Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tham dự Hội thảo hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng (23 - 24/3) đưa ra nhận định: Lâm Đồng cần và phải phát triển du lịch canh nông. Đây không phải là lời khuyên mới, bởi đây cũng chính là hướng đi cho một loại hình sản phẩm du lịch đã được khởi động nhiều năm nay.
Các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tham dự Hội thảo hợp tác đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại Lâm Đồng (23 - 24/3) đưa ra nhận định: Lâm Đồng cần và phải phát triển du lịch canh nông. Đây không phải là lời khuyên mới, bởi đây cũng chính là hướng đi cho một loại hình sản phẩm du lịch đã được khởi động nhiều năm nay.
|
Tham quan sản phẩm nông trại ở Đức Trọng |
Lợi thế trong tầm tay
Hoa ở Đà Lạt quá tuyệt vời - là nhận xét của rất nhiều du khách. Du lịch hoa với hoạt động chính là thưởng lãm hoa đã phổ biến ở Đà Lạt với các công viên hoa, vườn hoa, tiểu cảnh hoa trong một thời gian dài đã tạo nên thương hiệu cho thành phố Đà Lạt - thành phố ngàn hoa. Việc công nhận 3 làng hoa truyền thống: Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành đồng nghĩa với định hướng phát triển làng hoa để vừa đem lại lợi nhuận cho người dân, thông qua việc sản xuất và kinh doanh các loại hoa, vừa thu hút khách du lịch đến làng hoa nhằm gia tăng lợi ích cho cộng đồng… Nhưng không chỉ thỏa mãn với việc ngắm hoa, du khách còn muốn được tham gia vào quy trình trồng và thu hoạch hoa và không chỉ hoa mà còn là rau và các loại cây trồng khác ở Đà Lạt, để trải nghiệm công việc của người nông dân, hình thành nhu cầu lớn và rất thu hút trong loại hình du lịch canh nông.
Lâm Đồng có rất nhiều lợi thế cho loại hình du lịch mới ngoài lợi thế thiên nhiên về đất đai và khí hậu. Với 14.603ha đất sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao, trong đó, cây rau 11.887ha, cây hoa 2.416ha, cùng với mục tiêu chiến lược của tỉnh là xây dựng Lâm Đồng trở thành trung tâm rau, hoa không chỉ của Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á; những làng hoa, những vùng chuyên canh rau hoa lớn, những công ty - trang trại sản xuất rau, hoa ở thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận như Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương… là điều kiện thuận lợi để khuyến khích loại hình du lịch này phát triển. Vài năm trở lại đây, có rất nhiều vườn dâu ở Đà Lạt kết hợp với các hãng du lịch mở cửa đón khách, cho du khách vào tham quan, hái trái, ăn thử và mua về… tạo nên sự háo hức không nhỏ đối với du khách, cũng là khởi đầu tốt để phát triển loại hình du lịch này.
Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, chủ nhà Lâm Đồng tổ chức hai đoàn khảo sát, tham quan, một ở Đà Lạt và một ở Đức Trọng - Đơn Dương đến các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp chủ lực của Lâm Đồng như rau, hoa, chăn nuôi. Ghi nhận qua chuyến đi thực tế này, các đại biểu đều rất thích thú với các loại nông sản, nhưng rất quan tâm đến quy trình hoạt động từ nguồn gốc, cách chăm sóc, thu hái cho đến khi sản phẩm được khách hàng sử dụng. Mục đích của các nhà đầu tư Nhật Bản là tìm hiểu tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng, tìm kiếm doanh nghiệp tốt nhất để giúp đỡ cho họ, để từ đó tìm ra giải pháp nâng cao trình độ chung của nông dân ở Lâm Đồng, để làm cho các sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng trở nên nổi tiếng, bán được cho thị trường Nhật Bản, khu vực Đông Nam Á hoặc ra thế giới. Với đích đến cuối cùng là tạo nên thương hiệu cho Lâm Đồng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ ý tưởng đến hiện thực là khoảng cách phải vượt qua
Tuy nhiên, người nông dân ở Lâm Đồng dù rất quen với công việc đồng áng, có thể tạo ra doanh thu từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha, nhưng lại không tạo ra doanh thu từ việc đón tiếp khách du lịch; để các hãng du lịch đưa khách đến trang trại không phải là điều đơn giản. Du lịch trang trại là xuất khẩu tại chỗ, là bán sản phẩm cho người đi du lịch đến nông trại mình. Nhưng du lịch canh nông phải có định hướng, phải có quy hoạch chứ không thể tự phát.
