Đà Lạt - một trong những trung tâm du lịch quốc gia nổi danh từ lâu nay, nhưng tại sao chưa thực sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế, là câu hỏi còn bỏ ngỏ từ nhiều năm qua. Cần sớm có lời giải cho một "kịch bản" thực sự tốt để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thu hút được khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Đà Lạt - một trong những trung tâm du lịch quốc gia nổi danh từ lâu nay, nhưng tại sao chưa thực sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế, là câu hỏi còn bỏ ngỏ từ nhiều năm qua. Cần sớm có lời giải cho một “kịch bản” thực sự tốt để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng thu hút được khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.
|
Khách nước ngoài đến du lịch Đà Lạt luôn tăng nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp so với tổng lượt khách tới Đà Lạt. Ảnh: Phan Nhân |
TS Trần Đình Thiên -
Viện trưởng
Viện Kinh tế Việt Nam:
“Tầm vóc” của trung tâm du lịch Đà Lạt ra sao tùy thuộc vào tầm nhìn chiến lược đủ xa, đủ rộng để thiết kế Đà Lạt trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ mang đẳng cấp quốc tế trong chuỗi du lịch toàn cầu. Điều đó có nghĩa là không phải kết nối với các trung tâm du lịch trong nước mà phải liên kết với các trung tâm đô thị du lịch trên thế giới như với Singapore, hay Bali (Inđônesia), Phuket (Thái Lan)... Và để trở thành đô thị du lịch - dịch vụ đẳng cấp cao, Đà Lạt sẽ phải kết nối với thế giới bằng đường hàng không, tập trung phát triển vận tải hành khách chất lượng cao, ưu tiên phát triển hạ tầng thông tin và các loại hình dịch vụ chất lượng cao khác.
Ông Trương Hữu Hiệp -
Giám đốc Sở Giao thông vận tải:
Việc có đường bay quốc tế không chỉ vận chuyển khách quốc tế đến Đà Lạt - Lâm Đồng mà còn tạo điều kiện xuất khẩu nông sản. Do đó, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm xúc tiến kêu gọi các hãng hàng không trong nước và quốc tế đầu tư khai thác tuyến bay quốc tế đến Sân bay Liên Khương theo Thương quyền 5 mà Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý cho phép. Phía Lâm Đồng cam kết sẽ hỗ trợ các hãng mở đường bay quốc tế vị trí thuận lợi để mở văn phòng chi nhánh, rút ngắn và đơn giản hóa thủ tục hải quan, đảm bảo công tác an ninh đối với du khách. Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Hàng không nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút các hãng quan tâm, nhất là tuyến bay từ Singapore, Thái Lan, Campuchia tới Đà Lạt. Hiện tại, tỉnh cũng cho phép một số chuyến bay thử nghiệm, đơn lẻ bằng máy bay cỡ nhỏ đến Sân bay Liên Khương từ Thái Lan, Thành Đô (Trung Quốc) và Hàn Quốc cũng đang đăng ký; đó cũng là cách thức để thu hút khách nước ngoài đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Còn về hạ tầng, đường băng Sân bay Liên Khương đạt tiêu chuẩn 4D đáp ứng máy bay tầm trung cất hạ cánh, trong 5 năm tới, Lâm Đồng sẽ nâng cấp đường băng này đạt tiêu chuẩn quốc tế 4E đáp ứng máy bay tầm xa có thể cất hạ cánh tại đây, khi ấy mới có thể kết nối với các đô thị ở xa khu vực.
