Triển vọng "du lịch vườn" Đà Lạt

10:02, 25/02/2015

Phố núi Đà Lạt với nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những vườn rau sạch, những chùm dâu tây chín mọng, có thể ăn ngay tại chỗ; hay những vườn hoa khoe sắc trong cái se lạnh ngọt lành… đã níu chân du khách về với xứ sở này, mở ra triển vọng của "du lịch vườn" trên cao nguyên.

Phố núi Đà Lạt với nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những vườn rau sạch, những chùm dâu tây chín mọng, có thể ăn ngay tại chỗ; hay những vườn hoa khoe sắc trong cái se lạnh ngọt lành… đã níu chân du khách về với xứ sở này, mở ra triển vọng của “du lịch vườn” trên cao nguyên.
 
Những “tín hiệu” khả quan
 
Đà Lạt, những nụ mai anh đào đã bung cánh đón xuân trong tiết trời se lạnh phố núi. Theo lời giới thiệu của một số hướng dẫn viên du lịch, chúng tôi tìm đến và được tận mắt chứng kiến vườn dâu tây công nghệ cao (CNC) của gia đình ông Vương Đình Phi (đường Thánh Mẫu, phường 7, TP Đà Lạt). Đang tỉ mẩn chăm sóc những giàn dâu tây trồng thủy canh trong nhà kính hiện đại, ông Phi cho hay: “Ba sào dâu tây chất lượng cao này không đủ phục vụ du khách. Bởi giờ đây, lượng khách tìm về nhà vườn ngày càng lớn. Mình đang tìm hướng để mở rộng diện tích lên gấp khoảng 20 lần”.
 
Du khách trải nghiệm với vườn dâu thủy canh Đà Lạt.
Du khách trải nghiệm với vườn dâu thủy canh Đà Lạt.
 
Ông Phi ấp ủ ý tưởng kinh doanh du lịch vườn cách đây hơn mười năm, nhưng mãi đến đầu năm nay, ý tưởng đó mới thành hiện thực. Do những yêu cầu khắt khe của trồng dâu tây CNC, như kỹ thuật chăm bón, giống, vốn đầu tư… Với diện tích chưa đủ lớn này, gia đình ông Phi đã phân khu vực để phục vụ du lịch và khu vực chăm sóc cách ly. Sau khi làm “thủ tục” vào vườn, những bạn trẻ ở Nha Trang (Khánh Hòa) tỏ ra thích thú với những quả dâu tây chín mọng. Thỏa thích vì được làm nông dân CNC, bạn Nguyễn Hương Lê (21 tuổi) cho hay: “Đã nhiều lần leo đèo lên phố núi Đà Lạt và đến những điểm tham quan ở đây. Nhưng, có lẽ, được về với nhà vườn cao nguyên, những người trong đoàn háo hức nhất”. 
 
Cùng với dâu tây, du khách cũng thích thú khi được làm nông dân chính hiệu tại những vườn rau CNC. Từ những ấp ủ, đến năm 2007, gia đình ông Mai Văn Khẩn (phường 12. TP Đà Lạt) quyết định đầu tư làm nhà kính, hệ thống tưới tự động và chính thức chuyển sang trồng rau cao cấp. Ông cho rằng, mình phải cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm sạch, chất lượng cao thì họ mới “nhớ”. Và thương hiệu “rau ông Khẩn” đã vào các hệ thống siêu thị nổi tiếng trong nước và chinh phục thị trường rau cao cấp tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, với sản lượng hơn 1,5 tấn mỗi ngày. Khi đề cập đến “du lịch vườn”, ông bảo, thời gian qua, nhiều đoàn khách đã tìm đến vườn của gia đình, để cùng ở, cùng làm nông. “Với miền đất được thiên nhiên ưu đãi, cùng với nền nông nghiệp CNC phát triển như Đà Lạt, tôi cho rằng, không chỉ ý tưởng riêng tôi, mà nhà nông ở đây nên hướng đến loại hình du lịch này. Ngoài việc “xuất khẩu” sản phẩm tại chỗ, du lịch vườn, du lịch canh nông còn giúp thương hiệu của mình lan xa…” - ông Khẩn nói.
 
Ở Đà Lạt, hoa được xem là một sản phẩm chính, đặc thù của ngành du lịch, có lợi thế cạnh tranh cao so với các địa phương trong khu vực. Trên cung đường ĐT723, nối phố biển Nha Trang và thành phố hoa Đà Lạt, nhiều đoàn khách ngỡ ngàng, khi từ trên cao nhìn xuống, làng hoa Thái Phiên tựa như một “khu công nghiệp” với những mái nhà kính trồng hoa trải dài... Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt cho biết: Làng hoa Thái Phiên có hơn 230ha hoa trồng trong nhà kính, chuyên hoa cúc, lily, cát tường, cẩm chướng. Sau 57 năm hình thành và phát triển, Thái Phiên có hơn 900 hộ gắn với nghề hoa. Sản lượng hoa hằng năm của làng đạt khoảng 300 triệu cành. Hiện, Nhà nước đã đầu tư một con đường nhựa dọc theo làng hoa để phục vụ nông dân vận chuyển hoa sau thu hoạch. Phường thành lập tổ công tác làng hoa để hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm. Ông Dinh cho hay, năm 2014, có hàng nghìn lượt khách, trong đó rất đông khách quốc tế tìm về làng hoa để chiêm ngưỡng, tìm hiểu phương thức canh tác và được “vào vai” nhà nông Đà Lạt. Những tín hiệu khả quan đã mở ra với “du lịch vườn” trên cao nguyên, nhưng để loại hình này phát triển tương xứng với tầm vóc nền nông nghiệp ở Đà Lạt, thì còn nhiều thứ phải làm. 
 
