Những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi hạ sơn lúc sương khói đẫm lạnh và bảng lảng để xuôi về nơi đô hội nhất phía nam, thành phố Hồ Chí Minh. Cư dân Đà Lạt làm du khách sinh thái Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới, còn gì bằng...
Những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi hạ sơn lúc sương khói đẫm lạnh và bảng lảng để xuôi về nơi đô hội nhất phía nam, thành phố Hồ Chí Minh. Cư dân Đà Lạt làm du khách sinh thái Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thế giới, còn gì bằng. Càng phấn chấn tin KDTSQ Cần Giờ vừa lọt vào Top 100 địa điểm du lịch bền vững thế giới năm 2014 (The Sustainable Destinations Global Top 100). Đây là sáng kiến chung của 4 tổ chức hàng đầu về du lịch bền vững: TravelMole.com, Vision on Sustainable Tourism, Totem Tourism and Green Destinations và Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu.
|
Du khách thong dong hòa mình giữa hệ sinh thái đa dạng và yên bình |
“Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”
Cùng hành trình với dân Tây Nguyên chúng tôi còn có gần 30 người đến từ Hà Nội, Bình Thuận và Cà Mau. Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh có rừng ngập mặn gắn với mạng lưới sông rạch quanh co uốn khúc. Để đi ra biển Cần Giờ, mọi phương tiện đường bộ và người cùng qua phà Bình Khánh trong mênh mang sông nước dạt dào… Rời phà, du khách du ngoạn trên con đường có tên Rừng Sác, dài 31km, 6 làn xe, khánh thành năm 2011 với tổng kinh phí đầu tư 1.500 tỷ đồng. Hai bên đường, miên man xanh của rừng đước… Rừng Cần Giờ là một trong những cánh rừng đẹp nhất Đông Nam Á, là KDTSQ thế giới đầu tiên ở Việt Nam được UNESCO công nhận vào năm 2000, và đoạt giải thưởng Quality Coast Nature năm 2012.
Theo Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, tổng diện tích tự nhiên của rừng hơn 35.286ha; trong đó, hệ thực vật rừng tự nhiên hơn 12.810ha, bao gồm các loài cây Chà Là, Ráng, Giá, Mấm, Dà Vôi... cùng gần 19.000ha rừng trồng và đất khác. KDTSQ Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, hình thành trên vùng châu thổ rộng lớn của các cửa sông Đồng Nai, Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Các anh trong Ban còn cho tôi biết, nơi đây có trên 200 loài động vật, trong đó 11 loài bò sát có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Thủy sinh có 125 loài tảo, 55 loài động vật nổi, 55 loài động vật nổi đáy, 18 loài tôm, 69 loài cá; động vật trên cạn có 24 loài lưỡng cư, 10 loài thú và 22 loài chim… Quần thể rừng ngập mặn này có giá trị cao về mặt bảo tồn đa dạng sinh học.
Có được tài nguyên phong phú và quý giá như hôm nay là thành quả của quá trình cải tạo tổng lực và bền bỉ từ sức người Việt Nam. Trước năm 1975, nhằm chống lại “rừng che bộ đội”, kẻ thù rải xuống nơi này lượng thuốc khai quang đến 665.666 gallons chất độc màu cam, 3.453,385 gallons chất độc màu trắng và 49.200 gallons chất độc màu xanh. Cùng nạn phá rừng bừa bãi, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn. Năm 1978, quyết tâm tái tạo lại “lá phổi xanh” cho thành phố Hồ Chí Minh, rừng Cần Giờ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Giờ, gần 38.000ha rừng ngập mặn, miền đất này đầy hấp dẫn của ngành du lịch sinh thái, du lịch văn hóa của Việt Nam và khu vực…
Giá trị vĩnh hằng: về với thiên nhiên
Bằng hàng chục dự án phát triển các loại hình du lịch với mức đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, Cần Giờ - Rừng Sác vô cùng ấn tượng với du khách. Hàng năm, nơi đây thu hút khoảng 200.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổ chức hội nghị; trong đó 20% là khách nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hoa Kỳ, Đức… Đặc biệt, du lịch sinh thái rừng có nhiều địa điểm hấp dẫn như Tràm Chim, Đầm Dơi, Đảo Khỉ, Dần Xây… Tốc độ phát triển bình quân về lượng khách 5 năm gần đây đạt 15-16%/năm. Năm 2013, du lịch sinh thái Cần Giờ đạt doanh thu 116,3 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2012; năm 2014 các con số tiếp tục nhích lên. Từ năm 2015, phấn đấu tăng trưởng bình quân lượng khách từ 15-20%/năm, tổng doanh thu bình quân hàng năm đạt trên 25%.
