(LĐ online) - Thuyền chúng tôi quay mũi, hướng tây bắc Cần Thơ rẽ sóng. Chỉ hơn 30 phút, đã tiếp cận cửa chợ Cái Răng. Ngược với chúng tôi còn có nhiều thuyền du khách xuyên những đám lục bình tiến về trung tâm chợ. Họ từ các miền quê nước Việt, họ từ nhiều quốc gia.
(LĐ online) - Tin vui, ngày 26/4 đường bay thẳng Lâm Đồng - Cần Thơ chính thức khai trương. Đây là kết quả làm việc giữa 2 UBND thành phố Cần Thơ và tỉnh Lâm Đồng diễn ra đầu tháng. Đường bay do Công ty bay dịch vụ Hàng không (Vasco) khai thác, tần suất 2, 3 chuyến mỗi tuần. Đây là cơ hội để hai địa phương phát triển kinh tế, nhất là thu hút khách du lịch và giao thương. Trước ngày tuyến bay chính thức đi vào hoạt động, nhóm cư dân Đà Lạt chúng tôi theo tuyến đường bộ về làm du khách của Cần Thơ mà điểm đến là chợ nổi Cái Răng…
|
Bình minh trên chợ nổi Cái Răng. Ảnh: Nguyên Thi |
Đêm. Thành phố Cần Thơ rực rỡ, sắc màu lung linh các con đường: Cách mạng tháng Tám, 30 tháng 4, 3 tháng 2,… Dòng người thong dong hoan hỉ. Không gian của ngày hội 40 năm thống nhất nước nhà nhuốm mọi góc phố, lối phường…
4 giờ 30 sáng, nhóm cư dân Đà Lạt rộn rã ra bến Ninh Kiều. Gió chạy sóng trên nước, gió dào lên bờ, ánh sáng giao hoan trên bến dưới sông. Chiếc thuyền ghếch mũi lên bờ, từng người bước vào lòng thuyền chao nghiêng. Người quản lý bến nhắc cậu lái thuyền mấy lần, chỉ một câu, dứt khoát: “Cho khách mặc áo phao vào. Cho khách mặc áo phao vào!...”. Ngắm du khách cao nguyên choàng chiếc áo phao màu vàng trên dòng sông Hậu này, tôi chợt nhớ những lần ngồi xuồng CQ vượt những lớp sóng lừng để cập các đảo ở Trường Sa. Vẫn dạt dào và bâng khuâng cảm xúc thân thiết ấy với đất nước mình…
Thuyền chúng tôi quay mũi, hướng tây bắc Cần Thơ rẽ sóng. Chỉ hơn 30 phút, đã tiếp cận cửa chợ Cái Răng. Ngược với chúng tôi còn có nhiều thuyền du khách xuyên những đám lục bình tiến về trung tâm chợ. Họ từ các miền quê nước Việt, họ từ nhiều quốc gia. Ai cũng háo hức muốn chứng kiến 1 trong 10 khu chợ tuyệt vời nhất thế giới mà Tạp chí Du lịch Rough Guide của Anh quốc vừa công bố. Chợ Cái Răng càng đặc biệt bởi rực rỡ sắc màu nhiệt đới, đậm hồn nền văn minh lúa nước. Tên chợ này có nhiều giả thuyết, nhưng cách chiết tự của “nhà Nam Bộ học” Vương Hồng Sển trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam” hợp lý hơn. Cái Răng có gốc từ chữ “karan” của người Khmer, âm đọc là “cà ràng”, nghĩa là “ông táo” của người Kinh. Xưa, người Khmer ở vùng Xà Tón, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang chất nồi đất và “karan” lên ghe rồi thả theo sông dạt về chỗ đoạn sông Cái Răng ngày nay để bán. “Karan” dần dần chuyển âm thành "Cái Răng". Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, một nhánh của sông Hậu, thuộc quận Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 6km. Chợ có tuổi cả thế kỷ, trở thành điểm du lịch đặc sắc của Cần Thơ. Với chúng tôi, những người ở xứ du lịch miền núi cao xuống với mặt nước sát biển, từ xứ lạnh đến xứ nóng, cảm xúc hào phóng dâng đầy...
Khoảng sông lúc trời đang thời khắc chuyển giao đêm và ngày nên nhá nhem, tranh tối tranh sáng. Tiếng cười rổn rảng của các sơn nữ miền thông xanh ắp đầy lòng thuyền. Bất giác thuyền chòng chành chao rất mạnh. Phía đầu mũi, lái thuyền Trần Mạnh Đăng chỉ sang phải giải thích: “Có chiếc tàu lớn chở cát đi qua chú ạ”. Anh Thy bò lên mũi thuyền chụp hình, Đăng nhắc cẩn thận. Một chiếc ghe nhỏ áp sát vào thuyền chúng tôi. Người lái ghe là anh trung niên lanh lẹn móc dây vào thuyền chúng tôi và cất giọng: “Mời cô bác uống cà phê, nước ngọt đi…”. Đăng giảm tốc để mọi người giao lưu. Người phục vụ niềm nở, 10 ngàn đồng một ly cà phê nóng hôi hổi. Tuy không ngon bằng cà phê kho dọc các hẻm dốc phố Đà Lạt nhưng cái thú là thưởng thức trong ngả nghiêng giữa mênh mông sông nước.
|
Niềm nở mời khách thưởng thức trái cây trước khi bán |
Trời hửng dần, sông mênh mang, nườm nượp xuôi ngược ghe thuyền. Một chiếc ghe chở những sọt vú sữa vun đầy lao xéo tới thuyền chúng tôi như chực đâm sầm vào mạn. Nhưng không, nó tức khắc quay song song nhờ tài nghệ của cậu con trai điều khiển. Cậu tắt máy, neo dây “kết duyên” với thuyền chúng tôi và cùng mẹ (chị Năm Thái) nhanh chóng bổ những quả vú sữa đon đả mời mọi người thưởng thức trước khi bán. Lại chiếc thuyền chở bưởi của dì Ba, chiếc thuyền dưa hấu của vợ chồng anh Sáu lần lượt tiếp cận thuyền chúng tôi mời chào…Cách giao thiệp chân chất của dân miệt vườn miền Tây càng nâng giá trị của hoa quả xứ này. Đó là nét văn hóa của sản phẩm du lịch mà du khách rất thích thú khám phá, nhất là người nước ngoài. Bên mạn trái thuyền chúng tôi, mấy du khách đến từ châu Âu say sưa quay phim chụp ảnh những nét văn hóa đặc sắc này. Họ bày tỏ sự rất thích thú được trải nghiệm trong không gian thân thiện, bồng bềnh… mê hoặc…
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã lọt sâu vào trung tâm chợ nổi Cái Răng. Từ khoảng 6 giờ, chợ tấp nập. Một khúc sông dày đặc thuyền ghe. Rất nhiều hàng hóa miền Tây, nhưng nhiều nhất, đặc trưng nhất là trái cây. Chợ vừa bán lẻ phục vụ du khách vừa làm đầu mối cung cấp hàng sỉ các vùng lân cận và cả đi Campuchia, Trung Quốc. Mỗi “sạp hàng” nổi được cắm một chiếc cọc cao đầu thuyền, gọi là cây bẹo. Trên cây bẹo, chủ nhân treo một vài sản vật nhằm thông báo: “ở đây có hàng này bán”. Chị Ngọc vừa cầm chiếc iPad chụp vừa dí dỏm nhận xét: “Chả cần bảng hiệu, cái gì lủng lẳng trên cọc là thay lời muốn nói”. Đi chợ nổi miền Tây phải hiểu được “hương ước” này. Dù đông đúc thuyền ghe, xuôi ngược chằng chịt, cây bẹo giúp người ta tới mua dễ dàng. Ngày nay, đáp ứng nhu cầu, chợ nổi Cái Răng còn có nhiều mặt hàng phục vụ kẻ chợ rất phong phú. Nào xăng dầu, muối, bánh kẹo, bún, phở, thuốc lá, thuốc tây; nào các thức ăn dân dã như bánh lá dừa, bánh tét, bánh da lợn, bánh bò...
|
Tấp nập kẻ bán người mua trên sông nước Cái Răng. Ảnh: Nguyên Thi |
Mặt trời rực đỏ ló khỏi những rặng dừa phía đông, hình ảnh một chợ nổi tấp nập càng rõ từng mảng màu đường nét. Những xoáy nước lấp lánh đầu mũi các mái chèo khua nhanh. Nước vỗ í oạp mạn thuyền như tiếng gõ của dòng thời gian sinh sôi. Bức tranh đầy đặn của nền văn minh lúa nước chất chứa trong thẳm sâu cái hồn cốt của vùng đất châu thổ phì nhiêu với những người lao động chất phác cần cù. Cũng giống nhiều chợ quê miền Bắc, chợ nổi Cái Răng vãn dần kẻ bán người mua khi mặt trời lưng ngang thân cây tre, khoảng 8, 9 giờ. Vậy nhưng chợ nổi này có sức sống hơn thế kỷ nay, không chỉ là chuyện mua bán mà là giác độ văn hóa. Để bảo tồn và phát huy thế mạnh, chính quyền quận Cái Răng có đề án cải tạo, nâng cấp chợ nổi Cái Răng từ nay đến năm 2016 với tổng kinh phí khoảng 26 tỷ đồng. Thật có lý khi Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Lê Hùng Dũng lưu ý: Tuyệt đối không thu thuế với các tiểu thương sống trên chợ nổi. Họ cần được xem xét hỗ trợ các chính sách về giáo dục, y tế và vốn. Hướng đi của đề án là “phải chú ý giữ nguyên hiện trạng tự nhiên của chợ nổi, không can thiệp vào quá nhiều”.
Tôi chạnh lòng nghĩ đến những chợ đầu mối hàng nông sản ở Lâm Đồng. Là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước, hoa quả, rau củ phải có đầu ra thật yên ổn mới xứng tầm. Tôi phát hiện chợ của Đà Lạt, dù nhỏ hay lớn, dù ngoài phố hay ở phường đều không ồn ả như vốn có của chợ. Đó là chiều sâu văn hóa của vùng đất hiền hòa này không nơi nào có, cần được bảo tồn và phát huy. Tỉnh Lâm Đồng đã ấp ủ đường bay Đà Lạt-Cần Thơ từ rất lâu. Có đường bay, Đà Lạt sẽ không dừng lại hơn 1 triệu khách du lịch từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến hàng năm mà sẽ tăng lên nhiều. Văn hóa núi, văn hóa sông nối vòng tay. Sản vật cao nguyên, sản vật Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xôm vui khu chợ, trong đó có chợ nổi Cái Răng...
Đà Lạt, tháng 4/2015
Ghi chép: TĨNH XUYÊN