Bản "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" được Tổng cục Du lịch triển khai trong Tuần Văn hoá du lịch và bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2014 mới đây diễn ra tại Đà Lạt là cơ sở định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch của vùng, đề ra các nhóm sản phẩm hấp dẫn thu hút thị trường khách du lịch trong và ngoài nước.
Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt khép lại với sự thành công trên nhiều phương diện, đồng thời mở ra một “chương” mới cho lộ trình phát triển du lịch của cả vùng mà sự kỳ vọng đặt vào bản “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, xác định phát triển đồng thời du lịch văn hoá, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng núi, đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố lấy du lịch văn hoá với hạt nhân là giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên làm nền tảng để phát triển các loại hình du lịch.
|
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cùng lãnh đạo Tổng cục Du lịch chủ trì hội nghị triển khai quy hoạch |
Bản “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Tổng cục Du lịch triển khai trong Tuần Văn hoá du lịch và bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2014 mới đây diễn ra tại Đà Lạt là cơ sở định hướng tổ chức không gian phát triển du lịch của vùng, đề ra các nhóm sản phẩm hấp dẫn thu hút thị trường khách du lịch trong và ngoài nước. “Sự kết nối giữa vùng, miền mang tính tất yếu. Bởi không có ngành kinh tế nào lại mang tính liên kết cao như trong phát triển du lịch. Vì thế, đối với 5 tỉnh Tây Nguyên, nếu đạt được nhận thức chung về phát triển du lịch mới thúc đẩy phát triển các vấn đề khác một cánh đồng bộ” - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho hay.
Trong khuôn khổ triển khai “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch cũng tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai quy hoạch với 5 tỉnh Tây Nguyên. Qua đó thực hiện các nhiệm vụ phổ biến đề án, xây dựng các chương trình hợp tác, liên kết trong huy động vốn đầu tư, xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm du lịch vùng. Đồng thời hợp tác, liên kết cùng cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; thực hiện điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch phù hợp với thế mạnh của từng địa phương và không gian du lịch vùng. |
Bản quy hoạch này đề ra chiến lược phát triển du lịch Tây Nguyên theo hướng tăng cường liên kết giữa vùng Tây Nguyên với các vùng khác trong cả nước và liên kết quốc tế để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương trên vùng đất Tây Nguyên. Trên cơ sở phát huy những giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên nhằm phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… đồng thời với việc bảo tồn. Qua đó, khai thác phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch xanh để tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Không gian phát triển du lịch của vùng bao hàm các đặc điểm nổi trội về tài nguyên thiên nhiên, khai thác phục vụ du lịch tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, kỳ nghỉ tuần trăng mật trên núi… và các giá trị nhân văn, sinh thái nông nghiệp, nghiên cứu văn hoá, truyền thống các dân tộc bản địa… trải đều trên các tỉnh Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính: nghiên cứu, tìm hiểu các di sản văn hoá các dân tộc; du lịch sinh thái Tây Nguyên, nghỉ dưỡng núi và hồ trên núi, thể thao mạo hiểm với các chuyên đề. Trong đó khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch theo các chuyên đề, đặc biệt như vượt thác, thám hiểm rừng nguyên sinh, leo núi, khinh khí cầu, nhảy dù… để từ đấy khai thác các thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế gần với Việt Nam là các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc… và xa hơn là Bắc Mỹ, Tây Âu. Ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch là quan trọng nhất, đó là đích để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Du khách đến nghiên cứu, trải nghiệm, chia sẻ với cộng đồng những khám phá và sự hiểu biết của mình về con người, vùng đất Tây Nguyên sẽ tạo sự lan toả đến các đối tượng du khách khác.
Để thực hiện quy hoạch cần một khoản đầu tư lớn lên đến 60.270 tỷ đồng, tương đương hơn 2,9 tỷ USD. Với lượng vốn lớn đó cần đa dạng nguồn vốn đầu tư bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ODA, vốn FDI và vốn huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước… Qua đó, xác định vốn huy động từ các thành phần kinh tế là chủ yếu, còn vốn đầu tư từ ngân sách chỉ hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch được bố trí dựa vào khả năng cân đối ngân sách hàng năm và theo tiến độ từng giai đoạn. Từ nguồn vốn huy động sẽ tập trung đầu tư hình thành 3 địa bàn trọng điểm du lịch với các sản phẩm du lịch đặc trưng. Phát triển 4 khu du lịch quốc gia, 4 điểm du lịch quốc gia, 1 đô thị du lịch tại địa bàn có vị trí đặc biệt là Đà Lạt và các khu, điểm du lịch địa phương được xác định hướng không gian du lịch vùng. Đồng thời thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá và xây dựng thương hiệu du lịch Tây Nguyên, bảo tồn, tôn tạo phát triển tài nguyên du lịch, phát triển hạ tầng du lịch có tính then chốt. Từ việc xác định không gian phát triển, các sản phẩm chính, nguồn lực đầu tư du lịch nêu trên không nằm ngoài mục tiêu chung đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ, xây dựng được các sản phẩm đặc trưng của vùng có thương hiệu trên bản đồ du lịch. Qua đó, đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thông qua Năm Du lịch quốc gia 2014 Tây Nguyên - Đà Lạt, qua thống kê của các tỉnh, ước lượng khách đến nơi đây đạt khoảng 6 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2013. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 400 ngàn lượt, tăng 7%. Điều đó làm cơ sở để đặt ra chỉ tiêu, bên cạnh khách du lịch nội địa, năm 2015 thu hút 450 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 13,8%/năm; năm 2020 thu hút 800 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 12,2%/năm và năm 2030 lượng khách quốc tế đến Tây Nguyên là 1,8 triệu lượt, đạt mức tăng trưởng 8,0%/năm. Tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2015 đạt 5.330 tỷ đồng, năm 2020 đạt 11.070 tỷ đồng và năm 2030 đạt 26.240 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt đang triển khai quy hoạch Đà Lạt mở rộng, trong đó xây dựng thành phố trở thành đô thị du lịch của cả nước nên phù hợp với quy hoạch phát triển chung Tây Nguyên. Việc công bố quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Tây Nguyên, cùng với bản quy hoạch Đà Lạt mở rộng là cơ hội để Lâm Đồng liên kết cùng các tỉnh trong vùng phát triển du lịch. Lâm Đồng sẽ thực hiện nghiêm túc bản quy hoạch này theo tinh thần phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá khu vực.
XUÂN TRUNG