Theo hướng dẫn của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, chúng tôi đến 2 trong các điểm du lịch nổi bật là Khu du lịch sinh thái Dần Xây và Đảo Khỉ. Phó Ban Huỳnh Đức Hoàng chia sẻ: Năm 2014, Khu du lịch sinh thái Dần Xây đưa vào hoạt động. Đến 31/12, riêng Ban của các anh đã đón tiếp 8.486 lượt khách trong nước và quốc tế; doanh thu hơn 1,832 tỷ đồng; so cùng kỳ năm 2013 tăng 2.876 lượt khách (33,9%), doanh thu tăng 764 triệu đồng (41,7%). Năm nay, Dần Xây phấn đấu 10.000 lượt khách du lịch và doanh thu 2,5 tỷ đồng. Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông của Ban - anh Trần Trọng Hưng dẫn đoàn bộ hành theo con đường cầu ngoằn ngoèo luồn trong rừng đước để đến bến nhà nổi. Anh giới thiệu các loài cây và muông thú say sưa. Thú vị nhất là du khách được thỏa thuê ngắm cuộc sống của loài khỉ đuôi dài. Khỉ đi nhẹ nhàng, khỉ nhảy cà tưng, khỉ đu cây… trong tiếng lốp đốp của hang nước dưới các vòm rễ đước hình nơm. Khỉ còn theo sát người, tròn mắt hóng chờ thức ăn. Anh Nguyễn Văn Rạng là hộ dân nhận khoán ở phân khu 6 nói với tôi: “Chúng cũng chia theo vùng để sống như các hộ dân chia từng phân khu quản lý bảo vệ đấy anh”.
Giữa những mầm đước tái sinh nhô khỏi mặt nước là những căn nhà nổi xinh xắn. Du khách lưu trú trong không gian sóng nước và rừng cây. Chốc chốc, tàu và thuyền rẽ sóng khuấy rộn cả vùng sông. Đêm, nước ì oạp vỗ vào nhà ru ngủ những giấc nồng… Rời nhà nổi, chúng tôi trở về theo một con đường khác để lên tháp cao hơn 20 mét. Du khách được phóng tầm mắt bao quát cả một vùng sông nước và rừng ngập mặn mênh mông tít tắp. Trưa, nắng chói chang. Sau tiếng hú dài của khỉ chúa đu một vòng cành cây, cộng đồng khỉ đồng loạt hành quân vào sâu trong rừng tránh nắng… Còn ở Đảo Khỉ, khác với Dần Xây, hàng trăm con khỉ mạnh dạn hơn, gan lì hơn. Chúng bày tỏ mọi trạng thái hỉ nộ ái ố rất tự nhiên trước du khách: Con bú mẹ, mẹ đèo con, “chồng” bắt rận cho “vợ”, bạn bè giành nhau thức ăn… Chiếc ô tô chở thiếu nhi vừa dừng lại và mở cửa, hơn chục con khỉ ào tới. Đôi mắt liến láo, chúng nhảy vào cướp thức ăn của lũ trẻ ngay trên tay. Bọn trẻ ré lên, há hốc vừa thích thú vừa sợ sệt. Anh Trần Quang Việt - cán bộ Khu du lịch Đảo Khỉ cho biết: Hiện, đảo có khoảng hơn 1 ngàn con khỉ đuôi dài. Cảnh giác mọi tư trang cá nhân là điều luôn được các anh nhắc nhở du khách. Đảo Khỉ còn có những con cá sấu to lững lờ giữa dòng kênh rạch. Khách trầm trồ, ngỡ ngàng trước không gian thiên nhiên vô số điều thú vị. Anh Đơ-vít Guan đến từ Canada thong dong dẫn người vợ dừng lại trả lời chúng tôi: “Thật là kỳ thú. Việt Nam của các bạn có những khu thiên nhiên thế này thật quý. Chúng tôi đã đi du lịch mấy quốc gia vùng Đông Nam Á nhưng chỗ này cảm thấy con người và thiên nhiên thân thiện quá !”.
|
Muôn trạng huống của loài khỉ luôn hấp dẫn du khách |
Bài học Cần Giờ… cần mãi
Phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ hiệu quả và bền vững, gắn chặt với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên rừng ngập mặn. Đầu tư du lịch sinh thái để làm động lực thúc đẩy các ngành khác phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn… Đó là định hướng của thành phố Hồ Chí Minh và huyện Cần Giờ về một “đô thị du lịch sinh thái rừng - biển”. Ngoài tăng cường đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp làm du lịch, rừng ngập mặn Cần Giờ phát huy tích cực cộng đồng bảo vệ rừng. Toàn KDTSQ có 141 hộ dân và 14 cơ quan, đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng. Anh Đặng Văn Thành ở phân khu 5, tổ trưởng tự quản của 6 hộ nhận khoán 415ha cho tôi biết: Các anh thường xuyên được tập huấn mấy chục ngày về các nội dung như phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, biến đổi khí hậu, hướng dẫn viên văn hóa bản địa,… Nhà nước xây nhà ở, trang cấp hệ thống điện mặt trời, bồn chứa nước ngọt cho các hộ dân, còn dân cam kết không nuôi gia cầm, thủy cầm.
Chị Nguyễn Thị Loan ở phân khu 1 bảo vệ hơn 122,6ha rừng do ba chị nhận năm 1992, giao lại, nói: “Tụi em được tập huấn kỹ thuật nuôi ốc nên thu nhập thêm mỗi mùa 4-5 triệu đồng nữa. Còn bảo vệ rừng thì mình tuyên truyền và giám sát các hộ nơi khác đến để họ không chặt phá rừng, chỉ bắt cua, có ghe vào đặt bung thì yêu cầu lỗ lưới không được rộng 2 phân để không bắt cá nhỏ. Chỗ nào điểm nóng, có cây ngon thì theo nước ra đó mình canh giữ rừng”. Chị còn kể việc tổ chức du lịch sinh thái cho du khách như tạo điều kiện cho họ cùng ăn, cùng sinh hoạt, cùng bắt ốc, cua,…
Rừng Cần Giờ không chỉ giữ tốt mà ngày càng phát triển còn nhờ tính đồng bộ, chủ động của Ban Quản lý Rừng phòng hộ. Họ phối hợp chặt với các đơn vị chức năng tuần tra; thành lập 37 tổ tự quản; đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch bản địa cho 90 hộ giữ rừng. Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền giáo dục môi trường trong cộng đồng bằng nhiều hình thức sinh động thông qua phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, các cơ quan báo chí, ngành văn hóa thông tin, các đơn vị lữ hành… Năm 2014, Ban phát hiện và chuyển giao cơ quan chức năng xử lý 19 vụ vi phạm lâm luật, giảm 21 vụ (52,50%) so với năm 2013. Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ Cao Huy Bình cho biết về kế hoạch năm 2015: “Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá giới thiệu các tour, tuyến đặc trưng của rừng ngập mặn đến các công ty lữ hành, các trường học trên thành phố; đầu tư hoàn thiện hạng mục đặc trưng tại điểm du lịch Dần Xây; xây dựng sản phẩm mới, đặc trưng phù hợp điều kiện sinh thái rừng ngập mặn. Rừng Cần Giờ phải ngày càng khẳng định vị thế KDTSQ thế giới”.
Ghi chép: MINH ÐẠO