Khám phá đất nước chùa vàng

08:05, 21/05/2015

Giữa tháng tư, năm 2015, tôi có dịp trở lại tỉnh Kanchanaburi, đúng dịp tết của người Thái và người Lào - Tết Té nước. Về tên gọi, Songkran là tên gọi tết Thái, BunPimay là tên gọi tết Lào. Nói nôm na, gọi là Tết Té nước. Cả 2 nước Thái và Lào đều ăn tết theo Phật lịch, năm 2015 bắt đầu từ ngày 13/4 tính theo dương lịch.

Giữa tháng tư, năm 2015, tôi có dịp trở lại tỉnh Kanchanaburi, đúng dịp tết của người Thái và người Lào - Tết Té nước. Về tên gọi, Songkran là tên gọi tết Thái, BunPimay là tên gọi tết Lào. Nói nôm na, gọi là Tết Té nước. Cả 2 nước Thái và Lào đều ăn tết theo Phật lịch, năm 2015 bắt đầu từ ngày 13/4 tính theo dương lịch.
 
Tượng Bác Hồ tại Công viên Văn hóa Siam
Tượng Bác Hồ tại Công viên Văn hóa Siam
Ngồi chung xe, tôi hỏi về cái tết mà người Thái gọi là Songkran, Chủ tịch Hội Báo chí địa phương tỉnh Kanchanaburi, ông Jaran Rungmanee cho biết: Songkran có gốc từ tiếng Phạn với nghĩa thời gian đang chuyển dịch, ứng với mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ. Thời khắc ấy, mọi người đón mừng Đản sinh Đức Phật bằng việc tưới nước vào người nhau để gột rửa hết buồn phiền. Mọi người lên chùa dự lễ tắm Phật, mang trái cây và những món ăn chay cùng các vị sư, đồng thời thả chim lên trời phóng sinh, đem lại điềm lành, làm việc thiện cho mình và con cháu. Sau đó là chúc thọ ông bà, cha mẹ, rồi lấy nước thơm phun lên người nhau để chúc phúc. 
 
Ngày 13/4, tết Songkran - TÉ NƯỚC của bạn, hàng trăm, hàng ngàn người ra đường, quây quần trên các sân chùa. Ở Thái Lan, làng xã nào mà chẳng có vài ba ngôi chùa, nơi tôn thờ tâm linh, một chốn đi về, gửi gắm niềm tin nơi Đức Phật, các sư trụ trì chùa phun nước lên người cho bất cứ ai cầu mong sự tĩnh lặng, mắn may. Người Thái phun nước cho nhau, bằng tất cả sự thành kính, biết ơn - cầu mong sự an lành. Tết Songkran, các đồng nghiệp Hội báo chí địa phương Kanchanaburi hướng dẫn chúng tôi đến thăm Công viên Văn hóa Siam, nằm ở phía Bắc thành phố. Bước vào sảnh lớn Công viên, chủ và khách tự phun nước lên tượng Phật cầu may, an lành, hạnh phúc. 
 
Công viên Văn hóa Siam được xây dựng từ năm 1997, tạo dựng một không gian yên bình, thoáng mát, đậm dấu ấn văn hóa của người Thái, vừa là một trong những điểm nhấn du lịch, vừa là nơi người lao động thành phố có những giờ phút thư giãn yên bình sau những ngày lao động căng thẳng. Công viên văn hóa còn là nơi giới thiệu, quảng bá, nuôi dưỡng các giá trị văn hóa nghệ thuật Thái Lan và thế giới. 
 
