Những mầm xanh từ đá vươn lên

10:03, 05/03/2015

Trong chuyến đi công tác tại một số tỉnh, thành phía Bắc vào mùa hè năm 2014; lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Hà Giang, mảnh đất nơi địa đầu cực bắc Tổ quốc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về mảnh đất này là vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của nó...

Trong chuyến đi công tác tại một số tỉnh, thành phía Bắc vào mùa hè năm 2014; lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất Hà Giang, mảnh đất nơi địa đầu cực bắc Tổ quốc, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về mảnh đất này là vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của nó; những cung đường uốn lượn, quanh co như những dải lụa mềm mại vắt ngang qua những ngọn núi đá vôi chênh vênh, cheo leo giữa lưng chừng trời. Từ thành phố Hà Giang, theo quốc lộ 4C để lên cao nguyên đá Đồng Văn, khi vượt qua Cổng trời, đỉnh đèo Mã Pì Lèng…, tôi có cảm giác vừa thích thú nhưng cũng có phần hơi run, bởi có cảm giác mình như đang đi bằng đường hàng không chứ không phải đường bộ. 
 
Du khách thăm Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: BN
Du khách thăm Cột cờ Lũng Cú. Ảnh: BN

 
Đứng từ trên đường nhìn xuống là vực sâu thăm thẳm, hun hút tưởng chừng như không có đáy, ngẩng đầu lên có cảm giác như sắp đụng đầu phải những đám mây đang lởn vởn bay. Những cung đường uốn lượn, quanh co, xuyên qua những dãy núi đá tai mèo sừng sững xếp tầng, nối tiếp nhau đã trở thành kiệt tác của bàn tay và khối óc con người. Đồng bào các dân tộc bản địa nơi đây gọi cung đường này là “Con đường hạnh phúc”; bởi bao đời nay, đường với bà con đồng bào dân tộc nơi đây chỉ là những lối mòn nhỏ, vắt vẻo, cheo leo xuyên qua những cánh rừng già. Nhưng ngày nay, nhờ có Đảng, có Bác, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Hà Giang đã có những con đường nhựa, đường bê tông về đến tận trung tâm của các xã vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh. Dẫu những con đường ấy chưa được to, đẹp như những con đường ở đồng bằng, xong đó cũng là niềm mơ ước, niềm hạnh phúc lớn lao đối với bà con các dân tộc nơi đây. 
 
Người ta bảo, mùa hè không ai đi Hà Giang, bởi Hà Giang chỉ đẹp nhất vào mùa thu và mùa đông, vì mùa thu là mùa lúa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang trên núi, còn mùa đông - mùa hoa tam giác mạch nở rộ, một loài hoa đặc trưng của mảnh đất vùng cao nơi đây, còn mùa xuân - là mùa của hoa đào, hoa mận nở rộ trắng rừng. Nhưng tôi lại cảm nhận thấy cái đẹp của mùa hè nóng bỏng đến cháy da, cháy thịt vùng sơn cước này thật đặc biệt, bởi giữa cái nắng chang chang, đổ lửa của mùa hè, một màu xanh tươi non, mượt mà đến ngỡ ngàng của những “núi ngô trên đá” mà có lẽ chúng ta không thể tìm thấy ở bất cứ đâu trên dải đất hình chữ S này và chúng ta cũng không thể tìm thấy màu xanh ấy khi đi Hà Giang vào những mùa khác trong năm.
 
