Cuối tháng 1/2015, UBND tỉnh ra Quyết định 06/2015/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế phối hợp quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet trên địa bàn Lâm Đồng. Có thể nói, đây là quyết định mang tính chiến lược để quản lý nguồn du khách một cách chính xác, khoa học;
Cuối tháng 1/2015, UBND tỉnh ra Quyết định 06/2015/QĐ-UBND về việc Ban hành Quy chế phối hợp quản lý, đăng ký khách du lịch lưu trú qua mạng Internet trên địa bàn Lâm Đồng. Có thể nói, đây là quyết định mang tính chiến lược để quản lý nguồn du khách một cách chính xác, khoa học; từ đó có cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển du lịch địa phương phù hợp với diễn biến thực tế và với xu thế phát triển.
Lâm Đồng hiện có khoảng 850 cơ sở lưu trú, trong đó, tại Đà Lạt là trên 600. Nhiều năm về trước, vấn đề quản lý nguồn khách sao cho xác thực, hợp lý và thuận lợi nhất đối với cả du khách, cơ sở lưu trú và cơ quan quản lý nhà nước đã được đặt ra và có nhiều phương án được đề xuất. Trong đó, hình thức đã tồn tại một thời gian khá dài là đại diện cơ sở lưu trú chủ động đến cơ quan công an đăng ký vào giờ chốt sổ hàng ngày là từ 22 giờ đến 23 giờ, thực hiện khai báo lần lượt, kèm theo việc phải giữ giấy tờ tùy thân của khách; cơ quan công an cũng vất vả không kém khi phải bố trí con người để cập nhật bằng phương pháp có tính thủ công này. Dù vậy, phương pháp trên vẫn chưa thực sự khả thi bởi không ít chủ khách sạn, nhà nghỉ vẫn chưa thống kê đầy đủ lượng khách đến lưu trú khiến con số đăng ký bị chênh lệch so với lượng khách thực tế, đồng thời gây nên tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Đó là hệ quả trực tiếp, còn về mặt gián tiếp đã gây nên tình trạng “nhiễu” về số liệu thống kê để cơ quan quản lý có đánh giá sát đúng về sức hấp dẫn của du lịch địa phương và kịp thời có những điều chỉnh cũng như định hướng phù hợp.
Nhìn ra diện rộng, một số tỉnh thành trong cả nước đã áp dụng giải pháp đăng ký khách lưu trú qua mạng Internet như Huế, Quảng Ninh… cho thấy hiệu quả tích cực. Đó là tiện ích từ việc ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tiết kiệm cả về thời gian, công sức cho các cơ sở lưu trú; mạng trực tuyến 24/24 tiếp nhận ngay tức thời những thông tin, diễn biến về nguồn khách.
Với riêng Lâm Đồng, quá trình triển khai thực hiện đăng ký khách qua mạng Internet đã được chuẩn bị từ gần 2 năm nay cả về cơ sở hạ tầng, nhân lực. Trong đó, có có sự phối hợp của các bên liên quan như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông; Cục Thuế; UBND các huyện, thành phố. Với một hệ thống các thông tin cần đăng ký, các nội dung về nguồn khách đến, mục đích khách đến là cơ sở để phân khúc thị trường và hạn chế tình trạng kê khai không đúng số khách, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Hiện Lâm Đồng đang trong quá trình “chạy thử” hệ thống đăng ký khách qua mạng internet với sự tham gia của khoảng 200 khách sạn tại Đà Lạt. Sau tháng 6/2015, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiến hành sơ kết và triển khai đại trà. Với những tiện ích mới, đây là giải pháp để hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, tạo sự phối hợp đồng bộ trong quản lý lưu trú nói riêng và hoạt động du lịch nói chung. Đây là một trong những nội dung thiết thực thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển du lịch - dịch vụ giai đoạn 2011-2015 và tạo đà cho những năm tiếp theo.
Dịp lễ 30/4 - 1/5 đang cận kề, một lượng du khách từ nhiều vùng miền về Đà Lạt dịp này sẽ được “trút bỏ” những thủ tục hành chính có phần phiền hà trước đây khi không phải nộp giấy tờ tùy thân. Cải cách thủ tục hành chính để có những con số đáng tin cậy và hệ thống dữ liệu xác đáng về nguồn du khách hy vọng sẽ tạo nền tảng cho những bước phát triển mới của “ngành công nghiệp không khói”, lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đà Lạt - Lâm Đồng.
Hải Yến