Theo chân đồng nghiệp Thái, ông Jaran Rungmanee tôi đến nơi đặt 3 bức tượng cao 129 inche làm bằng đồng thau điêu khắc hình Đức Phật có ngốn gốc từ Ấn Độ. Trong các gian trưng bày là hình ảnh - kèm lời giới thiệu, lời bình - thuyết minh bằng tiếng Anh, tiếng Thái - còn được mệnh danh “Đại lộ Danh vọng” về nhà soạn nhạc tài ba Montri Tramod, nhà bảo tồn thiên nhiên Seub Nakasatian, nhà giáo ưu tú ML. Pin Malakul, giáo sư Chủ tịch Hội đồng cơ mật Sanya Thammasak… 
 
Các nhân vật - mà Khu Công viên Văn hóa Siam giới thiệu, bên cạnh một số chính khách nổi tiếng, nhà khoa học, nhà hoạt động chính trị tên tuổi trong khu vực và thế giới, còn có những nhân vật có cuộc sống bình dị như bao cuộc sống đời thường khác của một con người, họ nêu những tấm gương sáng về từng lĩnh vực. Seub Nakasatian được xã hội Thái Lan đúc tượng trưng bày trong Công viên Văn hóa Siam, người đời tôn vinh, kính trọng bởi ông có thái độ dứt khoát trong các chương trình bảo vệ rừng, cây xanh, môi trường sống. Một cánh rừng ở miền Trung hoặc vùng phía Bắc bị kẻ xấu tàn phá, thiêu trụi bằng ngọn lửa, bị những kẻ hám lợi chặt phá khai thác lấy gỗ. Một lần, một quan chức địa phương cỡ bự hạ lệnh đốn cây phá rừng, Seub Nakasatian đã khuyên bảo nhưng họ bỏ ngoài tai. Seub Nakasatian đã khóc và ông đã quyên sinh để bày tỏ thái độ phản kháng hành vi chặt phá rừng. Ông được nhân dân tôn sùng, kính trọng và bức tượng của ông đã được dựng lên trong Công viên Văn hóa - với một gian trưng bày riêng, để mọi người cùng đến đây chiêm ngưỡng tưởng nhớ ông, tự nhủ lòng mình: “Hãy làm bằng mọi giá để bảo vệ cây xanh, rừng quý”, bởi “Rừng là cuộc sống, là tài sản vô giá quyết định sự sống của con người”.
 
Ông Som Chanan là người đàn ông Thái ham tìm hiểu, thích ngao du để đúc kết kiến thức cho đời, coi trọng việc tổng kết thực tiễn đời sống đương đại. Ông nói: “Con người khác con vật ở kiến thức, ở những nhận thức lý tính. Để có kiến thức bạn hãy năng nổ đi du lịch, đến với mọi vùng miền, ra ngoài thế giới để tích tụ hiểu biết, làm khôn cho trí tuệ của mình, giúp ích cho đời”. Som Chanan chỉ có vậy, thích đi đây đi đó để sưu tầm sự hiểu biết, mà ngày nay người ta vẫn gọi “thích đi du lịch”. Ông đã dành một khoảng không gian trong Công viên Văn hóa Siam. Bức tượng của ông đặt trang trọng trong một gian trưng bày, với vô vàn những kiến thức ông tập hợp được từ những chuyến đi đây đi đó. Cố vấn Khu Công viên Văn hóa Siam, ông Suchai - một nhà báo, nhà văn từng trải: “Công viên Văn hóa Siam của chúng tôi tôn thờ những điều bình dị, những con người bình dị nhưng họ là những con NGƯỜI đúng nghĩa của nó, sự vĩ đại của họ bắt đầu từ những việc làm giản dị, bình thường như bao sự bình thường khác, mà ai cũng có thể vươn tới”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam và phong trào giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới được các bạn Thái Lan giới thiệu trang trọng tại Công viên Văn hóa Siam. Với gian trưng bày này, du khách được nghe giới thiệu tóm tắt về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai tiếng BÁC HỒ được nhắc đến với tất cả sự thành kính, ngưỡng mộ và biết ơn Người. Bác ngồi đó, bên chiếc bàn bằng gỗ giản dị mà thanh cao cùng bản thảo Di chúc của Người, viết năm 1969. Nữ hướng dẫn viên Công viên Văn hóa Siam nói: “Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người dân Thái chúng tôi đều vô cùng tôn kính. Người có những năm tháng hoạt động yêu nước trên đất nước Thái Lan. Người không chỉ là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là danh nhân văn hóa của nhân loại. Bác Hồ là người bạn lớn của Thái Lan, một tấm gương sáng chói về đạo đức cho mọi người noi theo”. 
 