 Từ chân núi cho tới tận đỉnh những vách đá tai mèo cheo leo, chót vót kia là một màu xám xịt của đá và đá; thế nhưng nơi nào có thể cho đất vào để tra ngô xuống là chỗ đó có màu xanh, một màu xanh mướt mắt, tươi non của ngô và ngô xen kẽ với những tảng đá tai mèo nhọn hoắt, chênh vênh. Tôi cứ băn khoăn, thắc mắc với những thành viên trong đoàn cùng đi là: trên những quả núi tai mèo dựng đứng kia, làm sao họ có thể leo lên để trồng được những cây ngô trên khắp quả núi? Vì sao giữa những vách đá tai mèo cheo leo khô cứng ấy, không một giọt nước tưới nhưng những cây ngô vẫn xanh mướt và tươi tốt một cách lạ thường? Những cây ngô xanh non mơn mởn xen kẽ giữa những hốc đá đã làm dịu đi sự lạnh lẽo, xám xịt của đá và đá. Ở Hà Giang, có lẽ ngoài những con đèo khúc khuỷu, cheo leo thì những “núi ngô” xanh ngắt kia cũng là một kiệt tác, nhưng kiệt tác ấy là do mồ hôi, nước mắt và thậm chí là cả máu của con người tạo nên. 
 
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Cao nguyên đá Đồng Văn, Công viên địa chất toàn cầu, những địa danh ấy hẳn không xa lạ với mọi người; nhưng khi đặt chân đến đây, được tận mắt mục sở thị mảnh đất này, tôi mới thấy hết được sự hùng vĩ của nó. Nhưng có lẽ điều làm tôi thật sự kinh ngạc và khâm phục đó chính là bản lĩnh cũng như sự cần cù, chịu thương, chịu khó của đồng bào các dân tộc nơi đây. Giữa những vách đá tai mèo cheo leo, dựng đứng, các thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi có người chỉ nhìn thấy độ cao thôi cũng đã đủ chóng mặt; vậy mà bà con ở đây họ vẫn leo trèo, lên xuống để trồng ngô. Dưới cái nắng chang chang như đổ lửa của mùa hè xứ Bắc, nhưng bà con vẫn miệt mài, cặm cụi bên những nương ngô để nhổ cỏ, chăm sóc… họ đã vượt lên chính mình, vượt lên sự khắc nghiệt của thiên nhiên để sinh tồn và xây dựng bản làng, quê hương. Vẫn biết rằng, bản chất của con người Việt Nam là chịu thương, chịu khó, là cần cù, sáng tạo trong lao động và sản xuất; nhưng đối với bà con nơi đây, tôi có cảm nhận đó còn là sự kiên cường, không chịu khuất phục thiên nhiên, không ỷ lại vào chính mình, họ biết vượt lên hoàn cảnh để sống và bảo vệ biên cương, mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Sự vô tư, hồn nhiên, chân thật của những con người nơi đây; những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt họ đã đem lại sự ấm áp, tươi vui, đầy sức sống cho mảnh đất này. Chính những gam màu xanh lạ mắt trên những vách đá cheo leo, xám xịt ấy đã làm giảm đi cái nghèo nàn, xơ xác vốn có của mảnh đất này, nơi bốn bề là núi đá vôi.
 
Ở Hà Giang (nói đúng hơn là trên Cao nguyên đá Đồng Văn) ngoài ngô và lúa mạch ra thì trên mảnh đất này có lẽ không thể trồng được một loại cây lương thực nào khác. Xung quanh, bốn bề là đá và đá, người dân ở đây làm nhà bằng đá, xây tường rào bằng đá, những vật dụng thông thường trong nhà bằng đá…; nhưng với ý chí và bản lĩnh phi thường của mình, đồng bào các dân tộc nơi đây đã sống chung với đá, cải tạo đá để có được một màu xanh kỳ diệu trên đá, màu xanh của sự sống, của sự ấm no và hạnh phúc. Đồng bào các dân tộc nơi đây, từ thế hệ này, sang thế hệ khác, đã bao đời nay nối tiếp nhau “Sống trên đá, chết vùi trong đá”, họ giống như những mầm xanh bất diệt kia, không một khó khăn, gian nan, thử thách nào có thể khuất phục được; nó vẫn luôn sinh sôi, nảy mầm từ đá để sống, làm việc và giữ gìn biên cương, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của nơi địa đầu của Tổ quốc.
 
NGUYỄN THỊ MỴ