Xúc tiến đầu tư du lịch: Nhìn từ phía nhà đầu tư

09:04, 16/04/2015

"Lâm Đồng luôn mời gọi và trân trọng đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng; luôn đồng hành, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để ổn định kinh doanh và cùng phát triển" - là thông điệp của chính quyền tỉnh Lâm Đồng gửi đến du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến Lâm Đồng. 

“Lâm Đồng luôn mời gọi và trân trọng đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng; luôn đồng hành, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để ổn định kinh doanh và cùng phát triển” - là thông điệp của chính quyền tỉnh Lâm Đồng gửi đến du khách, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm đến Lâm Đồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần tiếp tục tháo gỡ…
 
Lãnh đạo và nhà đầu tư tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng trong Hội nghị xúc tiến Du lịch Nghệ An - Lâm Đồng
Lãnh đạo và nhà đầu tư tỉnh Nghệ An và Lâm Đồng trong Hội nghị xúc tiến Du lịch
Nghệ An - Lâm Đồng

Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư cấp tỉnh và tham gia những hội nghị xúc tiến đầu tư mang tính liên kết vùng. Qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, danh mục mục dự án kêu gọi đầu tư, lĩnh vực ưu tiên kêu gọi đầu tư,… được cung cấp rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam… Chính vì vậy, đã thu hút được nhiều nhà đầu tư thuộc tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Từ năm 2003 đến cuối năm 2014, Lâm Đồng đã thu hút 184 dự án du lịch - dịch vụ bằng nguồn vốn trong nước, với số vốn đăng ký 52.670 tỷ đồng;
 
Nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng được các nhà đầu tư ghi nhận và đánh giá cao. cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã được cải thiện đáng kể; môi trường đầu tư ở Lâm Đồng ngày càng thông thoáng, minh bạch và thân thiện, tạo được sự đồng tình trong cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận trong nhân dân. Tỉnh đã vận dụng linh hoạt và sáng tạo các cơ chế, chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành những chính sách hỗ trợ khác của địa phương. Các ngành, các cấp đã có nhiều cố gắng giúp các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Nhiều dự án triển khai đúng tiến độ và đưa vào hoạt động đã tác động tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương…
 
Mặc dù hoạt động xúc tiến đầu tư đạt được những kết quả tích cực, nhưng trên thực tế, các dự án du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái có sản phẩm trùng lắp, chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ mới lạ để thu hút khách du lịch; đa số nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính còn hạn hẹp; ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực và thế giới đã tác động đến nền kinh tế trong nước và nguồn lực của các nhà đầu tư. Thêm vào đó, những năm gần đây, nhiều Luật mới được ban hành, cơ chế - chính sách có nhiều thay đổi, nhất là chính sách liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, xử lý môi trường,… khiến chủ đầu tư phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tốn kém thời gian và chi phí, làm chậm tiến độ của dự án, gây lãng phí nguồn lực của địa phương. Lâm Đồng còn có cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông chưa thuận lợi,…đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và quyết tâm của nhà đầu tư. Công tác quy hoạch, tạo quỹ đất “sạch”, bồi thường, giải phóng mặt bằng tái định canh, định cư khi thu hồi đất cũng là nguyên nhân cản trở tiến độ triển khai dự án… một số nhà đầu tư chưa am hiểu quy trình và các quy định của pháp luật liên quan đến quá trình thực hiện dự án;  hoặc chưa khảo sát kỹ lưỡng, chưa lường hết mức độ phức tạp trong quá trình thực hiện dự án; thậm chí, có nhà đầu tư còn mang nặng tâm lý xin dự án để chiếm đất, chờ sang nhượng dự án… Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư…vào lĩnh vực du lịch.
 
Hướng dẫn du khách trước khi thực hiện tour du lịch rừng ở VQG Bidoup - Núi Bà
Hướng dẫn du khách trước khi thực hiện tour du lịch rừng ở VQG Bidoup - Núi Bà

Tất cả những lý do trên làm cản trở bước tiến của các nhà đầu tư đến Lâm Đồng, khiến quá trình xúc tiến đầu tư và kết nối giao thương không được như mong muốn. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn dễ dàng nhận thấy Đà Lạt chưa được đầu tư đúng mức, chưa được khai thác triệt để, dù rất tiềm năng. Các hãng lữ hành, công ty du lịch lớn chưa lựa chọn Lâm Đồng làm nơi mở văn phòng đại diện. Các đơn vị, công ty ở Lâm Đồng muốn tổ chức đi du lịch cho nhân viên thường chọn các hãng du lịch có trụ sở ở Tp.HCM… Công tác xúc tiến, quảng bá dù rất tích cực, nhưng được nhận xét là vẫn chưa có cơ hội thâm nhập sâu vào các thị trường tiềm năng. Chẳng hạn, việc xúc tiến - quảng bá du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng cho khách Nga đã được đặt ra từ vài năm trước. Nhưng, trong khi Bình Thuận và Khánh Hòa sang tận nước Nga tiếp thị du lịch thì Lâm Đồng lại tiếp thị qua Bình Thuận hoặc Khánh Hòa. Vì thế, chúng ta chỉ nhận được khách theo dạng chia sẻ với tỉ lệ rất nhỏ khách Nga tách tour lên Đà Lạt thăm thú phong cảnh trong ngày, nên mức độ tiêu dùng của đối tượng khách này ở Đà Lạt cũng rất thấp so với mức bình quân 100USD/ngày của họ.
 
Ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch Lâm Đồng, khẳng định: Chính quyền tỉnh Lâm Đồng luôn tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ nhà đầu tư, bằng nhiều cách, như: cải cách - đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện quy trình một cửa liên thông; tạo điều kiện tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn, giải phóng mặt bằng,…; minh bạch hóa các quy định liên quan đến lĩnh vực đầu tư; thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp là hoàn thiện cơ sở hạ tầng và coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực; đa dạng hóa các kênh quảng bá thông tin về thu hút đầu tư; phối hợp với các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan của Việt Nam tại nước ngoài để quảng bá tiềm năng đầu tư, hoàn thiện các tài liệu xúc tiến đầu tư…; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xúc tiến đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ mà không có lý do chính đáng; phối hợp với các Bộ, ngành trung ương tổ chức các sự kiện XTĐT mang tính liên kết vùng thực hiện trong và ngoài nước… Để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến các dự án đầu tư du lịch trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mà tỉnh có lợi thế, như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch canh nông, du lịch hoa...
 
 LÊ HOA
 
Ông Phạm Đức Hùng - Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội: 10 năm nay Công ty Du lịch Hà Nội mở tuyến đến Lâm Đồng, nên thường xuyên cập nhật thông tin về Lâm Đồng. Với tiềm năng lớn như thế này, vị trí đẹp như thế này,  Đà Lạt luôn nằm trong kế hoạch hợp tác của chúng tôi. Việc đi tham quan các điểm được đầu tư tại tỉnh là nguồn thông tin để chúng tôi nghiên cứu, tìm kiếm hướng đi tại Lâm Đồng. Lượng phòng khách sạn của Đà Lạt - Lâm Đồng hiện nay khá lớn, nhưng trong tương lai không xa nữa cần hệ thống khách sạn cao cấp hơn để tạo cơ hội thuận lợi thu hút khách du lịch có nhu cầu dịch vụ cao cấp. Trên thực tế, đến mùa đông khách thì vấn đề phòng nghỉ ở Lâm Đồng vẫn khó khăn. Lâm Đồng nên xã hội hóa các hoạt động dịch vụ phục vụ du lịch, chẳng hạn xây dựng những khu ẩm thực đặc trưng...
 
Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty thương mại Hà Nội HAPRO: HAPRO hoạt động xuất nhập khẩu với 70 nước và vùng lãnh thổ về nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ; vận hành trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… Do đó, nhu cầu về nông sản của công ty rất lớn, rất coi trọng hàng Việt Nam truyền thống từ các vùng miền để tạo sự khác biệt. Đối với Lâm Đồng, HAPRO đã có quan hệ thương mại rất lâu, nhưng chưa đáp ứng được tiềm năng của HAPRO. Mong muốn lãnh đạo tỉnh giúp đỡ kết nối giao thương hai chiều để tiêu thụ hàng hóa, tạo cơ hội quảng bá, thu hút đầu tư ở những lĩnh vực khác…
 
Ông Nguyễn Văn Quảng - Công ty Intertour Việt Nam: Lâm Đồng nên tổ chức nhiều famtrip (những chuyến đi mang tính chất tìm hiểu, làm quen, tiếp thị…) chuyên đề, vì doanh nghiệp du lịch cần thông tin về điểm đến cho du khách. Hiện nay, du lịch sinh thái rất nhiều dạng: du lịch biển, du lịch đồng bằng, du lịch núi… từ 2014, một loại hình du lịch mới là “Du lịch rừng” (theo cách gọi của những người làm du lịch) mà Lâm Đồng rất có lợi thế. Nhưng, khi các doanh nghiệp lữ hành đi tìm sản phẩm cho du khách thì mới đến “cửa rừng”. Du khách muốn gì khi đến rừng? Đó là du khách muốn được dạy “kỹ năng rừng” trước khi vào rừng, học được gì khi vào rừng, và khi từ rừng về mang theo mình những điều bổ ích về những điểm nào đáng lưu dấu, loài hoa, loài cây nào lấy gỗ, làm thuốc, làm đẹp…? Doanh nghiệp chỉ có thể thông tin được khi trực tiếp trải nghiệm tuyến du lịch này trước du khách.              
 
TIỂU VÂN ghi