Lâm Đồng được đánh giá là địa phương có nhiều sản phẩm du lịch, trong đó có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống thu hút một lượng không nhỏ du khách trong và ngoài nước. Tiềm năng lớn nhưng để phát triển các làng nghề truyền thống gắn với mở rộng thị trường du lịch, mang lại thêm những điểm đến hấp dẫn cho du khách đang là thách thức đối với những người làm du lịch ở Lâm Đồng.
Dệt thổ cẩm |
Ý KIẾN NGƯỜI TRONG CUỘC
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng
Du lịch làng nghề quả thực là tiềm năng chưa được khai thác của ngành du lịch. Để thay đổi thì còn rất nhiều việc phải làm nhưng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền quảng bá, thu hút du khách đến với các làng nghề. Trước nay chúng tôi vẫn tiến hành quảng bá nhưng thường lồng ghép vào các hoạt động như triển lãm hội chợ, xúc tiến thương mại. Sắp tới, công tác này sẽ có thay đổi.Việc tuyên truyền sẽ không đi theo chiều rộng, nhiều chủ đề mà sẽ thành chuyên đề, tập trung vào một chuyên đề nhất định, chọn lựa thị trường, trong đó quảng bá về du lịch làng nghề sẽ được chú trọng. Để du lịch làng nghề thực sự phát huy hiệu quả là một quá trình lâu dài, cần sự phối hợp của nhiều ngành, nhiều địa phương và sự nỗ lực của cư dân trong các làng nghề cùng sự hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Thái Văn Mai, Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà
Nam Ban chúng tôi đón khách du lịch khá nhiều, chừng 3 ngàn khách/tháng, trong đó, đa số là khách nước ngoài. Họ rất thích khám phá các nhà máy xe tơ dệt lụa cũng như tham quan đời sống của bà con nông dân. Tuy nhiên, điểm yếu của chúng tôi là chưa có cơ sở vật chất để phục vụ du khách. Họ đến không chỉ để chơi, họ còn cần ăn, cần ngủ, cần những điểm giải trí mà Nam Ban lại chưa có nhà nghỉ, điểm ăn uống hay dịch vụ giải trí nào. Đây là điều thực sự nuối tiếc của chính quyền địa phương. Chúng tôi đang kêu gọi các nhà đầu tư tới Nam Ban, xây dựng những cơ sở vật chất đạt chuẩn để phục vụ du khách tới đây lưu lại. Ngoài những điểm tham quan, chúng tôi có thể phục vụ khách những nét văn hóa truyền thống của cư dân đồng bằng như dân ca quan họ hay những điểm du lịch thác Voi, chùa Linh Ẩn. Khách đã đến với chúng ta, không lưu họ lại được, giúp họ tiêu tiền thì rất thiệt thòi cho cư dân địa phương. Chúng tôi đang cố gắng để đưa Nam Ban trở thành điểm dừng chân của du khách nước ngoài.
Anh Lê Vũ Chấn - easy rider tại Công ty Viettrip, đường Đống Đa, Đà Lạt
Du khách, đặc biệt du khách nước ngoài, rất thích khám phá các làng nghề thủ công mỹ nghệ của Lâm Đồng. Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói thì các làng nghề này còn thiếu rất nhiều điểm để thực sự thu hút khách. Hầu hết các làng nghề chưa có phương tiện phục vụ đạt chuẩn như vệ sinh ăn uống, khu trưng bày triển lãm. Họ cũng chưa biết cách làm du lịch, chưa nắm được tâm lý khách hàng. Ví dụ như khách mới chỉ tham quan, chưa được trải nghiệm trong vai trò một người thợ, điều mà người châu Âu rất thích. Nếu được đầu tư và đào tạo đầy đủ, đây sẽ là những nơi thu hút du khách nước ngoài đến và sẵn sàng tiêu tiền.
Anh Henning Christensen - du khách Đan Mạch
Tôi đã có một tour tuyệt vời đi dọc miền Trung Việt Nam bằng xe máy trong đó có Đà Lạt. Thực sự tôi khá ấn tượng với những nghề thủ công của các bạn như dệt thổ cẩm hay dệt lụa. Tôi cũng đã mua một số khăn lụa làm quà cho bè bạn và gia đình. Cư dân rất thân thiện nhưng các dịch vụ xung quanh như nơi nghỉ chân, nơi ăn uống chưa được phong phú. Nếu có dịp quay trở lại, tôi sẽ rất vui nếu được đến thăm những nơi dân cư sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam và giới thiệu cùng bạn bè tôi về những sản phẩm tuyệt đẹp của các bạn.
D.Q (ghi)
|
Một trong những điểm du lịch thu hút du khách khi đến Đà Lạt là Khu du lịch Lang Biang, huyện Lạc Dương. Đến đây, du khách không thể nào bỏ qua làng dệt thổ cẩm B’Neur C, nơi có những người phụ nữ đang mải miết dệt ra những cái gùi, túi sách, dây đeo tay mang đậm phong cách K’Ho. Du khách được chứng kiến tận mắt những người phụ nữ tần tảo bên khung dệt để làm nên những sản phẩm dệt mang đậm chất núi rừng. Hình ảnh những người phụ nữ - thợ dệt đã góp phần không nhỏ thu hút du khách đến với điểm du lịch này. Nếu Khu du lịch Lang Biang đã hình thành điểm đến của nhiều du khách, thì thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà lại là một địa chỉ du lịch hoàn toàn tự phát. Du khách, đặc biệt du khách châu Âu du lịch mạo hiểm rất thích những nhà máy ươm tơ, xe sợi, những trại dế, trại chồn ở vùng đất này. Nam Ban trở thành điểm đến của nhiều du khách châu Âu và cư dân nơi đây thường xuyên đón những đoàn du khách châu Âu sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại.