn hóa phong phú và đặc sắc của 5 tỉnh TN thành chuỗi hoạt động xuyên suốt; đồng thời, là cơ hội để chỉnh trang cơ sở hạ tầng du lịch, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển… Tổng thể NDLQG 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt có tất cả 74 hoạt động, trong đó, có 13 hoạt động do Bộ VH-TT&DL chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức, 46 hoạt động do tỉnh Lâm Đồng tổ chức, 15 hoạt động do các tỉnh Tây Nguyên tổ chức. Đa số hoạt động được xã hội hóa với 34 đơn vị tài trợ, giúp chủ động hơn trong thực hiện các chương trình... Trong năm 2014: tổng lượt khách đến TN đạt khoảng 6 triệu, doanh thu xã hội từ du lịch đạt trên 10 ngàn tỷ đồng; riêng Đà Lạt - Lâm Đồng, đạt khoảng 4,8 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 8.500 tỷ đồng... 
 
Đại diện các tỉnh Tây Nguyên có chung nhận xét: Mặc dù còn gặp khó khăn, nhưng các tỉnh đều dồn kinh phí cho hoạt động NDLQG, thực hiện tốt các kế hoạch đặt ra tại địa phương mình... Tuy nhiên, do giao thông đường bộ ở TN còn khó khăn, nên sự liên kết và các hoạt động xúc tiến chung còn rời rạc; mô hình du lịch ở các tỉnh giống nhau, sản phẩm du lịch chung chưa rõ nét. Vì vậy, cần thêm sự hỗ trợ của Trung ương trong đầu tư cơ sở hạ tầng để kích cầu du lịch... Ông Trần Việt Hùng cho rằng, NDLQG 2014 đã góp phần nâng cao nhận thức của các tỉnh TN trong hoạt động du lịch; làm sống động và khơi dậy văn hóa truyền thống; là cơ hội để các tỉnh TN làm mới và nâng cấp sản phẩm du lịch; là điều kiện để Bộ và các tỉnh nhìn nhận về tiềm năng, thế mạnh của du lịch các tỉnh TN... Ban Chỉ đạo TN thống nhất năm 2015 sẽ làm tiếp 2 việc: Thành lập hiệp hội du lịch các tỉnh TN, để bàn bạc và chia sẻ có trách nhiệm về hoạt động du lịch; và tổ chức hội thảo sản phẩm liên kết du lịch vùng TN. Đại diện Bộ Ngoại giao, ghi nhận văn hóa TN đóng góp rất nhiều vào hoạt động du lịch, đã góp phần giới thiệu một sắc thái rất riêng của vùng TN đến bạn bè quốc tế và đề xuất các tỉnh nên tận dụng hơn 100 cơ quan đại diện nước ngoài ở Việt Nam trong việc quảng bá và kêu gọi đầu tư cho địa phương mình.
 
Theo ông Phạm Đăng Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đơn vị đăng cai tổ chức NDLQG 2015: NDLQG 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt đã khép lại bằng những thành quả nổi bật trong một không gian hùng vĩ, mang đến sắc thái rất riêng của miền đất TN, để lại trong lòng du khách trong và ngoài nước nhiều ấn tượng tốt đẹp về một miền di sản với không gian văn hóa cồng chiêng và những lễ hội vô cùng đặc sắc của vùng đất giàu chất sử thi Tây Nguyên - Lâm Đồng - Đà Lạt. Thành công của NDLQG 2014 là kinh nghiệm quý để tỉnh Thanh Hóa phát huy và tổ chức với kết quả tốt nhất NDLQG 2015 với chủ đề “Kết nối các di sản thế giới”.
 
Ông Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: du lịch Lâm Đồng là ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực để thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển. NDLQG  2014 mở ra một giai đoạn mới cho du lịch TN nói chung và du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt nói riêng. Những điều chưa đạt được như ý trong NDLQG 2014, đặt ra cho Lâm Đồng và các tỉnh TN nhiệm vụ phải nỗ lực và cố gắng nhiều hơn trong thực hiện chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển du lịch Lâm Đồng - Đà Lạt và vùng TN thời gian tới... 
 
Ông Hoàng Tuấn Anh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các tỉnh TN, đặc biệt là sự chủ động, sáng tạo của tỉnh Lâm Đồng... Ông cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh TN thực hiện việc phát triển văn hóa, con người VN, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; trong đó, tập trung phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với du lịch và đẩy mạnh phát triển du lịch VN trong tình hình mới và coi sự liên kết là đòn bẩy để thúc đẩy sự tăng trưởng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng sản phẩm thương hiệu đặc thù của các tỉnh TN, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch để du lịch thực sự phát triển bền vững và hiệu quả...; tạo điều kiện cho TN tiếp cận những chính sách, dự án lớn trong và ngoài nước để giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư cho cả vùng TN... Chủ động phối hợp với các tỉnh thành có di sản tổ chức thành công NDLQG 2015...
 
Nhân dịp này, Bộ VHTT&DL tặng bằng khen cho 17 tập thể và 10 cá nhân; UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen cho 35 tập thể, 19 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Năm Du lịch 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt.
 
LÊ HOA