Ông Vũ Văn Tư -
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và Du lịch Lâm Đồng:
Việc quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng làm tương đối tốt đối với khách hàng nội địa nhưng với khách quốc tế thì còn rất hạn chế. Công tác tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài hiện chưa chuyên nghiệp, ngay như Tổng cục Du lịch đưa các chương trình xúc tiến du lịch ra nước ngoài nhưng chỉ dừng lại ở việc trưng bày các gian hàng, biểu diễn âm nhạc dân tộc... Trong khi đó văn hóa Tây Nguyên thực sự đặc sắc, nhất là cồng chiêng Tây Nguyên - di sản phi vật thể của nhân loại mà chưa lần nào xuất ngoại để quảng bá. Thậm chí chúng tôi đề nghị một chương trình đi Nhật hay Hàn Quốc cho riêng văn hóa Tây Nguyên mà chưa được Tổng cục Du lịch quan tâm. Để khắc phục sự yếu kém này, sắp tới Lâm Đồng phải chủ động “liệu cơm gắp mắm”, ngoài thông tin bằng hình thức truyền thống phải sử dụng triệt để thông tin qua mạng và truyền thông quốc tế; đề xuất tỉnh hàng năm nghiên cứu một sự kiện tại một số thị trường như Nhật, Hàn Quốc và các nước ASEAN với sự tham gia của doanh nghiệp, các hãng lữ hành.
KHẢI NHIÊN lược ghi
|
Con số thống kê lượng khách du lịch tới Đà Lạt - Lâm Đồng tham quan, nghỉ dưỡng trong quý I, nhìn lướt qua vẫn cho ta cảm giác hài lòng. Đó là gần 1,2 triệu lượt khách đi du lịch Đà Lạt trong 3 tháng đầu năm, đạt mức tăng trưởng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014. Nhưng nếu xét soát kỹ mới thấy, bên cạnh khách nội địa vẫn đảm bảo mức tăng trưởng cho thành phố du lịch này thì khách quốc tế lại giảm sâu so với những năm trước. Trong số lượt khách đến xứ sở ngàn hoa, khách quốc tế ước đạt 52,9 ngàn lượt, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính tổng lượng khách lưu trú (nghỉ qua đêm) tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ đạt 627,11 ngàn lượt khách, trong đó khách du lịch nước ngoài đạt 35,07 ngàn lượt khách, giảm tới 29,53%.
Du lịch được coi là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành bởi khách đi du lịch có nghĩa là sẽ phải sử dụng các dịch vụ từ vận chuyển, ăn ở đến chi tiêu, mua sắm các dịch vụ khác. Và với tỷ trọng dịch vụ chiếm hơn 75% trong GDP của thành phố, du lịch Đà Lạt “có sức sống” hay không phụ thuộc nhiều vào yếu tố có bao nhiêu du khách chọn nơi đây là điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng. Vì vậy, với chỉ số khách quốc tế đến du lịch giảm cả về số lượng lẫn lượng khách lưu trú qua đêm những tháng đầu năm nêu trên không khỏi đặt ra câu hỏi vì sao? Để trả lời điều này không khó, vì nếu đặt trong bối cảnh chung của toàn ngành du lịch Việt Nam những tháng qua. Theo Tổng cục Du lịch, trong tháng 3, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 617.895 lượt, giảm 10,4% so với tháng trước và giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 3 tháng năm 2015 ước đạt 2.007.884 lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm 2014. Thống kê của Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, trong những năm qua, lượng khách Nga đến Việt Nam tăng mạnh nhưng 2 tháng đầu năm toàn quốc chỉ đón 68 ngàn lượt, giảm 25,7% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số thị phần ở các quốc gia khác cũng giảm nhiều như: Trung Quốc giảm 40,3%, Đài Loan giảm 27,4%, Campuchia giảm 13,1%, Thái Lan giảm 11,1%...và Malaysia giảm 14,8%. Ông Phùng Quý Ngọc - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng cho