Thị trường khách quốc tế ở Lâm Đồng xưa nay vốn rất ảm đạm. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, lượng khách quốc tế đến Lâm Đồng chiếm khoảng 5,5% trong tổng lượng khách hàng năm. Tìm kiếm giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế luôn là mong muốn của du lịch Lâm Đồng và là vấn đề được đặt ra ở các hội nghị, hội thảo… về du lịch.
Thị trường khách quốc tế ở Lâm Đồng xưa nay vốn rất ảm đạm. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, lượng khách quốc tế đến Lâm Đồng chiếm khoảng 5,5% trong tổng lượng khách hàng năm. Tìm kiếm giải pháp thu hút khách du lịch quốc tế luôn là mong muốn của du lịch Lâm Đồng và là vấn đề được đặt ra ở các hội nghị, hội thảo… về du lịch.
|
Du khách Nga thích thú với điểm du lịch Crazy House |
Từ năm 2012, Đà Lạt có thêm một lượng nhỏ khách Nga đi du lịch trong ngày. Dù rất hiếm khi lưu trú, nhưng lượng khách Nga này đã tạo nên một hình ảnh ấn tượng với những chiếc xe hơn 50 chỗ ngồi của hãng lữ hành PEGAS từ Nha Trang hay những chiếc xe BEN 16 chỗ viết toàn tiếng Nga từ Bình Thuận. Đây là lượng khách đến Bình Thuận hoặc Nha Trang để tắm biển, tắm nắng khoảng 2-3 tuần, tách tour lên Đà Lạt tham quan các dinh thự, thắng cảnh… Họ không có nhu cầu ở lại Đà Lạt vì khí hậu và cảnh quan tự nhiên của thành phố có nét tương đồng với xứ sở của họ… Trong khi ở Bình Thuận và Nha Trang, bình thường các khách sạn gần như kín phòng, lượng khách ổn định trong năm 2014 với khoảng 1 triệu lượt. Lâu nay, du khách Nga luôn chiếm tỷ trọng cao trong thị trường khách du lịch quốc tế của các tỉnh này, nên các bảng hiệu trên đường phố, hay bảng giá trong quán ăn, nhà hàng… thường chỉ ghi tiếng Việt và tiếng Nga. Trên đường phố, dọc các bãi biển, lượng người Nga có lúc, có nơi còn đông hơn người Việt…
Nhưng từ đầu năm 2015 trở đi, tình hình bắt đầu thay đổi, lượng khách đã giảm xuống so với cùng thời điểm các năm trước. Theo Hiệp hội du lịch 2 tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, năm 2015, ngành du lịch địa phương sẽ có nhiều trở ngại. Do ảnh hưởng kinh tế Nga suy giảm, cũng như sự mất giá của đồng rup so với đô la Mỹ, khiến khả năng tài chính của người Nga bị giảm sút. Người Nga bắt đầu hạn chế đi du lịch nước ngoài. Do đó, lượng khách Nga đã giảm xuống. Để thay thế lượng khách Nga đang càng ngày càng giảm, ngành du lịch Bình Thuận và Khánh Hòa đang tìm cách chuyển qua khai thác khách Tây Âu, Bắc Âu hoặc các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước trong khối ASEAN… bằng cách đưa các doanh nghiệp du lịch tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức ở Đông Âu, Tây Âu, Đông Nam Á và TQ để quảng bá hình ảnh của những điểm đến hấp dẫn của biển để thu hút các đối tượng khách này.