Tôi hỏi nữ hướng dẫn viên Công viên Văn hóa Siam:
 
- Số lượng du khách dừng lại gian trưng bày để tìm hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh khi họ đến đây, bạn có thể thống kê được không?
 
- Xin thưa, nhiều lắm. Rất tiếc chúng tôi chưa có số liệu chi tiết. Nhiều du khách dừng lại chụp ảnh cùng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỏi chúng tôi rất nhiều điều về Bác Hồ, về Việt Nam. Tài liệu về Bác Hồ và về Việt Nam tại đây chưa thật nhiều. Tôi có mong muốn một dịp thuận lợi được đến Việt Nam, đến Nghệ An quê hương của Người để hiểu sâu thêm về Việt Nam, về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. 
 
Tôi thực sự xúc động về câu chuyện cũng như nguyện vọng chính đáng của người nữ hướng dẫn viên người Thái tại Công viên Văn hóa Siam buổi sáng ngày 12/4/2015. Chị mong muốn được đến Việt Nam, đến Nghệ An - xã Kim Liên, Nam Đàn quê hương của Bác, một ước mong trân trọng, nghĩa tình đáng quý biết bao. Tôi đã từng chứng kiến một số lần trở về Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An quê hương của Người, giọng nói trầm ấm từ chính trái tim có sức lay động lòng người của các nữ hướng dẫn viên khi giới thiệu về Bác - cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ tại quê nhà, khá đông bà con cô bác đã chăm chú lắng nghe sụt sùi khóc vì nhớ thương Bác, một cuộc đời bình dị hy sinh tất cả, không dành riêng cho mình bất cứ điều gì, dù nhỏ nhất. 
 
***
 
Trở lại Kanchanaburi và các tỉnh miền Trung, chúng tôi không quên đến thăm ngôi chùa Việt - một người Thái gốc Việt xây dựng và trụ trì chăm sóc ngôi chùa. Mỗi năm có hàng vạn người gốc Việt xa quê, người Việt đi du lịch và người Thái đến ngôi chùa Việt để chúc phúc, tìm chốn bằng yên. Các bạn Thái nói về ngôi chùa Việt với tất cả tình cảm quý mến, kính trọng, đức tin. May mắn, tôi gặp ông Lai, người cháu nội của vị sáng lập ngôi chùa. Ông Lai nói tiếng Việt không sõi, nhưng tôi đủ hiểu những điều ông bày tỏ tình cảm của mình: Ông nội tôi người miền Trung. Cha tôi đã 2 lần trở về Việt Nam, trở về tìm quê hương để bái Tổ. Tôi rất mong sẽ sớm trở về nơi bản quán, làm được một công việc gì đó có ích cho Tổ quốc Việt. 
 
Tài sản của ông Lai và dòng họ khá lớn, cuộc sống sung túc, ông dành một phần tài sản đó làm từ thiện xã hội, chăm sóc người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Ông nói: “Hãy CHO trước khi nghĩ đến NHẬN. Làm việc thiện cho NGƯỜI là sự chúc phúc tốt nhất cho cuộc đời”. Ông TÉ NƯỚC cho tôi và mọi người để chúc phúc, cầu mong mọi điều may mắn, cầu cho 2 đất nước Việt - Thái mãi mãi là những người bạn tốt của nhau - hòa bình, hữu nghị, đất nước - nhân dân có cuộc sống an bình…
 
PHẠM QUỐC TOÀN