Cần sự “kết nối” đồng bộ
 
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Ngoài việc khắc phục những hạn chế, khó khăn, làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân có kỹ năng giao tiếp với du khách, khuyến khích họ xây dựng cơ sở của mình, vừa là nơi đón tiếp du khách, vừa kinh doanh, từng bước “gỡ nút thắt” về chia sẻ lợi ích; đồng thời xây dựng một số mô hình điểm để nhân rộng, hướng tới xây dựng các làng du lịch rau, hoa…”.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư thương mại và Du lịch Lâm Đồng Vũ Văn Tư cho biết: Ý tưởng gắn kết du lịch với sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng đã có từ cách đây hơn 5 năm. Theo tôi, để hiện thực hóa ý tưởng, chúng ta phải nâng lên thành khái niệm làng nghề, làng nghề kiểu mới, chứ không phải chỉ ở quy mô hộ sản xuất. Khi đó mới có cơ chế về tiếp khách du lịch, quyền và trách nhiệm của hãng lữ hành với nông dân, ý thức của người dân trong làng nghề. Hiện chúng tôi đang phối hợp để thống nhất tiêu chí mới và chọn một số đơn vị, các hãng lữ hành để giải thích quyền lợi, điều kiện kinh doanh. Chắc chắn các hộ dân sẽ tham gia mô hình liên kết này.

Qua tìm hiểu, nhiều doanh nghiệp, nhà nông nơi đây cho rằng, địa phương quy hoạch vùng chuyên canh rau, hoa nhưng phải có hạ tầng điện, nước, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ đào tạo, xây dựng thương hiệu, chuyển giao khoa học - công nghệ... đồng bộ, làm tiền đề để vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh bài bản. Sau đó hướng đến loại hình du lịch canh nông mới bền vững.
 
Thực tế thời gian qua, bà con nông dân tự “tạo điều kiện” để du khách tham quan vườn rau, vườn hoa của mình; họ rất cần sự vào cuộc thực thụ từ chính quyền địa phương. “Ngoài ba làng hoa truyền thống tại Đà Lạt thu hút lượng khách khá lớn, nhiều hợp tác xã, nông hộ đã phát triển mô hình du lịch này. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của du khách thì còn nhiều việc phải làm” - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay. Đầu tiên là thiếu bản tiêu chí của loại hình du lịch này, rồi hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất tại các điểm thu hút khách du lịch chưa tốt, chưa có bãi đậu xe, khu vệ sinh hợp lý, khu giới thiệu sản phẩm cho từng loại hình; thiếu thuyết minh viên đã qua đào tạo; và cái cốt lõi là sự liên kết, chia sẻ lợi ích giữa nhà vườn và các hãng lữ hành.
 
Từ đầu năm 2014, tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn một số nhà vườn dành khu vực riêng để vừa trồng cây, hoa, vừa cho du khách tham quan; đồng thời, tuyên truyền những lợi ích lâu dài của loại hình du lịch này. Hiện nay, các điểm “du lịch vườn” được địa phương chọn, giới thiệu đến du khách tại TP Đà Lạt đều đạt chuẩn. Tuy nhiên, yếu tố liên kết vẫn đang được chính quyền thành phố đặt ra. “Đưa một loại hình du lịch mới vào hoạt động, phải có phương thức tổ chức hợp lý. Cái gì thuộc về nhà nước, cái gì thuộc đơn vị kinh doanh du lịch, nhà nông... trong đó, việc chia sẻ lợi ích phải được tính toán thận trọng” - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Vĩnh Phúc nêu ý kiến.    
 
Ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP Đà Lạt, nơi có làng hoa nổi tiếng Thái Phiên, thổ lộ: “Để nhà nông mặn mà với loại hình du lịch mới này, thành phố cần triển khai hướng dẫn kịp thời, phải có khung pháp lý, nghiệp vụ du lịch và phần “phụ thu”... Vì đây mới là khu sản xuất nông nghiệp thuần túy”.
 
Triển vọng loại hình du lịch mới
 
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Du lịch canh nông là cơ hội để phát triển nền nông nghiệp trên cao nguyên Lâm Đồng. Tỉnh cũng đã chỉ đạo phát huy thế mạnh này để phục vụ du khách, vừa tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng của địa phương”.  
 
Phải “biến” cái tự phát thành cái quy chuẩn để quản lý. Đó là quyết tâm của chính quyền Lâm Đồng trong xây dựng loại hình “du lịch vườn”. “Hiện chúng tôi đang phối hợp để thống nhất tiêu chí, sau đó mời và chọn một số đơn vị phù hợp, cả các hãng lữ hành để giải thích về quyền lợi, điều kiện… Chắc chắn họ sẽ tự nguyện tham gia” - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư thương mại và Du lịch Lâm Đồng cho hay.
 
Việc thưởng ngoạn, tham gia sản xuất cùng nhà nông là dịp để du khách thư giãn, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm đời sống nông nghiệp. Thông qua du lịch canh nông, người dân được dịp quảng bá sản phẩm và có thêm phần thu nhập.
 
“Thời gian qua, Lâm Đồng đã ưu tiên quảng bá cho mô hình du lịch mới này. Nông nghiệp ứng dụng CNC rồi, giờ phải quan tâm đến “công nghệ sạch”. Khi đó, du khách sẽ được chứng kiến, trải nghiệm và có thể ăn rau, quả ngay tại vườn, thưởng thức ẩm thực hoa… Đó là điều chúng tôi mong muốn” - nhà nông Mai Văn Khẩn chia sẻ.
 
BẢO VĂN - PHAN VĂN NAM