Nhà đầu tư Kyohei Hosono đã kể về câu chuyện làm du lịch canh nông ở Malaysia: Đó là cả khu vực cao nguyên Cameron - nơi có khí hậu tương đồng như Đà Lạt, chỗ nào cũng là du lịch canh nông, không bán vé, nhưng bán được rất nhiều nông phẩm, riêng dâu có 16 loại - từ dâu tươi, mứt dâu, nước dâu, kem dâu, socola dâu, dâu sấy… với mục đích đơn giản là thỏa mãn tất cả mọi nhu cầu của du khách, còn họ thì bán được sản phẩm và thu được tiền. Hoạt động của họ không cầu kỳ, không kiêu sa, nhưng, họ có chỗ đậu xe rộng rãi, có khu vực vệ sinh. Họ làm thỏa lòng du khách với bao bì tốt, thương mại tốt, quảng bá tốt. Ông Trần Huy Đường (Công ty Lang Biang Farm) nhìn nhận: Còn gì bằng việc bán được sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng; có cách nào quảng bá tốt và hiệu quả bằng chính những người khách đã được trải nghiệm qua.
Đà Lạt đang và sẽ phải đi theo hướng đó. Nhưng đi theo kiểu nào rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền. Với mỗi điểm du lịch canh nông - như làng hoa, phải có bản đồ quy hoạch, phải có hợp tác xã, phải có liên kết giữa các thành viên trong làng hoa; phải có bãi đậu xe, có quà lưu niệm, có hàng hóa bán…, để du khách tự nguyện tiêu tiền. Trang trại Lang Biang ở Đạ Sar có diện tích 20ha, có đủ các loại cây trồng đặc trưng rau - hoa của Đà Lạt, có bãi đậu xe… nhưng ông Đường cho biết vẫn chưa thể đón du khách một cách tốt nhất được… Để khuyến khích loại hình du lịch canh nông, địa phương cần xác định những mô hình, loại cây trồng, phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ… Đối với làng hoa, ngoài quy hoạch, nhà nước phải có định hướng, phải tạo điều kiện cho họ về cơ sở hạ tầng; gắn kết các hộ thành viên trong làng hoa với nhau trong mô hình một hợp tác xã tự nguyện; trưởng làng là người có uy tín để vận động mọi người tích cực tham gia và tự nguyện, trồng trọt theo quy hoạch, kế hoạch… để lúc nào cũng có nhà đang làm đất, nhà đang thu hoạch… Như thế, để du khách được thỏa mãn mọi thời điểm sinh trưởng và phát triển của cây rau - hoa, chúng ta phải có tính toán để vừa sản xuất được, vừa liên kết được, vừa bán được sản phẩm và vừa làm du lịch. Điều tối thiểu, để làm du lịch canh nông thì phải có bãi đậu xe, có chỗ giải khát, phải có nơi trải nghiệm và phải có khu vực vệ sinh…, nhưng lại là điều chúng ta chưa làm được…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Du lịch canh nông là loại hình du lịch được ngành và tỉnh rất quan tâm. Ngành du lịch tỉnh đang xây dựng các tiêu chí để triển khai cho các địa phương, từ đó, lựa chọn loại hình canh nông để đón khách, như ở Đà Lạt là rau và hoa. Cơ sở hạ tầng của chúng ta hiện nay chưa bảo đảm. chúng tôi vẫn tiếp tục công tác xúc tiến - quảng bá, tạo mối liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp để phát triển du lịch canh nông trên địa bàn, làm phong phú và đa dạng hơn cho sản phẩm du lịch; đồng thời phát huy được hết các lợi thế của địa phương trong hoạt động du lịch, đặc biệt là tạo cơ hội cho người nông dân có thêm hướng phát triển mới cho cây rau - hoa dựa vào các hoạt động du lịch”.
LÊ HOA