rằng: Trước nay khách quốc tế tới Đà Lạt - Lâm Đồng tăng một phần do lượng khách du lịch Nga sang du lịch tại các tỉnh miền Trung, nhất là Nha Trang và Phan Thiết rồi mới nối tour đến Đà Lạt. Vì vậy, khi lượng khách từ Nga sang du lịch giảm ảnh hưởng đến mức giảm sút lượng khách quốc tế đến Đà Lạt - Lâm Đồng những tháng qua là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nếu dẫn chiếu bối cảnh tình hình chung du khách nước ngoài đi du lịch Việt Nam giảm, do đó các địa phương khác - nhất là các trung tâm du lịch như Đà Lạt bị ảnh hưởng chưa hẳn đã có sức thuyết phục cao. Vì dầu sao khách Nga cũng chỉ chiếm giữ một thị phần nhất định trong thị phần du khách quốc tế. Bởi theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng Phùng Quý Ngọc thì: Mặc dù khách quốc tế đến một số địa phương giảm nhưng riêng đối với thành phố Hồ Chi Minh vẫn tăng. Điều này cho thấy thành phố Hồ Chí Minh có nhiều “kênh” tiếp thị và có thị phần rộng hơn để thu hút du khách quốc tế đến đây để bù đắp mức suy giảm ở các thị phần tại quốc gia đang gặp phải kinh tế khó khăn. Và, vấn đề cốt lõi ở đây là Thành phố Hồ Chí Minh thực sự làm tốt khâu tiếp thị, quảng bá du lịch tới các nước nên có nguồn khách quốc tế đa dạng từ nhiều quốc gia và khu vực để bù đắp nhưng phân khúc thị trường khác suy giảm.
Mức tăng trưởng khách tới du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng luôn tăng trên hai con số, trong đó khách nước ngoài cũng tăng, nhưng chiếm tỷ trọng rất thấp so với tổng lượt khách tới du lịch Đà Lạt. Nếu như năm 2014, Đà Lạt - Lâm Đồng đón 4,8 triệu lượt khách thì chỉ có gần 250 ngàn lượt khách quốc tế, một con số còn quá khiêm tốn so với vị trí, tiềm năng du lịch Đà Lạt. Phân tích kỹ sẽ thấy, bất lợi của Đà Lạt - Lâm Đồng là ngoài lợi thế so sánh về khí hậu, cảnh quan ra chưa khai thác hiệu quả sản phẩm du lịch Homestay để du khách quốc tế khám phá, trải nghiệm đời sống, sinh hoạt của người dân Đà Lạt hiền hòa thanh lịch; cũng như du lịch sinh thái, dã ngoại gắn với văn hóa bản địa gốc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, Lâm Đồng cũng chưa hướng sự tiếp thị, quảng bá để thu hút khách du lịch ở các nước có nền nhiệt độ cao, khí hậu nắng nóng. Đặc biệt, việc xúc tiến du lịch, tiếp thị chào mời khách quốc tế tại chính các nước đó và các hãng lữ hành quốc tế chưa thực hiện được. Mặt khác, chỉ xét trên yếu tố giao thông, Lâm Đồng đã không thể bì kịp các trung tâm du lịch khu vực miền Trung, bởi ngoài giao thông đường bộ, các tỉnh, thành này còn có giao thông đường thủy, đường sắt, nhất là có đường bay quốc tế từ các quốc gia khác đến. Bằng chứng là kể từ khi có đường bay từ Nga đến Khánh Hòa, lượng khách Nga và Đông Âu những năm qua không chỉ đến Nha Trang mà cả Phan Thiết - Bình Thuận cũng tăng đột biến. Do đó, chỉ khi nào Đà Lạt - Lâm Đồng kết nối với thế giới bên ngoài bằng đường hàng không, cùng với việc làm tốt công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt đến nhiều quốc gia khác nhau thì khi đó mới kỳ vọng lượng khách quốc tế đến Đà Lạt ổn định và đạt mức tăng cao. Còn như hiện tại vẫn phải thu hút khách quốc tế qua kết nối tour, tuyến từ các trung tâm du lịch trong nước. Hơn bao giờ hết, Đà Lạt - Lâm Đồng cần thiết kế một “kịch bản” tiếp thị, quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt một cách chuyên nghiệp nhằm thu hút khách quốc tế đến với thành phố hiền hòa, thành phố Festival hoa của Việt Nam.
HỒ XUÂN TRUNG