Từ đầu năm 2015, Đà Lạt - Lâm Đồng đã có những tín hiệu vui. Ngày 25/1, chuyến bay đầu tiên từ Băngkok đưa hơn 170 khách đến Đà Lạt đánh golf. Dù chỉ ở Đà Lạt 1 ngày, nhưng đã đánh dấu một xu hướng mới trong phương thức khai thác khách quốc tế bằng các hãng bay thuê chuyến. Trong tháng 2 có 2 đoàn khách khác từ Thành Đô (Trung Quốc) sang Đà Lạt vào dịp tết Ất Mùi, do Hãng hàng không Vietjet air vận chuyển và do Cty Hoàng Trà Travel (Tp.HCM) tổ chức. Chuyến bay thứ nhất từ ngày 25 đến ngày mồng Một và chuyến bay thứ hai từ ngày mồng Hai đến ngày mồng 5. Các chuyến bay đều đến Đà Lạt vào sáng sớm (4h40) và quay về vào ban đêm (10h45), với tổng cộng 145 hành khách. Được biết, sắp tới sẽ có những dạng bay thuê chuyến như thế này từ thị trường Hàn Quốc do Công ty Khu nghỉ mát Đà Lạt thực hiện… Việc chính quyền tỉnh Lâm Đồng thực hiện chủ trương cấp phép các chuyến bay như vậy đã mở ra một cánh cửa lớn trong thu hút du khách quốc tế. Nhưng hiện nay, các chuyến bay dạng này không có lịch cố định, mà chỉ khi họ có đủ khách cho một chuyến bay mới thực hiện… Tuy nhiên, khách Thái, khách Hàn chỉ đi đánh golf theo dạng sáng đi chiều về, không lưu trú. Khách Trung Quốc sang 5-6 ngày, nhưng chỉ ở Đà Lạt 2 ngày (ngày đến và ngày về) tại các khách sạn 4-5 sao (Edensée, Sammy, Anna Mandara…) còn lại là ở Phan Thiết.
Theo ông Nguyễn Quang Phúc (Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh - Đất Xanh Đà Lạt): “Chúng ta chỉ có 25 khách sạn từ 3-5 sao với gần 2.200 phòng; thực tế, công suất phòng đạt khoảng 50% - như vậy là quá ít. 2 năm trước (2013, 2014), khách Nga tăng đột biến. Nhưng từ đầu năm đến nay, lượng khách Nga liên tục sụt giảm và sẽ tiếp tục giảm mạnh, các chuyến bay ít dần… Vì vậy, không nên lệ thuộc vào nguồn khách, mà nên thúc đẩy việc quảng bá, xúc tiến. Nên liên kết với các đơn vị đầu mối ở Tp.HCM để tổ chức các đoàn farmtrip, nghiên cứu để giữ chân khách nước ngoài lưu trú ở Đà Lạt. Khuyến mãi, giảm giá để kích cầu cũng là một giải pháp, nhưng doanh nghiệp chỉ giảm giá có chừng mực, giảm giá ở các chi phí cố định thôi, vì nếu giảm sâu là lỗ…”.
Theo ông Lưu Thắng Lợi (Trung tâm Lữ hành Dalat TSC) thì hoạt động lữ hành ở Đà Lạt rất yếu, chỉ đưa được khách đi chứ không đưa được khách từ nơi khác đến. Do ở nơi đó, các đơn vị lữ hành xây dựng được chương trình cố định và giá cả hợp lý, rẻ hơn… Muốn thu hút khách, phải xây dựng các chương trình cụ thể trước nửa năm mới quảng bá được. Các doanh nghiệp lữ hành không có sản phẩm để giảm giá mà chỉ các đơn vị đối tác của lữ hành giảm giá…
Không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng phục vụ để cạnh tranh lành mạnh, bởi giảm giá dịch vụ chưa phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là chất lượng dịch vụ. Khi chất lượng được nâng lên thì du khách mới quay lại thị trường. Ngoài ra, công tác quảng bá xúc tiến cũng không kém phần quan trọng. Cơ hội tìm kiếm thị trường mới từ các thị trường quốc tế cũng không hề nhỏ. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Trong năm nay, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh sẽ tham gia các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức trong nước và nước ngoài để quảng bá hình ảnh của những điểm đến hấp của Đà Lạt - Lâm Đồng. Tại các hội chợ đó, doanh nghiệp có thể gặp gỡ các đối tác hoặc các hãng lữ hành, trao đổi với họ, mời họ đến địa phương mình khảo sát các tour tuyến, chất lượng dịch vụ… để có những cơ hội ký kết các hợp đồng, mở rộng thị trường, đưa du khách đến với chúng ta. Chúng tôi cũng tiến hành triển khai các tiêu chí xếp hạng các cơ sở du lịch - dịch vụ để đánh giá chất lượng phục vụ…”.
LÊ HOA